Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn

Vấn đề nông nghiệp, nông thôn được Quốc hội đề cập thành một điều riêng (Điều 32) trong Luật Thủ đô (sửa đổi) là chìa khóa gỡ những vướng mắc trong phát triển nông nghiệp của Hà Nội hiện nay.

Thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững

Sau gần 10 năm thực hiện Luật Thủ đô 2012, Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, trong đó có vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đáng chú ý, tái cơ cấu nông nghiệp với những mô hình khẳng định vị trí “trụ đỡ” trong nền kinh tế trên địa bàn.

Trong những năm dịch Covid-19 bùng nổ, tác động lớn đến mọi mặt kinh tế thì nền kinh tế nông nghiệp Thủ đô vẫn duy trì tăng trưởng dương, bảo đảm lương thực cho người dân trong mọi tình huống.

Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: TL

Luật Thủ đô (sửa đổi) tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: TL

Tuy nhiên, với xu thế hội nhập hiện nay, nông nghiệp Thủ đô cần sự chuyển mình, đổi mới rõ nét. Nằm trong lòng Thủ đô, nông nghiệp cần có bản sắc và hướng đi riêng. Khắc phục hạn chế, tạo đột phá cho nông nghiệp phát triển, Luật Thủ đô (sửa đổi) với những quy định mới đang “mở khóa” cho nông nghiệp Thủ đô.

Luật Thủ đô (sửa đổi) nổi bật đó là các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào công nghệ sản xuất giống cây, con đặc sản bản địa có giá trị cao; công nghệ sản xuất, bảo quản, chế biến sâu, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi tuần hoàn, tạo chuỗi giá trị nông sản chủ; phát triển các khu công nghệ cao, bao gồm cả khu nông nghiệp ứng dụng cao của Thủ đô, qua đó thu hút, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động ươm tạo, đổi mới công nghệ trong nông nghiệp...

Tại Điều 32, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đề cập đến những vấn đề cơ bản trong định hướng chung phát triển nông nghiệp, nông thôn; nhất là các cơ chế, chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND, UBND TP. Hà Nội.

Đây được xem là hành lang pháp lý vững chắc để Hà Nội hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt hứa hẹn tạo động lực mới cho phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn tới.

TS. Đặng Kim Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) đánh giá, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua, nhấn mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái của Thủ đô thực hiện theo mô hình nông nghiệp bền vững, chú trọng đến sự tương tác giữa các yếu tố môi trường, kinh tế và xã hội.

TS. Đặng Kim Sơn nhấn mạnh, đây là cách đặt vấn đề mới, thoát ra khỏi cách nhìn nhận nông nghiệp phiến diện dưới khía cạnh kinh tế và nông thôn bằng con mắt xã hội; vượt qua những ràng buộc của định hướng lo tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn xưa nay của mọi địa phương, thay vào đó là chuyển hẳn sang phát triển bền vững các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…

Sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển như một ngành kinh tế hoàn chỉnh

Những nội dung được quy định trong Luật Thủ đô (sửa đổi) được nhiều chuyên gia, nhà quản lý đánh giá là sẽ góp phần định hướng lại sản xuất nông nghiệp của Thủ đô theo hướng phát triển như một ngành kinh tế hoàn chỉnh, tạo ra các sản phẩm vừa có chất lượng, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm và cho hiệu quả kinh tế cao.

Để phát triển một nền nông nghiệp như vậy, PGS.TS Chu Tiến Quang - nguyên Trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho rằng, không thể tiếp tục phương thức sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún, phân tán hiện nay. Việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp tập trung phù hợp với điều kiện tự nhiên, sinh thái và gắn với nhu cầu thị trường là đòi hỏi cấp thiết đặt ra.

Phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt. Ảnh: TL

Phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt. Ảnh: TL

Quy hoạch phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội vừa truyền thống, vừa hiện đại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, không chỉ giúp định hình nông nghiệp Thủ đô, mà còn tạo động lực thu hút các nguồn lực: vốn đầu tư, công nghệ và nhân lực của các tổ chức, cá nhân tham gia vào phát triển lĩnh vực này trong những năm tới.

Ở khía cạnh khác, TS. Đặng Kim Sơn nhìn nhận, trong xu hướng đô thị hóa ngày một mạnh mẽ, phát triển nông nghiệp, nông thôn của Hà Nội cần tạo dựng một vị thế khác biệt, đóng vai trò là động lực thúc đẩy cho các tỉnh, TP. Hà Nội xung quanh, nhất là trên khía cạnh khoa học và công nghệ - yếu tố vốn là thế mạnh của Thủ đô. Xác định tài nguyên quan trọng nhất của nông nghiệp, nông thôn là con người có kỹ năng và trí tuệ, chứ không còn là sức lao động giản đơn.

Trên cơ sở Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội cần nghiên cứu, đề xuất được các chính sách rất rõ nét và mạnh mẽ. Trong nông nghiệp, phải phát triển khoa học - công nghệ nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm có giá trị đặc biệt cao phục vụ cho nhu cầu cả nước và quốc tế, đồng thời đảm bảo môi trường sinh thái xanh, sạch, đẹp, an toàn. Trong phát triển nông thôn, cần đảm bảo thu hẹp khoảng cách thu nhập nông thôn - thành thị, tạo môi trường phát triển nông thôn hài hòa, lấy đô thị hóa làm trọng tâm.

GS.TS Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam kiến nghị TP. Hà Nội cần chú trọng đến yếu tố con người, có những giải pháp hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.

TP. Hà Nội cần đẩy mạnh triển khai các chương trình, đề án đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn theo nhu cầu từng đối tượng, hình thành và phát triển đội ngũ “công nhân nông nghiệp”; đồng thời hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thủ đô.

Phát triển bền vững các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung là nội dung mới được Luật Thủ đô (sửa đổi) đề cập khá chi tiết tại Điều 32. Trong đó, UBND TP. Hà Nội có quyền cho phép xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố để phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản, trưng bày giới thiệu sản phẩm, cảnh quan du lịch tại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung.

Chính quyền thành phố được quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất để sản xuất nông nghiệp. Những nội dung được quy định rõ ràng, cụ thể sẽ góp phần thu hút cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Diệu Hoa

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-thu-do-sua-doi-tao-dong-luc-moi-cho-phat-trien-ben-vung-nong-nghiep-nong-thon-155654.html