Luật quốc tế nói gì về việc Mỹ bắn hạ khí cầu Trung Quốc?
Cả Mỹ và Trung Quốc đều có những lập trường khác nhau trên phương diện luật quốc tế trong sự cố khinh khí cầu Trung Quốc bay qua không phận Mỹ.
Việc khinh khí cầu Trung Quốc xuất hiện tại không phận Mỹ đã khiến quan hệ hai nền kinh tế thế giới đứng trước thách thức mới vào đầu năm 2023.
Vụ việc này đã tạo thêm một sự phức tạp khác cho quan hệ vốn đã xuống thấp giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hủy chuyến thăm đến Bắc Kinh, trong khi Trung Quốc lên án việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu.
Công ước Chicago 1944
Các cuộc tranh luận hiện xoay quanh việc xác định tính chất của khí cầu Trung Quốc. Và Mỹ - Trung đều có cách lý giải khác nhau về vấn đề này.
Trong tuyên bố, phía Trung Quốc khẳng định đây là khí cầu "dân sự", dùng cho mục đích khí tượng.
Các quy định về phương tiện bay được thể hiện trong Công ước Chicago về Hàng không Dân dụng Quốc tế năm 1944. Ngoại trừ Liechtenstein, toàn bộ thành viên Liên Hợp Quốc đều là thành viên công ước này.
Ngoài nguyên tắc cơ bản tôn trọng chủ quyền tuyệt đối về không phận của mỗi nước, điều 3 trong công ước này quy định các quốc gia không được dùng vũ lực với các tàu bay dân dụng.
Giới quan sát cho biết những điều khoản trong công ước Chicago có thể được Trung Quốc dùng làm cơ sở cáo buộc Mỹ vi phạm luật quốc tế.
Trước đó, New York Times dẫn tuyên bố của Trung Quốc nói rằng việc Mỹ dùng vũ lực là thái quá và vi phạm công ước quốc tế. Bắc Kinh cũng ngụ ý rằng Mỹ đã tấn công mục tiêu dân sự.
Phụ lục 2 của công ước có mục giải thích về việc phân loại các khinh khí cầu không người lái. Theo đó, khí cầu hạng nhẹ (mang theo khối hàng không quá 4 kg) và được sử dụng "duy nhất" cho mục đích nghiên cứu khí tượng, sẽ không cần cấp phép để bay qua lãnh thổ một nước.
Tuy vậy, giới quan sát cho rằng dựa trên kích cỡ của khí cầu Trung Quốc, với cấu trúc bên dưới được cho là có chiều dài ngang 3 xe buýt, do đó khó được xếp vào khinh khí cầu hạng nhẹ.
Phụ lục 2 Công ước Chicago còn quy định khinh khí cầu hạng trung và hạng nặng phải được một quốc gia cấp phép để bay qua không phận nước đó. Điều này cũng chỉ áp dụng với khí cầu được dùng "duy nhất" cho mục đích khí tượng, trong khi văn bản từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nói khí cầu "chủ yếu" được dùng cho nghiên cứu khí tượng.
Ngoài ra, công ước cũng quy định khinh khí cầu cần được một quốc gia cấp phép trước khi khởi hành nếu trong lộ trình ban đầu xuất hiện khả năng nó có thể trôi vào không phận nước này do các điều kiện khách quan.
Phía Trung Quốc nhiều lần khẳng định việc khí cầu xuất hiện tại không phận Mỹ là sự cố "bất khả kháng".
Theo Điều 23 Văn kiện về Trách nhiệm Pháp lý Quốc tế của Quốc gia năm 2001, khi viện dẫn sự kiện bất khả kháng (force majeure), quốc gia đó sẽ không bị coi là vi phạm luật quốc tế nếu hành vi đó vượt ngoài tầm kiểm soát của quốc gia và không lường trước được.
Với Mỹ, khí cầu Trung Quốc không phải "dân sự"
Mỹ tuyên bố đây là khí cầu của Trung Quốc mang tính chất do thám hoặc quân sự, do đó với Washington, những điều khoản từ công ước Chicago 1944 sẽ không được áp dụng trong trường hợp này. Khi đó, Mỹ có chủ quyền tuyệt đối và quyền quyết định sẽ làm gì trong không phận.
Bên cạnh đó, Mỹ chưa từng tham gia các khuôn khổ pháp lý cho phép khí cầu "do thám" Trung Quốc hoạt động trên không phận Mỹ.
Trước đây, Mỹ cùng các thành viên khác của NATO và các nước thuộc khối Warsaw cũ đã ký hiệp ước Bầu trời Mở - cho phép các nước tham gia điều máy bay trinh sát không vũ trang bay qua không phận của nhau nhằm thu thập thông tin về hoạt động quân sự.
Tuy nhiên, Trung Quốc không tham gia hiệp ước này, và Mỹ cũng đã rút khỏi hiệp ước Bầu trời Mở vào năm 2020.
Các quốc gia khác sẽ xử lý sự cố khinh khí cầu như thế nào?
Theo quy định của EU, các khinh khí cầu không người lái, phục vụ mục đích khí tượng, không được hoạt động trên lãnh thổ của quốc gia khác mà chưa có sự cho phép.
Phản ứng của EU về sự cố khinh khí cầu Trung Quốc đang khá yên ắng. EU chỉ công nhận quyền của Mỹ trong việc bảo vệ không phận, thay vì có những tuyên bố cứng rắn với Trung Quốc.
"An toàn và bảo vệ vùng trời là vấn đề an ninh quốc gia, do đó quốc gia liên quan có thẩm quyền, trách nhiệm và đặc quyền", người phát ngôn EU nói hôm 5/2.
Trong khi đó, một số đồng minh của Mỹ như Anh, Canada và Hàn Quốc hoan nghênh động thái của Washington.
Với Nhật Bản, nếu xảy ra trường hợp tương tự, việc điều chiến đấu cơ đánh chặn như cách Washington điều F-22 là một lựa chọn khả thi. Việc sử dụng vũ lực để chặn phương tiện bay xâm nhập vào không phận quốc gia là được phép, theo Nikkei.
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Aoki cho biết Tokyo chưa ghi nhận bất kỳ sự cố khinh khí cầu xâm phạm không phận. Ông Aoki nói rằng Nhật Bản sẽ xử lý mọi hành vi vi phạm không phận của mình trong từng trường hợp cụ thể.
Một vật thể giống khinh khí cầu đã được báo cáo tại Nhật bản vào tháng 6/2020. Phía Nhật Bản khi đó nói rằng vật thể này không đe dọa an ninh, và vụ việc không được coi là vi phạm không phận.