Luật Thủ đô 2024: Quỹ đầu tư mạo hiểm thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Điều 36 Luật Thủ đô 2024 cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách nhà nước, có tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Hà Nội hiện đang dẫn đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Các ý tưởng và giải pháp công nghệ hiệu quả không chỉ bắt nguồn từ phòng nghiên cứu của các trường đại học, mà còn đến từ nhiều DN khởi nghiệp trẻ, trong đó có hơn 1.000 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang hoạt động trên địa bàn Hà Nội, chiếm trên 26% cả nước.

Tuy nhiên, số lượng các quỹ đầu tư trong và ngoài nước cho khởi nghiệp sáng tạo ở Việt Nam rất ít, hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu và không đầu tư nhỏ. Trung bình mỗi năm chỉ có khoảng 10 DN khởi nghiệp Việt Nam nhận được đầu tư từ những quỹ đầu tư này. Trong khi đó nhu cầu về vốn của các start-up là rất lớn.

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hung

Một góc Hà Nội. Ảnh: Phạm Hung

Vì vậy, để cung cấp vốn - nguồn lực nuôi dưỡng thành công các ý tưởng đổi mới sáng tạo, Luật Thủ đô 2024 đã cho phép TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước. Đây sẽ là cơ hội để những sản phẩm, giải pháp khoa học công nghệ sáng tạo của Thủ đô đi từ phòng thí nghiệm đến thực tiễn nhanh hơn và hiệu quả hơn.

Theo quy định tại Điều 36 Luật Thủ đô 2024 về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước: TP Hà Nội được thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước để đầu tư vốn vào các DN công nghệ cao, DN khoa học và công nghệ, DN khởi nghiệp sáng tạo trong các lĩnh vực trọng điểm về khoa học và công nghệ của Thủ đô nhằm hỗ trợ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa sản phẩm khoa học, công nghệ.

Quỹ đầu tư mạo hiểm được bố trí vốn điều lệ từ ngân sách TP, được nhận tài trợ, huy động các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Việc quản lý, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ đầu tư mạo hiểm được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, chấp nhận khả năng rủi ro, bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả, chống thất thoát, lãng phí vốn.

UBND TP xây dựng đề án thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm trình HĐND TP phê duyệt, trong đó xác định rõ hình thức tổ chức hoạt động của Quỹ; thời gian hoạt động của Quỹ; mức hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách TP; phương thức đầu tư, đối tượng hợp tác, nhận vốn đầu tư; cơ chế đánh giá, kiểm soát rủi ro, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc quản lý, vận hành Quỹ đầu tư mạo hiểm của TP.

HĐND TP phê duyệt đề án, quy định cơ chế tổ chức hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm, trách nhiệm kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện. UBND TP quyết định thành lập Quỹ, ban hành điều lệ, quy chế đầu tư của Quỹ đầu tư mạo hiểm.

Xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch

Thạc sĩ Thạch Lê Anh, nhà sáng lập Quỹ đầu tư Vietnam Silicon Valley, chuyên gia về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đầu tư mạo hiểm cho biết, đầu tư mạo hiểm là hình thức đầu tư vào các DN khởi nghiệp sáng tạo, DN công nghệ hoặc những DN có tiềm năng phát triển đột biến, nhưng đồng thời cũng đối mặt với rủi ro lớn. Đây là một phương pháp huy động vốn phổ biến cho các DN và các dự án sáng tạo, có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng nếu thành công. Tuy nhiên, chính vì sự rủi ro cao, đầu tư mạo hiểm thường yêu cầu các quỹ đầu tư và nhà đầu tư có kiến thức, được đào tạo bài bản về đầu tư mạo hiểm, có hiểu biết và tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực này.

"Những quốc gia phát triển công nghệ đều có Quỹ đầu tư mạo hiểm và Hà Nội có thể tham khảo kinh nghiệm của một số nước để quy định cụ thể về vấn đề này trong quá trình xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thủ đô 2024" - Giám đốc Quỹ đầu tư BK Fund, Đại học Bách khoa Hà Nội Phạm Tuấn Hiệp.

Đặc thù của mô hình đầu tư mạo hiểm là đầu tư vào con người, những con người dám làm dám chịu, dám thay đổi, chấp nhận thử nghiệm cái mới, chấp nhận thất bại để đạt được thành công đột phá. Việc đầu tư vào con người và các hoạt động của nhóm người đó nhằm khảo sát đánh giá thị trường, thử nghiệm sản phẩm và có thể cả công nghệ mới... Thực chất đây là khoản chi phí mà chưa chắc đã đem lại được doanh thu hay lợi nhuận.

Việt Nam với lợi thế 100 triệu dân và GDP đang tăng trưởng nhanh hàng năm đã trở thành thị trường có sức tiêu dùng lớn để các DN nhắm tới, vấn đề nằm ở chỗ chúng ta cần có phương pháp hiệu quả để giữ lại các khoản thu thuế cũng như giữ được các tài sản lớn là các công ty startup tỷ đô.

Chia sẻ về một số mô hình đầu tư mạo hiểm như mô hình quỹ Nhà nước chủ đạo, thạc sĩ Thạch Lê Anh cho hay, ở mô hình này, Quỹ đầu tư mạo hiểm chủ yếu do Nhà nước quản lý và tài trợ. Chính phủ có vai trò chính trong việc điều hành quỹ, từ việc lựa chọn các dự án đầu tư đến giám sát tiến độ triển khai. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi năng lực quản lý cao và phải bảo đảm sự minh bạch, tránh tình trạng đầu tư dàn trải hoặc không hiệu quả.

Với mô hình quỹ hợp tác công - tư, đây là mô hình phổ biến, trong đó chính phủ và các nhà đầu tư tư nhân cùng góp vốn thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm. Chính phủ có thể sử dụng ngân sách để đóng góp một phần vốn ban đầu, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Một ví dụ điển hình là Singapore, nơi chính phủ đã thành lập các quỹ đầu tư công nghệ với sự tham gia của Nhà nước và tư nhân, từ đó thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Theo Thạc sĩ Thạch Lê Anh, Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng muốn tập trung phát triển Startup để làm đòn bẩy kinh tế, thì cần tham gia đầu tư để kích thích tăng trưởng về số lượng và chất lượng Startup, đặc biệt là giai đoạn đầu. Đồng thời, qua đó thu hút khối tư nhân cùng đầu tư Startup. Việc làm này sẽ thu hút không chỉ Startup và nhà đầu tư tư nhân ở Việt Nam mà còn trong khu vực và trên thế giới.

Do đó, yêu cầu quan trọng nhất là xây dựng khung pháp lý rõ ràng và minh bạch cho việc sử dụng ngân sách Nhà nước trong đầu tư mạo hiểm. Các quy định pháp lý cần bao gồm các nội dung như quy trình đầu tư, điều kiện tham gia, tiêu chí lựa chọn dự án, và các cơ chế giám sát. Khung pháp lý này không chỉ giúp bảo đảm rằng các Quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động đúng mục đích mà còn tạo niềm tin cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia. Việc kết hợp giữa vốn ngân sách và vốn tư nhân sẽ giúp tăng cưởng sức mạnh tài chính cho các quỹ đầu tư, đồng thời chia sẻ rủi ro giữa các bên liên quan.

Cùng với đó, việc huy động nguồn vốn từ khu vực tư nhân là yếu tố quan trọng để bảo đảm hiệu quả của các Quỹ đầu tư mạo hiểm. Mô hình hợp tác công - tư (PPP) có thể được áp dụng để kết hợp nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước và vốn tư nhân, từ đó tạo ra sức mạnh tài chính lớn hơn và giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên.

Bên cạnh đó, việc quản lý Quỹ đầu tư mạo hiểm là một lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao và sự am hiểu về thị trường công nghệ. Do đó, việc phát triển năng lực quản lý quỹ là vô củng quan trọng. Hà Nội cần tạo điều kiện cho các chuyên gia tài chính, công nghệ và khởi nghiệp tham gia vào việc quản lý quỹ, đồng thời bảo đảm rằng các quyết định đầu tư được đưa ra dựa trên phân tích khoa học và chiến lược dài hạn.

Hợp tác quốc tế là một giải pháp quan trọng để học hỏi kinh nghiệm và thu hút vốn đầu tư từ các Quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài. Hà Nội có thể thiết lập các chương trình hợp tác với các tổ chức quốc tế để tận dụng nguồn lực tài chính và tri thức từ các đối tác quốc tế.

"Việc triển khai cơ chế đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước sẽ mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho Hà Nội và nền kinh tế quốc gia, giúp thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia; tạo việc làm và cải thiện chất lượng lao động; phát triển bền vững và cải thiện chất lượng cuộc sống"- Thạc sĩ Thạch Lê Anh nhấn mạnh.

Mở hướng đi mới cho Hà Nội

Theo PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thủ đô Hà Nội, Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách là một hình thức đầu tư đặc biệt, trong đó một phần vốn của quỹ được đóng góp từ ngân sách Nhà nước. Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế, đặc biệt là đối với các DN khởi nghiệp. Khi kết hợp nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, hiệu quả của các quỹ này càng được nhân lên.

Nhiều quốc gia phát triển đã nhận thấy tầm quan trọng của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, nhiều nước đã ban hành các chính sách hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của các Quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là những quỹ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Việt Nam đã nhận thức rõ vai trò quan trọng của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển kinh tế. Chính phủ Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành các chính sách nhằm hỗ trợ sự phát triển của các Quỹ đầu tư mạo hiểm, đặc biệt là những quỹ sử dụng ngân sách Nhà nước.

Theo đó, một số văn bản của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ có quy định về Quỹ đầu tư mạo hiểm, khởi nghiệp sáng tạo. Gần đây nhất, Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách được ban hành trong Luật Thủ đô 2024 đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế - xã hội tại Hà Nội nói riêng, và cả nước nói chung.

Trong những năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đổi mới sáng tạo toàn cầu đã không ngừng tăng lên. Báo cáo chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2024 cho thấy: Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Năm 2024, Hà Nội cũng là địa phương đứng đầu cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh cho hay, Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước được quy định tại Điều 36 Luật Thủ đô 2024 đã mở ra một hướng đi mới cho Hà Nội trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển kinh tế, đó là việc cho phép TP thí điểm thành lập Quỹ đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách Nhà nước. Bên cạnh đó, quỹ có thể hợp tác với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước để tăng cường nguồn lực và mở rộng mạng lưới; cần có một quỹ dự phòng để ứng phó với các rủi ro có thể xảy ra, cần xây dựng một hệ thống thông tin quản lý hiệu quả để theo dõi và quản lý các dự án đầu tư.

Việc đưa quy định về đầu tư mạo hiểm có sử dụng ngân sách vào Luật Thủ đô 2024 là một bước tiến quan trọng, tạo ra những tác động tích cực và mở ra nhiều cơ hội mới cho việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo tại Hà Nội như: tạo nguồn vốn ổn định; thúc đẩy đổi mới sáng tạo; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; tăng cường vị thế của Hà Nội; phát triển công nghiệp; phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; tạo ra việc làm; thu hút đầu tư nước ngoài; lan tỏa mô hình thành công, khuyến khích các địa phương khác học hỏi, áp dụng; đóng góp vào nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đầu tư mạo hiểm luôn đi kèm với rủi ro cao. Vì vậy, cần có các cơ chế quản lý rủi ro hiệu quả. Chính vì vậy, cần tăng cường đào tạo và thu hút nhân tài. Các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư cần phối hợp chặt chẽ để tạo ra một môi trường thuận lợi cho các DN khởi nghiệp.

"Việc xây dựng một Quỹ đầu tư mạo hiểm thành công đòi hỏi sự nỗ lực của nhiều bên, bao gồm chính quyền TP, các nhà đầu tư, các chuyên gia và các DN khởi nghiệp. Với một cơ cấu tổ chức phù hợp và những hoạt động hiệu quả, Quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp tại Hà Nội" - PGS.TS Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh.

"Quỹ đầu tư mạo hiểm là một thực thể rất quan trọng thúc đẩy sự phát triển trong bất kỳ một nền kinh tế nào từ cấp vi mô tới vĩ mô, từ các nhà đầu tư cá nhân, các doanh nghiệp, tới TP và quốc gia. Cần xã hội hóa để nguồn vốn của quỹ được dồi dào, có thể huy động ngay từ trong dân. Cũng cần sớm ban hành Luật Đầu tư mạo hiểm để phổ biến cho mọi công dân Việt Nam biết và hiểu được qua các buổi tập huấn dành cho nhà quản lý, nhà đầu tư và chủ doanh nghiệp. Nhà nước nên tạo hành lang pháp lý tốt nhất để hỗ trợ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nước và quốc tế phát triển tại Thủ đô nói riêng và từng TP của Việt Nam nói chung" - Giám đốc Quỹ đầu tư Khởi nghiệp sáng tạo BestB Phạm Anh Cường.

Hồng Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/luat-thu-do-2024-quy-dau-tu-mao-hiem-thuc-day-doi-moi-sang-tao.html