Luật Thủ đô sửa đổi 2024: Cú hích lớn cho tái thiết đô thị Hà Nội
Tái thiết đô thị là một trong những nội dung quan trọng được nhấn mạnh tại Luật Thủ đô 2024. Bên cạnh kế thừa một số quy định cũ, Luật bổ sung nhiều nội dung phù hợp với đặc thù của Hà Nội, tạo động lực lớn cho xây dựng và phát triển Thủ đô trong tình hình mới.
Chào Xuân Ất Tỵ 2025, Kinh tế & Đô thị đã có buổi trò chuyện với GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, xoay quanh Luật Thủ đô 2024. Ông cho rằng, Luật Thủ đô 2024 có tầm nhìn đột phá, sát thực tế, không còn chung chung, mơ hồ nên sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện tái thiết đô thị.
Hiện thực hóa tầm nhìn, phát triển Thủ đô
Thưa GS.TSKH Đặng Hùng Võ, là một chuyên gia luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với Hà Nội, ông đánh giá thế nào về Luật Thủ đô 2024?
- Hà Nội là đô thị đặc biệt có truyền thống lịch sử hơn nghìn năm văn hiến và anh hùng, sáng tạo… đã được xác định vị thế ngay từ Hiến pháp 1946 và đến Hiến pháp (2013) hiện hành đã nêu rõ: "Thủ đô nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Hà Nội".
Trong quá trình phát triển, Thủ đô Hà Nội luôn được Đảng, Quốc hội, Nhà nước quan tâm, định hướng và tạo hành lang pháp lý đặc thù. Vào tháng 11/2012, Quốc hội đã thông qua và ban hành Luật Thủ đô (Luật Thủ đô 2012). Ngày 28/6/2024, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Luật Thủ đô sửa đổi (Luật Thủ đô 2024).
Khách quan mà nói, việc Hà Nội có được một luật cho riêng mình thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân cả nước đối với sự phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trên thế giới không quá 10 nước có luật riêng cho thủ đô.
Vì thế, Luật Thủ đô 2024 được thông qua, xem như kim chỉ nam để Hà Nội bứt phá mạnh mẽ trong giai đoạn tới. Sở dĩ nói như vậy vì việc hình thành một luật cho một địa phương là rất khó khăn, trong khi luật chung cho cả nước đã có rồi.
Ngay như quy hoạch là một việc, nhưng tạo được khung pháp luật cho quy hoạch trong luật mới là rất quan trọng. Tôi đánh giá cao Luật Thủ đô 2024. Luật lần này có nội dung, mục tiêu cụ thể, tạo được sự liên thông với hệ thống văn bản pháp luật chung, mở ra cơ chế tốt cho phát triển Thủ đô.
Hay nói cách khác, Luật Thủ đô 2024 đã hiện thực hóa tầm nhìn, khát vọng phát triển mà Nhân dân Thủ đô, Nhân dân cả nước mong mỏi, điều mà Luật Thủ đô 2012 chưa làm được.
Như ông vừa đánh giá, Luật Thủ đô 2024 như kim chỉ nam để Hà Nội bứt phá mạnh mẽ. Vậy căn cứ vào đâu để ông có thể vững tin đến vậy?
- Có 4 yếu tố mà Luật Thủ đô 2024 đã làm được để tôi vững tin. Trong đó, yếu tố quan trọng thứ nhất mang tính xương sống, đó là Luật Thủ đô 2024 đã luật hóa cơ chế phát triển đô thị dựa vào hệ thống giao thông công cộng (TOD).
Cụ thể, Điều 31 để quy định về phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, bao gồm các nội dung như quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị và các khu vực điểm nút giao thông (Hub), đầu tư phát triển đường sắt đô thị và các cơ chế thu phí giá trị gia tăng từ đất trong khu vực có các nút giao thông. Điều này giúp tạo ra một cơ sở pháp lý vững chắc cho các dự án đường sắt đô thị.
Nói nôm na, anh làm gì thì làm nhưng phải xây dựng được hệ thống giao thông công cộng. Muốn làm được thì anh phải quy hoạch hệ thống giao thông đô thị. Từ quy hoạch hệ thống giao thông này, tiếp tục quy hoạch vị trí các nút giao thông, sau đó là các quy hoạch khác căn cứ vào hệ thống giao thông công cộng, điểm nút giao thông đó để thực hiện xoay quanh mà phát triển, ví như quy hoạch khu cư dân, khu thương mại, khu du lịch, hệ thống tiện ích công cộng, khu vui chơi giải trí,…
Muốn phát triển kinh tế thì phải phát triển giao thông là lẽ đương nhiên. Trước đây, Hà Nội phát triển giao thông cũng rất tùy hứng, thiếu tiềm năng liên kết địa kinh tế, trở thành lổn nhổn, không phát huy được tiềm lực của siêu đô thị Thủ đô.
Thực tế các nước phát triển trên thế giới cho thấy, TOD không chỉ là một giải pháp quy hoạch hiện đại mà là chiến lược chủ đạo để thúc đẩy sự phát triển đô thị hiện đại, mật độ kinh tế cao mà vẫn là một đô thị thắng cảnh. Chính sách này không chỉ giúp tối ưu hóa việc sử dụng đất, mà còn giảm tắc nghẽn giao thông, giảm phát thải và cải thiện chất lượng không gian công cộng.
TOD cũng là “chìa khóa” để khai thác tiềm năng kinh tế tiềm ẩn, gia tăng giá trị đất đai và tạo điều kiện phát triển các trung tâm kinh tế lớn. Chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển, tái tạo các khu vực trọng điểm trong TP thông qua việc tăng cường sử dụng đất và hoạt động kinh tế đô thị có kế hoạch, đồng thời nâng cấp hạ tầng công cộng, nhất là xây dựng một “Thủ đô là một đô thị thông minh”.
4 điểm nhấn quan trọng nhưng cần giải quyết vấn đề lợi ích
Vẫn còn thiếu 3 yếu tố nữa, thưa ông?
- Yếu tố quan trọng thứ 2 của Luật Thủ đô 2024 là nâng cao nhận thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Điểm nổi bật là Luật đề ra giải pháp hỗ trợ tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch; đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sử dụng năng lượng sạch; có các điều khoản hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường; quy định vùng phát thải thấp (khu vực được xác định để hạn chế các phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường).
Luật nhấn mạnh trách nhiệm và quy định cụ thể về quyền hạn của các cơ quan Nhà nước trong việc bảo vệ môi trường; quy định rõ hơn về quản lý chất thải, ô nhiễm không khí, nước và bảo vệ hệ sinh thái đô thị.
Điều này phù hợp với nhu cầu cấp thiết trong bối cảnh đô thị hóa nhanh của Hà Nội hiện nay. Điểm nhấn rất quan trọng nữa đó là, Luật Thủ đô 2024 tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm của công dân đối với môi trường sống.
Khuyến khích áp dụng công nghệ mới trong quản lý môi trường và phát triển đô thị thông minh, giúp giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Đây là điểm vô cùng quan trọng vì bảo vệ môi trường thì không thể chỉ mình chính quyền mà nhất định phải có sự tham gia của người dân mới hiệu quả.
Yếu tố thứ 3, Luật Thủ đô 2024 đã đặt ra yêu cầu: xây dựng, tái thiết đô thị phải giữ nguyên tắc không ảnh hưởng giá trị văn hóa. Cụ thể, tại Điều 20 đã nêu rõ: “Cải tạo, chỉnh trang đô thị trên địa bàn TP phải phù hợp quy hoạch, quy chế quản lý kiến trúc, thiết kế đô thị; bảo vệ các di sản văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, kiến trúc cảnh quan của Thủ đô; bảo đảm quy chuẩn, tiêu chuẩn về xây dựng, phòng cháy, chữa cháy; nâng cao tiện ích đô thị, cải thiện môi trường sống cho dân cư ở khu vực cải tạo, chỉnh trang”.
Đây là chính là điểm rất riêng của Luật Thủ đô 2024. Hà Nội với hơn 1000 năm văn hiến, có nhiều di tích lịch sử, văn hóa Thăng Long, Đông Đô. Tái thiết đô thị mà vẫn bảo tồn, lưu giữ được hồn văn hóa của Hà Nội. Hồn văn hóa chính là yếu tố quan trọng níu giữ, tụ hội nguồn nhân lực chất lượng cao. Bây giờ thử hỏi: nếu Hà Nội mà không còn bản sắc văn hóa đặc thù thì liệu mấy ai muốn đến du lịch nữa.
Yếu tố thứ 4 mà tôi muốn đề cập đến, đó là Luật Thủ đô 2024 đã cụ thể được tinh thần Nghị quyết 18/NQ-TW, huy động được nguồn lực từ Nhân dân trong khu vực tái thiết cùng tham gia góp sức vào việc tái thiết đô thị như góp đất, góp nhà và góp sáng kiến (đề xuất phương án quy hoạch, tạo mặt bằng để tái thiết đô thị cho từng khu vực). Điều này cho thấy, Luật Thủ đô 2024 đang hiện thực hóa tư tưởng lớn của Bác Hồ: mọi sự phát triển đều là công sức của Nhân dân; lấy dân làm gốc; lấy dân để làm động lực phát triển.
Với 4 điểm nhấn quan trọng của Luật Thủ đô 2024 mà ông đưa ra và cho rằng, đây là căn cứ cốt yếu để Thủ đô bứt phá. Vậy theo ông, cần làm gì để những điểm nhấn này của Luật đi vào cuộc sống được hiệu quả?
- Thực tế cho thấy, mọi mâu thuẫn xuất phát từ vấn đề lợi ích. Vì thế, để Luật đi vào cuộc sống hiệu quả, tôi cho rằng vẫn là người thực thi Luật phải chế ngự được lòng tham, sân, si; phải đặt được lợi ích chung lên trên lợi ích riêng.
Có chung rồi mới có riêng. Vì nếu chỉ lợi ích riêng thì dù Luật có chuẩn, quy hoạch có chuẩn rồi cũng sẽ bị người đời bóp méo, vặn xoắn nó theo chủ đích của tư lợi, rồi cuối cùng kết quả cũng chẳng đâu vào đâu.
Tuy nhiên, tôi vững tin bởi “khát vọng vươn mình” mà Tổng Bí thư Tô Lâm đặt ra, nên hi vọng sẽ không có “miếng pho mát” nào cho những người cơ hội, trục lợi từ chính sách làm cản đường phát triển Thủ đô.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Luật Thủ đô năm 2024 gồm 7 chương với 54 điều (so với Luật Thủ đô năm 2012 nhiều hơn 3 chương và gấp đôi về số điều luật). Luật Thủ đô năm 2024 có nhiều điểm đổi mới và tầm nhìn đột phá, tạo cơ sở pháp lý cho Hà Nội thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025, trừ 5 nội dung có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.