Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn: Lấy con người làm trung tâm, văn hóa làm nền tảng phát triển
Sáng 22/4, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về 'dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn'.
Khắc phục các tồn tại, hạn chế, bất cập
Trình bày tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, pháp luật về quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng (quy hoạch nông thôn và khu chức năng) hiện nay được quy định chủ yếu tại Luật Quy hoạch đô thị năm 2009 và Chương II Luật Xây dựng năm 2014 (quy định về quy hoạch nông thôn và các khu chức năng), ngoài ra còn một số Luật khác liên quan, trong đó có Luật Quy hoạch năm 2017. Qua 14 năm thi hành Luật Quy hoạch đô thị, 9 năm thi hành Luật Xây dựng, cùng với những yêu cầu mới của thực tiễn phát triển đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện.
Về mục đích, quan điểm xây dựng luật, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự án Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý, công cụ quản lý đồng bộ, toàn diện, thống nhất để điều chỉnh hoạt động quy hoạch đô thị và nông thôn, khắc phục được các tồn tại, hạn chế, bất cập và khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đáp ứng được yêu cầu đối với giai đoạn phát triển mới của đất nước; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội.
Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được xây dựng trên cơ sở quan điểm thể chế hóa định hướng của Đảng, Nhà nước về hoàn thiện chính sách, pháp luật quy hoạch; kết hợp hài hòa giữa phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng quy hoạch đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững tại các Nghị quyết của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với thực tiễn và yêu cầu phát triển, hội nhập; bảo đảm minh bạch, khả thi, thuận lợi trong tổ chức thực hiện; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với phân bổ nguồn lực, đề cao trách nhiệm, kiểm soát, giám sát việc thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác quản lý…
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn được thiết kế với 5 Chương, 8 Mục, 61 Điều. Trong đó, Chương I. Quy định chung (gồm 15 Điều, từ Điều 1 đến Điều 15); Chương II. Lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 8 Mục, 27 Điều, từ Điều 16 đến Điều 42); Chương III. Tổ chức quản lý quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 09 Điều, từ Điều 43 đến Điều 51); Chương IV. Quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị và nông thôn (gồm 07 Điều, từ Điều 52 đến Điều 58); Chương V. Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 59 đến Điều 61) Quy định về: Bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung, thay thế những nội dung quy định tại pháp luật có liên quan; Hiệu lực thi hành và Quy định chuyển tiếp.
Quy hoạch đô thị cần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn (Luật QHĐT&QHNT) theo mục đích, quan điểm đã nêu tại Tờ trình số 133/TTr-CP của Chính phủ. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về QHĐT và quy hoạch xây dựng phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Đoàn giám sát của Quốc hội khóa XV về "tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập và nâng cao chất lượng quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030".
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc hợp nhất các quy định về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn vào một luật là phù hợp, hướng tới bảo đảm thống nhất về định hướng chung trong kiểm soát, quản lý, phát triển đô thị và nông thôn, phát triển hài hòa và gắn kết giữa không gian đô thị và nông thôn, bổ trợ cho sự phát triển chung của địa phương, vùng và cả nước.
Về định hướng nội dung xây dựng Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ, cần bảo đảm quy hoạch đô thị phải có tầm nhìn phù hợp, có tính chiến lược, tôn trọng quy luật thị trường và nguyên tắc phát triển bền vững; lấy con người và chất lượng cuộc sống làm trung tâm, văn hóa và văn minh đô thị làm nền tảng phát triển; kết hợp hài hòa giữa quá trình đô thị hóa, phát triển đô thị với công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại nền kinh tế, quản lý phát triển xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, cần gắn kết chặt chẽ với quy hoạch nông thôn; bảo đảm định hướng gắn kết giữa đô thị và nông thôn, phù hợp với thực tiễn có sự đan xen giữa đô thị và nông thôn. Quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; gắn với mô hình phát triển đô thị, thể hiện được đặc thù của những mô hình đô thị mới.
Rà soát quy định về khu chức năng để tránh chồng chéo
Cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng đây là dự án luật quan trọng, bên cạnh dự án luật Đất đai, luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản, dự án luật này sẽ góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý đất đai, phát triển cơ sở hạ tầng.
Bày tỏ đồng tình với nhiều nội dung trong hồ sơ dự án luật, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, khoản 5 Điều 3 trong dự thảo luật có giải thích từ ngữ "khu chức năng" như sau: "Khu chức năng là một khu vực được định hướng quy hoạch để xây dựng tại địa bàn đô thị và nông thôn, có chức năng hỗn hợp gồm khu kinh tế; khu du lịch hoặc chức năng chuyên biệt gồm khu công nghiệp; khu chế xuất; khu công nghệ cao; khu nông nghiệp, lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu nghiên cứu, đào tạo; khu thể dục thể thao; khu văn hóa; khu phức hợp y tế; khu đầu mối hạ tầng kỹ thuật và các khu vực phát triển theo chức năng khác được định hướng, xác định trong quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị và quy hoạch chung huyện".
Tổng Thư ký Quốc hội cho rằng, cần rà soát quy định về khu chức năng trong Luật Xây dựng, Luật Đất đai để tránh mâu thuẫn, chồng chéo, đảm bảo sự thống nhất trong các quy định của pháp luật.
Giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới
Cho ý kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị dự án Luật công phu trách nhiệm; đồng thời, đánh giá cao Ủy ban Kinh tế đã có báo cáo thẩm tra sơ bộ nêu nhiều vấn đề lớn chi tiết để có cơ sở tiếp tục hoàn thiện thêm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến thẩm tra và các ý kiến tại phiên họp để tiếp tục hoàn thiện về hồ sơ dự án Luật.
Chủ tịch Quốc hội thống nhất cách tiếp cận của dự án Luật. Theo đó, một mặt kế thừa Luật Quy hoạch đô thị hiện hành cùng với đó là cụ thể hóa các nội dung, bổ sung một số quy định mới, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn bất cập và bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục rà soát cụ thể hóa hơn quan điểm, nguyên tắc trong các văn kiện của Đảng đã nêu. Dự án luật cần có rà soát để làm rõ, giải quyết mối quan hệ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới; mối quan hệ giữa đô thị hóa và phát triển kinh tế đô thị; quy hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu; tiêu chí tiêu chuẩn quy hoạch đô thị gắn với mật độ dân số và kết cấu hạ tầng để tính toán cân bằng phát triển đô thị theo chiều rộng và phát triển đô thị theo mô hình TOD; tiêu chí thiết yếu trong quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn…
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần nghiên cứu giải quyết những vướng mắc trong thực tiễn. Dẫn chứng một số thực tiễn, xem xét về việc điều chỉnh quy hoạch trong trường hợp quy hoạch không phù hợp với thực tế.
Rà soát để bảo đảm đồng bộ hệ thống pháp luật luật này với các luật liên quan, trong đó có dự án Luật Quản lý phát triển đô thị, cũng như các luật hiện hành như Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Lâm nghiệp, Luật PPP, Luật Bảo vệ môi trường…