Đề xuất Quốc hội sửa một số điều của Luật Đất đai tại Kỳ họp thứ 10

Chính phủ có văn bản đề nghị trình Quốc hội hàng loạt dự án luật tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025), trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 47, chiều 10/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến bước đầu việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2025).

Trình bày báo cáo về chuẩn bị bước đầu kỳ họp, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết, về công tác lập pháp, dự kiến Quốc hội xem xét thông qua 19 dự án luật, cho ý kiến 2 dự án luật.

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng.

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng.

Ngoài ra, hiện nay, Chính phủ có văn bản đề nghị trình Quốc hội 21 dự án luật khác.

Gồm: Luật Tiết kiệm, chống lãng phí (thay thế); Luật An ninh mạng (thay thế); Luật Thương mại điện tử; Luật Giám định tư pháp (thay thế); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật Quản lý thuế; Luật An toàn thực phẩm (thay thế); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chuyển giao công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ.

Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam; Luật Cư trú; Luật Căn cước (thay thế); Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Đường bộ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điều ước quốc tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai.

Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, rà soát Luật Thuế thu nhập cá nhân; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Sở hữu trí tuệ;... thông tin cụ thể đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung, thời điểm trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tiến độ gửi hồ sơ tài liệu đến các cơ quan của Quốc hội, để triển khai ý kiến kết luận của Tổng Bí thư, bảo đảm các dự án luật được Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2025.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội thảo luận dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XV của Quốc hội; xem xét các báo cáo công tác nhiệm kỳ 2021-2026 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, Kiểm toán Nhà nước; xem xét, thông qua Nghị quyết về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các dự thảo Văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Do số lượng nội dung lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng tại Kỳ họp thứ 10 rất lớn, nhiều nội dung khó, phức tạp nên Tổng Thư ký Quốc hội đề xuất tiếp tục tổ chức theo 2 đợt họp.

Đề xuất này để có thời gian cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan tiếp thu, giải trình các ý kiến của đại biểu Quốc hội, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo luật, nghị quyết với chất lượng tốt nhất trước khi trình Quốc hội thông qua.

"Với số lượng nội dung dự kiến đến thời điểm này, dự kiến kỳ họp diễn ra trong khoảng 1,5 tháng với 30 ngày làm việc. Trong đó: đợt 1 kéo dài khoảng 20 ngày, chủ yếu bố trí thảo luận các nội dung trình Quốc hội biểu quyết thông qua và thảo luận ở Tổ một số dự án luật, chất vấn và trả lời chất vấn; đợt 2 kéo dài khoảng 10 ngày, chủ yếu bố trí Quốc hội biểu quyết thông qua các luật, nghị quyết và thảo luận về một số dự án luật", ông Lê Quang Tùng nói và dự kiến thời gian nghỉ giữa 2 đợt họp khoảng 7 - 9 ngày.

Tổng thời gian diễn ra Kỳ họp có thể thay đổi trong trường hợp bố trí Quốc hội làm việc một số ngày cuối tuần hoặc có thêm các dự án luật, nghị quyết khác được bổ sung vào chương trình kỳ họp.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với báo cáo chuẩn bị bước đầu cho Kỳ họp thứ 10.

Về các dự án luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát kỹ lưỡng, chỉ trình Quốc hội xem xét, thông qua những nội dung cấp bách để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong điều hành kinh tế - xã hội; còn những dự án luật dự kiến cho ý kiến lần đầu và thông qua theo quy trình 2 kỳ họp thì nên để lại cho nhiệm kỳ sau vì Quốc hội khóa XV không còn thời gian để tổ chức thêm kỳ họp.

"Tại Kỳ họp thứ 10 giải quyết cấp bách những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong điều hành lĩnh vực kinh tế - xã hội, không có Kỳ họp thứ 11. Đại hội Đảng xong, nghỉ Tết vài ngày là tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 16 (dự kiến vào 15/3/2026) và Hội đồng nhân dân các cấp, không có thời gian để chúng ta bàn tiếp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Để đảm bảo sự thống nhất và chuẩn bị tốt nhất, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm tổ chức một cuộc họp chung giữa Đảng ủy Quốc hội và Đảng ủy Chính phủ.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/de-xuat-quoc-hoi-sua-mot-so-dieu-cua-luat-dat-dai-tai-ky-hop-thu-10-ar953721.html