Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt trong việc định hướng tiêu dùng và quản lý kinh tế vĩ mô

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) được soạn thảo bao gồm những thay đổi được đề xuất đã qua đánh giá toàn diện và chi tiết. Chuyên gia Deloitte Việt Nam đồng thuận với mục tiêu của chính sách thuế TTĐB trong việc định hướng tiêu dùng và quản lý kinh tế vĩ mô.

Tuy nhiên, ngành đồ uống có cồn là một lĩnh vực nhạy cảm, có mối liên hệ mật thiết với nhiều khía cạnh của đời sống xã hội. Do đó, với mong muốn góp phần hoàn thiện chính sách thuế, đặc biệt là đối với ngành đồ uống có cồn, một ngành kinh tế - xã hội có ảnh hưởng sâu rộng, ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam đã đưa ra một số kiến nghị và góp ý trên góc độ về quản lý thuế và ngân sách Nhà nước (NSNN).

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam

Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Tư vấn Thuế Deloitte Việt Nam

Công cụ điều tiết vĩ mô

Thuế TTĐB là một loại thuế gián thu, được áp dụng đối với một số hàng hóa và dịch vụ cụ thể mà Nhà nước xác định cần có sự điều tiết đặc biệt về sản xuất và tiêu dùng.

Thuế TTĐB đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh các hoạt động kinh tế và xã hội ở mức độ vĩ mô, mặc dù phạm vi điều tiết không rộng. Thuế TTĐB là một trong những nguồn thu lớn của NSNN. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 2017-2020, thuế TTĐB đã đóng góp từ 8,3% đến 8,8% tổng thu ngân sách. Đến năm 2023, tỷ lệ này tăng lên khoảng 9,2%, phản ánh sự gia tăng trong tiêu dùng các mặt hàng chịu thuế TTĐB như rượu, bia, thuốc lá và ô tô.

“Điều này minh chứng rằng, mặc dù chỉ tập trung vào một số ít mặt hàng và dịch vụ, thuế TTĐB vẫn tạo ra nguồn thu lớn nhờ vào đặc tính dễ thu và mức thuế suất cao đối với các mặt hàng chịu thuế. Với các sản phẩm như thuốc lá, rượu bia và ô tô, thuế TTĐB tạo ra một mức thu đáng kể, nhờ vào nhu cầu cao và giá trị lớn của những sản phẩm này”, ông Tuấn cho biết.

Bên cạnh đó, thuế TTĐB cũng có vai trò trong việc điều tiết thu nhập và đảm bảo công bằng xã hội. Bằng cách áp dụng mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm xa xỉ hoặc có tính tiêu thụ cao trong giới có thu nhập cao, thuế TTĐB gián tiếp làm giảm chênh lệch giàu nghèo.

Từ góc độ vĩ mô, thuế TTĐB đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng sản xuất và tiêu dùng của xã hội. Đối với những sản phẩm có nguy cơ gây hại cho sức khỏe cộng đồng như thuốc lá và rượu bia, thuế TTĐB không chỉ là một công cụ thu thuế mà còn là biện pháp kiểm soát và hạn chế tiêu dùng.

Như vậy, thuế TTĐB không chỉ là một công cụ tài chính hiệu quả mà còn là một phần quan trọng của chiến lược quản lý vĩ mô, hướng dẫn tiêu dùng và đảm bảo công bằng xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi và phát triển, vai trò của thuế TTĐB càng trở nên quan trọng hơn, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt và hiệu quả để phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Tác động tới ngành bia, rượu và một số đề xuất

Dự thảo hiện đang đề xuất tăng mức thuế suất thuế TTĐB theo tỷ lệ phần trăm đối với mặt hàng rượu, bia theo từng năm, trong đó dao động tăng thêm từ 15% - 35% so với mức thuế suất thuế TTĐB của từng mặt hàng trong nhóm này theo luật hiện hành.

“Về cơ bản, chúng tôi ủng hộ quyết định tăng thuế TTĐB của Ban soạn thảo đối với các mặt hàng có tác động tiêu cực đến sức khỏe và môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách này cũng cần được xem xét kỹ lưỡng từ góc độ kinh tế - xã hội, đặc biệt là khi xét đến những phản hồi từ các doanh nghiệp trong ngành kinh doanh rượu, bia và thuốc lá”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Các doanh nghiệp trong ngành rượu, bia và thuốc lá phản ánh rằng, việc tăng thuế suất TTĐB liên tục trong những năm gần đây đã gây ra áp lực lớn, trong bối cảnh ngành kinh doanh đồ uống có cồn đã chịu ảnh hưởng nặng nề do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và khó khăn kinh tế nói chung. Việc tăng thuế suất TTĐB trong giai đoạn này có thể làm trầm trọng thêm tình hình, khiến doanh nghiệp không kịp thích nghi, dẫn tới nguy cơ phá sản hoặc thu hẹp quy mô sản xuất.

Hơn nữa, khi giá rượu bia chính ngạch tăng do tăng thuế TTĐB, người tiêu dùng lại có xu hướng chuyển sang dùng các loại rượu bia nhập lậu, làm giả, sản xuất trái phép, dẫn đến tình trạng thất thu nghiêm trọng hơn cho NSNN mà sức khỏe của người dân có thể bị ảnh hưởng tiêu cực hơn do sử dụng sản phẩm giả hoặc kém chất lượng. Theo báo cáo của WHO, tỷ lệ tiêu thụ rượu bia không chính ngạch tại Việt Nam những năm qua là khoảng trên dưới 60% trên tổng lượng tiêu thụ.

Về tác động tiêu cực đến nền kinh tế, mặc dù việc tăng thuế TTĐB có thể giúp tăng nguồn thu ngân sách nhưng mức tăng quá nhanh và cao đột ngột có thể dẫn đến những hệ lụy không mong muốn. Cụ thể, việc tăng thuế có thể làm thu hẹp quy mô sản xuất của các doanh nghiệp, dẫn đến lãng phí dây chuyền sản xuất và thiết bị đã đầu tư, cũng như tăng tỷ lệ thất nghiệp do cắt giảm lao động.

Bên cạnh đó, thu nhập của người nông dân trồng thuốc lá và các nguyên liệu khác để sản xuất bia, rượu cũng sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kéo theo sự suy giảm trong các ngành liên quan.

Theo nguyên lý Đường cong Laffer và lý thuyết về mối quan hệ giữa thuế suất và số thu ngân sách từ thuế của chính phủ, khi tăng thuế quá cao vượt điểm giới hạn thì sẽ làm giảm tổng thu ngân sách của chính phủ. Thực tế, một số quốc gia phát triển và đang phát triển đã ghi nhận tác động tiêu cực khi thuế suất đối với đồ uống có cồn bị vượt điểm tới hạn, ví dụ như Anh, Úc, Bỉ, Thái Lan, Malaysia… dẫn tới việc ngân sách ngay lập tức bị hụt thu nghiêm trọng.

Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo luật đã ghi nhận một số tác động tiêu cực có thể ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các lĩnh vực trong ngành. Tuy nhiên, báo cáo chưa cung cấp được các số liệu cụ thể và đáng tin cậy để đánh giá toàn diện mức độ ảnh hưởng này, đặc biệt là ảnh hưởng tiêu cực từ việc gia tăng nguồn cung rượu bia phi chính thức từ nhập lậu, sản xuất không phép. Điều này gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý trong việc đưa ra các quyết định chiến lược và điều chỉnh cần thiết.

Từ những phân tích nêu trên, chuyên gia Deloitte Việt Nam đề xuất Ban soạn thảo nên phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, Hiệp hội trong việc thực hiện những khảo sát và đánh giá định lượng với số liệu cụ thể về tác động của dự thảo đối với kinh tế - xã hội Việt Nam. Việc này không chỉ giúp đưa ra các quyết định chính sách hợp lý hơn mà còn đảm bảo tính khả thi và hiệu quả trong quá trình triển khai chính sách thuế TTĐB trong thời gian tới.

Trên cơ sở các thông tin đánh giá tác động đầy đủ, Ban soạn thảo nên cân nhắc đề xuất áp dụng mức thuế suất TTĐB thấp hơn so với dự thảo hiện tại, nhằm giảm bớt áp lực tài chính đối với các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế hiện nay còn nhiều thách thức.

Lộ trình tăng thuế cần được giãn cách hợp lý với lộ trình dài hơn đối với các mặt hàng rượu, bia và thuốc lá và tiến tới chỉ dừng ở mức thuế suất tối đa là 80% để doanh nghiệp có đủ thời gian thích nghi và điều chỉnh mô hình kinh doanh phù hợp.

ĐP

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/luat-thue-tieu-thu-dac-biet-trong-viec-dinh-huong-tieu-dung-va-quan-ly-kinh-te-vi-mo-154629.html