Luật Tiết kiệm, chống lãng phí sẽ được trình Quốc hội thông qua vào cuối năm

Chính phủ đề xuất xây dựng Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2025).

Sáng 10/7, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, điều chỉnh Chương trình lập pháp năm 2025.

Ngày 31/5 hàng năm sẽ “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí”

Trình bày tờ trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết Chính phủ đề xuất xây dựng 4 luật và bổ sung vào Chương trình lập pháp năm 2025, gồm: Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Dự án Luật An ninh mạng; Dự án Luật Thương mại điện tử; Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế).

Dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí có nội dung chính là thể chế hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chỉ thị 27-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị để hướng tới xây dựng văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp.

Trong đó, tập trung vào các nội dung: bổ sung quy định về “Ngày toàn dân tiết kiệm, chống lãng phí” là ngày 31/5 hàng năm; bổ sung quy định về việc lồng ghép nội dung giáo dục về tiết kiệm, chống lãng phí trong hệ thống giáo dục quốc dân để hình thành văn hóa, nhận thức về tiết kiệm, chống lãng phí trong nhân dân; tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, phát hiện, xử lý đối với các hành vi lãng phí.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng bổ sung các quy định để nhận diện rõ hơn hành vi gây lãng phí và chế tài xử lý theo Hướng dẫn số 63-HD/BCĐTW ngày 28/4/2025 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Để xác định rõ vai trò, gia tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương trong xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình tiết kiệm, chống lãng phí, dự thảo Luật bổ sung quy định về Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí và sửa đổi quy định liên quan Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đặc biệt, dự thảo Luật cũng xác định đầy đủ, cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, tập thể, cá nhân trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung nguyên tắc để đảm bảo phòng, chống lãng phí ngay từ khâu xây dựng chính sách, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Dự án Luật An ninh mạng dự kiến hợp nhất quy định của Luật An ninh mạng năm 2018 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2018) và quy định về: các hoạt động bảo vệ thông tin mạng; bảo vệ hệ thống thông tin; phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng; hoạt động phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đoanh nghiệp và cá nhân trong phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Bổ sung 4 dự án luật vào Chương trình Kỳ họp thứ 10

Dự án Luật Thương mại điện tử dự kiến điều chỉnh chính sách phát triển và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Theo đó, dự án Luật sẽ hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình thương mại điện tử mới như livestream, tiếp thị liên kết, nền tảng tích hợp. Bổ sung quy định về định danh người bán qua VNeID, trách nhiệm của chủ thể cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và cơ chế kiểm soát hàng vi phạm.

Đồng thời, bổ sung quy định về giao kết hợp đồng tự động, hợp đồng thông minh trong thương mại điện tử, phù hợp với xu hướng công nghệ mới và bảo đảm sự hài hòa với Bộ luật Dân sự và Luật Giao dịch điện tử.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp sáng 10/7.

Các thành viên Chính phủ tham dự phiên họp sáng 10/7.

Dự thảo cũng quy định về trách nhiệm và điều kiện hoạt động của nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới có giao dịch tại Việt Nam, đảm bảo năng lực pháp lý, kỹ thuật, tài chính để kiểm soát rủi ro và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung 4 dự án vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10 năm 2025).

Trong đó, 2 dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí và Luật Thương mại điện tử thực hiện theo trình tự, thủ tục thông thường; 2 dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế) và Luật An ninh mạng theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Đối với Dự án Luật Giám định tư pháp (thay thế), Bộ trưởng Nguyễn Hải Ninh cho biết, dự thảo Luật mở rộng phạm vi xã hội hóa đối với một số lĩnh vực giám định tư pháp mà tổ chức, cá nhân trong xã hội có nhu cầu lớn, thường xuyên. Đối với một số lĩnh vực thuộc chuyên ngành kỹ thuật hình sự như tài liệu, dấu vết… thì chưa xem xét xã hội hóa.

Dự thảo sẽ phân cấp việc trưng cầu, tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp theo hướng tổ chức, cá nhân ở địa phương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu giám định của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng ở địa phương; tổ chức, cá nhân ở trung ương tiếp nhận, thực hiện trưng cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng cấp trung ương hoặc địa phương trong trường hợp vụ việc phức tạp.

Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cùng các cơ quan tán thành với sự cần thiết bổ sung 4 dự án Luật vào Chương trình lập pháp năm 2025, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 với những lý do, mục đích ban hành được nêu tại các Tờ trình của Chính phủ.

Cơ quan thẩm tra đề nghị các Cơ quan chủ trì soạn thảo trong quá trình xây dựng dự án cần tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị, yêu cầu đổi mới tư duy lập pháp, xây dựng luật ngắn gọn, đúng thẩm quyền của Quốc hội, chú trọng chất lượng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, nhất là các luật mới được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ kỳ họp thứ 10 là kỳ họp cuối của nhiệm kỳ 2021 - 2026. Như vậy, các dự luật trình tại Kỳ họp này nên được quyết định ngay trong Kỳ họp, nếu để kéo dài tới Quốc hội khóa 16 tiếp tục bàn và thông qua thì sẽ khó khăn. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng nếu cơ quan soạn thảo đã chuẩn bị thật kỹ, thật tốt, có chất lượng thì sẽ trình tại một kỳ họp theo quy trình thủ tục rút gọn.

Qua thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ sự nhất trí cao và đồng ý với việc bổ sung bốn dự án luật này vào Chương trình kỳ họp thứ 10. Trong đó, có hai luật thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn như đề xuất của Chính phủ.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/luat-tiet-kiem-chong-lang-phi-se-duoc-trinh-quoc-hoi-thong-qua-vao-cuoi-nam-179737.html