Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm
nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012...
Chiều 25/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Tình hình thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội; Nghị quyết 115/20220/QH14 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội; xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo về thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, ngay sau khi Quốc hội ban hành các Nghị quyết, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp linh hoạt, sáng tạo, qua đó đạt được những kết quả tích cực và khá toàn diện.
Nổi bật, kinh tế Thủ đô phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, các cân đối lớn được đảm bảo. Tăng trưởng bình quân năm 2021, 2022 gấp 1,12 lần và 6 tháng 2023 gấp khoảng 1,3 lần mức tăng chung của cả nước.
Về cơ chế, chính sách cho phép HĐND TP quyết định áp dụng một số khoản thu phí, đến nay, UBND thành phố đã đề xuất 4 nội dung về phí; HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết về sửa đổi mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản trên địa bàn TP.
Về cơ chế sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển: Trong giai đoạn 2021-2023, HĐND TP đã cho phép sử dụng gần 3.765 tỉ đồng từ nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố để chi đầu tư phát triển.
TP cũng cho phép một số quận sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp quận để chi đầu tư phát triển là 7.881 tỉ đồng.
Các cơ chế, chính sách đặc thù đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô
Theo Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết số 115/2020/QH14 đã tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô thời gian qua.
Cụ thể, đã tạo khuôn khổ pháp lý riêng về cơ chế quản lý tài chính - ngân sách cho Thủ đô; Giúp Thành phố chủ động sử dụng linh hoạt, hiệu quả hơn các nguồn lực sẵn có; Góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Thành phố với các tỉnh, thành phố trong cả nước, lan tỏa tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước” …
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tế triển khai, TP đề nghị Quốc hội sớm ban hành quy định cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, mở rộng, xây dựng mới các hạng mục trong các cơ sở, công trình đã có để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương;
Cho phép TP được chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô, ngoài việc thực hiện chi thu nhập tăng thêm theo quy định của pháp luật về cơ chế tự chủ tài chính đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập áp dụng chung trong cả nước. Tổng mức chi phù hợp với khả năng ngân sách của TP Hà Nội và không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý.
Bên cạnh việc được sử dụng ngân sách cấp TP để hỗ trợ các địa phương khác trong nước như hiện nay, đề nghị Quốc hội cho phép TP được mở rộng phạm vi hỗ trợ cho cả các địa phương ngoài nước; cho phép cấp huyện sử dụng ngân sách cấp mình để hỗ trợ các quận, huyện, thị xã khác của TP Hà Nội và các đơn vị cấp huyện thuộc các tỉnh, TP khác trên cả nước trong việc phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các nhiệm vụ an sinh xã hội.
Đề nghị Quốc hội cho phép TP được quy định các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách mới hoặc cao hơn của Trung ương để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách thành phố Hà Nội mà ngân sách Trung ương không hỗ trợ.
Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng theo 5 quan điểm
Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế, bất cập trong xây dựng, phát triển, quản lý Thủ đô thời gian qua, những điểm hạn chế, không phù hợp của Luật Thủ đô năm 2012.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội, đi trước, mở đường, tạo thể chế thuận lợi để xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm với vị trí, vai trò, trách nhiệm là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; có vai trò lan tỏa, thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Với mục tiêu đó, Luật Thủ đô được xây dựng theo 5 quan điểm. Thứ nhất, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.
Thứ hai, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội cho Thủ đô phải bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013. Luật Thủ đô cần được đặt trong tổng thể hệ thống pháp luật.
Thứ ba, bám sát 09 nhóm chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Chính phủ thông qua.
Thứ tư, đồng thời với việc phân quyền mạnh mẽ cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, cần quy định tương ứng trách nhiệm của Hà Nội, cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ của các cấp chính quyền TP.
Thứ năm, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô năm 2012, cơ chế thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14, Nghị quyết số 115/2020/QH14, Nghị quyết số 160/2021/QH14 của Quốc hội; rà soát, tiếp thu các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mà phù hợp với Thủ đô để đưa vào dự thảo Luật. Theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản...) để lựa chọn những vấn đề đặc thù, chưa được quy định để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô.