Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Luật Di sản văn hóa được yêu cầu bắt buộc và ưu tiên áp dụng khi có liên quan đến di sản

Sau khi báo chí lên tiếng về dự án 'quây núi đá làm hòn non bộ' tại vùng đệm di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Người Đô thị đã thảo luận trong bài 'Luật có cho phép làm dự án bất động sản thương mại trên vùng đệm di sản vịnh Hạ Long?'(*) Tiếp tục tiếp cận từ khía cạnh pháp lý dự án, nhưng cuộc trao đổi lần này với luật sư Nguyễn Tiến Lập (thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam), nội dung chủ yếu tập trung vào thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Dự án Khu đô thị tại Khu 10B phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả có quy mô 38,1ha trong đó có 3,88ha nằm trên vùng đệm (tức khu vực bảo vệ II theo Luật Di sản Văn hóa) của di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long. Xem xét Quyết định 3787/QĐ-UBND của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành ngày 29.10.2021 chấp thuận Chủ trương Đầu tư dự án này thì phần căn cứ ban hành văn bản quy phạm pháp luật này không viện dẫn đến Luật Di sản Văn hóa(**).

Liệu rằng quyết định này đã tuân thủ quy định [chẳng hạn như Điều 5 quy định nguyên tắc bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật; không làm cản trở việc thực hiện các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên (Việt Nam tham gia Công ước 1972 từ năm 1987);…] tại Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Ảnh: CTV

Luật sư Nguyễn Tiến Lập, thành viên Văn phòng Luật sư NHQuang và Cộng sự, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam. Ảnh: CTV

Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Trước hết tôi không phải là người tham gia thẩm định về cơ sở pháp lý của dự án này và cũng không có đầy đủ hồ sơ để đánh giá, do đó chỉ có thể phát biểu những quan điểm chung như là một góc nhìn hay cách tiếp cận pháp lý đối với các vấn đề được nêu ra. Tuy nhiên, theo những thông tin mà báo chí đã đưa và bằng quan sát trực quan vị trí của dự án này thì ai cũng thấy nó có liên quan trực tiếp đến danh thắng vịnh Hạ Long như một di sản văn hóa quốc gia và quốc tế đã được xếp hạng.

Có nghĩa rằng, đó không phải là một dự án đầu tư bất động sản thông thường, theo đó chỉ cần căn cứ vào Luật Đầu tư, Luật Đất đai và Luật Kinh doanh bất động sản để xác lập hồ sơ pháp lý. Các luật nói trên chỉ là khung pháp lý chung và tối thiểu về đầu tư, kinh doanh, trong khi có một luật đặc thù khác có vai trò và ý nghĩa đặc biệt là Luật Di sản văn hóa được yêu cầu bắt buộc và ưu tiên áp dụng trong mọi trường hợp có liên quan đến di sản. Tôi xin thưa rằng điều này thì ai có kiến thức pháp luật cũng phải biết và thừa nhận.

Vậy thì đối với dự án cụ thể này như dư luận đã bàn, nếu quả thật trong các văn bản và hồ sơ pháp lý của nó mà không có dẫn chiếu đến bất cứ điều nào của Luật Di sản văn hóa hay có bằng chứng về việc đã xem xét để tuân thủ nó thì tôi ngạc nhiên. Và nếu điều đó là sự thật thì có thể kết luận rằng nó chưa có đầy đủ cơ sở pháp luật để triển khai hay nói một cách khác phải được xem xét lại để bổ sung, hoàn chỉnh.

Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được xếp hạng Di tích quốc gia hạng đặc biệt (đợt 1) theo Quyết định 1272/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2009. Cơ sở pháp lý này khiến dư luận băn khoăn về thẩm quyền theo địa hạt chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án?

Tôi thấy ngay tại Luật Đầu tư đã có quy định rõ rằng mọi dự án đầu tư nằm trọng khu vực bảo vệ, tức có ảnh hưởng đến di sản quốc gia và di sản quốc gia đặc biệt mà trong trường hợp này là vịnh Hạ Long thì cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư phải là Thủ tướng. Trong trường hợp đó, UBND tỉnh phải trình hồ sơ lên Chính phủ thông qua đầu mối thẩm định là Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Khi đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) buộc phải được lấy và cho ý kiến.

Báo chí cũng phản ánh rằng sau khi có nhiều ý kiến trái chiều về dự án này thì Bộ VHTTDL đã có công văn gửi UBND tỉnh Quảng Ninh, theo đó đề nghị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch bảo tồn, tu bổ và phục hồi danh lam thắng cảnh Vịnh Hạ Long(*). Tức là như chúng ta biết, việc cấp phép các dự án đầu tư có tác động về kinh tế - xã hội và môi trường lâu dài luôn luôn phải tuân theo các quy hoạch đã được phê duyệt. Như vậy, có thể đặt các câu hỏi về tính pháp lý của việc cấp phép đầu tư dự án này của UBND tỉnh, liệu rằng có sự vượt thẩm quyền và đã xét đến các yêu cầu pháp lý về bảo vệ di sản văn hóa hay không?

Hàng loạt núi đá vịnh Hạ Long bị quây thành “hòn non bộ”. Nguồn: Báo Tiền Phong

Hàng loạt núi đá vịnh Hạ Long bị quây thành “hòn non bộ”. Nguồn: Báo Tiền Phong

Nếu như thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư không thuộc về UBND cấp tỉnh thì hậu quả pháp lý xảy ra sẽ như thế nào (đối với cơ quan ban hành quyết định, quyền lợi của nhà đầu tư đã được giao đất, đã thực hiện Báo cáo Đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt,…), theo ông?

Xét về quan hệ hành chính, UBND tỉnh hay bất cứ UBND cấp địa phương nào là cơ quan chính quyền, đều có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm pháp lý về mọi quyết định của mình trong quan hệ với doanh nghiệp và người dân. Có nghĩa rằng, nếu cơ quan chính quyền vi phạm pháp luật khi ban hành quyết định thì người dân không phải chịu trách nhiệm.

Trong trường hợp cụ thể này, cần phân biệt rành mạch hai vấn đề. Thứ nhất, nếu dự án chưa đủ cơ sở pháp luật ví dụ như chưa được Thủ tướng Chính phủ quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư theo thẩm quyền thì không thể tiếp tục được triển khai. Thứ hai, về các hậu quả theo đó như thiệt hại vật chất phát sinh đối với chủ đầu tư, bao gồm chi phí đã đầu tư và chi phí khắc phục sai phạm, thì về nguyên tắc UBND tỉnh và các cơ quan cấp giấy phép đầu tư sẽ phải chịu trách nhiệm và chủ đầu tư có quyền yêu cầu bồi thường.

Tuy nhiên, cần lưu ý trường hợp ngoại lệ rằng nếu như các cá nhân có liên quan, bao gồm cả cán bộ nhà nước và cá nhân thuộc đơn vị chủ đầu tư, có dấu hiệu vi phạm hình sự trong việc lập hồ sơ, thẩm định dự án và cấp phép, đặc biệt là sự móc ngoặc và liên đới, thì việc quy trách nhiệm sẽ tuân theo các quy định của Bộ Luật hình sự, tức cá thể hóa việc chịu trách nhiệm đối với các hậu quả xảy ra.

Thượng Tùng thực hiện

Theo Điều 31 khoản 1 điểm g Luật Đầu tư 2020: Dự án đầu tư xây dựng nhà ở (để bán, cho thuê, cho thuê mua), khu đô thị trong các trường hợp: dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100 ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị; dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt;

___________________________

Diễn biến vụ san lấp xây khu đô thị ở vùng đệm vịnh Hạ Long

Dự án khu đô thị tại khu 10B phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh được phê duyệt năm 2021 với quy mô diện tích 31,8ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.230 tỉ đồng. Chủ đầu tư là Công ty TNHH Đỗ Gia Capital, có quyền sử dụng khu đất này sau phiên đấu giá. Giá trị trúng đấu giá là 1.192 tỉ đồng, cao hơn giá khởi điểm là 1.145, 3 tỉ đồng.

Dự án có 3,88ha nằm trong khu vực bảo vệ II (vùng đệm) của di sản thiên nhiên vịnh Hạ Long.

Ngày 5.11.2023, Ban Quản lý vịnh Hạ Long, đơn vị quản lý di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, đã có văn bản gửi Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh, Sở Văn hóa và Thể thao Quảng Ninh và UBND TP. Cẩm Phả để phối hợp kiểm tra dự án này.

Thực hiện văn bản chỉ đạo kiểm tra dự án Khu Đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP. Cẩm Phả của UBND tỉnh Quảng Ninh ngày 6.11.2023, đoàn liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì đã kiểm tra hiện trường Dự án Khu Đô thị tại Khu 10B phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả, vì có thông tin đơn vị thi công dự án đã đổ đất đá xuống Vịnh Hạ Long. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với chủ dự án, yêu cầu chủ dự án dừng thi công.

Ngày 7.11, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 38/QĐ-XPHC xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH Đỗ Gia Capital vì trong quá trình thi công dự án đô thị, công ty đã gây ô nhiễm môi trường Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long.

Căn cứ vào các quy định của Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7.7.2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, tổng hình phạt cho 2 hành vi vi phạm của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đỗ Gia Capital là 125 triệu đồng.

Liên quan vụ việc trên, Bộ VHTTDL ngày 6.11 đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Để hạn chế tác động xấu ảnh hưởng tới di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan liên quan của tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư khẩn trương kiểm tra thực tế tại khu vực dự án, đề xuất biện pháp xử lý, bảo vệ các giá trị di sản. Bộ đề nghị hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm các nội dung đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến tại Công văn số 507/BVHTTDL-KHTC, trong đó đặc biệt lưu ý quá trình nghiên cứu, triển khai Dự án cần thực hiện đánh giá tác động môi trường theo hướng dẫn của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới.

Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành văn bản số 3105/UBND-GTCN&XH chỉ đạo kiểm tra dự án Khu đô thị tại khu 10B (phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả). Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cẩm Phả khẩn trương kiểm tra dự án Khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, thành phố Cẩm Phả; xem xét các vấn đề dư luận, báo chí phản ánh để có biện pháp giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật; báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Ngày 8.11, Văn phòng Chính phủ vừa ban hành công văn 6769/VPCP-C truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về kiểm tra, xử lý nội dung báo chí có bài viết phản ánh Dự án khu đô thị quây núi đá vịnh Hạ Long làm "hòn non bộ". Về việc này Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra phản ánh của bài báo nêu trên, xử lý theo thẩm quyền và đúng quy định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 25.11.2023.

- Ngày 11.11, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho biết cơ quan nay vừa có công văn đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh rà soát lại quá trình thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án khu đô thị 10B (ở phường Quang Hanh, Cẩm Phả) liên quan đến thông tin phản ánh dự án này đang “xâm lấn” vùng đệm Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, có nguy cơ tác động xấu đến cảnh quan thiên nhiên và ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước ở vịnh. Theo nội dung công văn trên, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho hay Bộ TN-MT đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo cơ quan chức năng rà soát, xem xét kỹ lưỡng nội dung báo cáo ĐTM và Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo ĐTM của dự án để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời...

- Mời đây nhất, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đề nghị làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến dự án khu đô thị tại khu 10B, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) nằm trong vùng đệm của vịnh Hạ Long.

Theo đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ TN-MT, làm rõ: "Bản đồ vịnh Hạ Long tỉ lệ 1/50.000, số đăng ký KHXB:6-472/CXB-QLXB ngày 18.6.1998 được đăng tải trên trang điện tử của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) có đủ cơ sở pháp lý theo quy định pháp luật Việt Nam không? Nếu có đủ cơ sở pháp lý thì thông tin thể hiện trên bản đồ có đủ cơ sở để xác định phạm vi, diện tích khu bảo vệ I và II của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long?".

Cũng với nội dung này, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ VH-TT-DL làm rõ ranh giới vùng đệm I và II của Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long đã được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam và UNESCO chấp thuận ở thời điểm nào? Nếu đã được xác nhận, chấp thuận thì theo hồ sơ, tài liệu và quy định nào của pháp luật ?

Cùng với đó, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ TN-MT, Bộ VH-TT-DL làm rõ tính pháp lý của dự án. Cụ thể, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ TN-MT làm rõ thẩm quyền việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thuộc cấp nào? Đồng thời, nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án tại quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh đã phù hợp với quy định pháp luật chưa?...

Song Ngô

_____________

(*) https://nguoidothi.net.vn/luat-co-cho-phep-lam-du-an-bat-dong-san-thuong-mai-tren-vung-dem-di-san-vinh-ha-long-41613.html

(**) Về vấn đề này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ngày 6.11 đã có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Để giảm thiểu tác động có nguy cơ ảnh hưởng đến di sản, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh cần chỉ đạo cơ quan liên quan và hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện một số vấn đề, trong đó phần căn cứ pháp lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa (Luật di sản văn hóa năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa năm 2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21.9.2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa; Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21.9.2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam; Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25.12.2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; các quy chế, quy định của tỉnh Quảng Ninh về bảo vệ Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long), Công ước Di sản Thế giới, Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới. Việc thực hiện dự án cần rà soát và bảo đảm tuân thủ quy định về: quy hoạch, xây dựng, quy hoạch đô thị, môi trường, di sản, quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa-thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các quy định khác của pháp luật có liên quan, phù hợp với hệ thống hạ tầng xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. (Nguồn: https://toquoc.vn/bo-vhttdl-yeu-cau-tinh-quang-ninh-co-bien-phap-bao-ve-di-san-20231106181951066.htm)

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/luat-di-san-van-hoa-duoc-yeu-cau-bat-buoc-va-uu-tien-ap-dung-khi-co-lien-quan-den-di-san-42082.html