Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) cho phép ghi âm toàn bộ phiên tòa

Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp. Việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Sáng nay, 459/464 đại biểu tham gia biểu quyết đã tán thành thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), chiếm 94,25%. Luật có 9 Chương, 152 Điều.

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Quy định mới về ghi âm, ghi hình tại phiên tòa

Về tham dự và hoạt động thông tin tại phiên tòa, phiên họp (khoản 3 Điều 141), dự thảo Luật đã được chỉnh lý cho phép ghi âm toàn bộ diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc ghi hình chỉ được thực hiện trong thời gian khai mạc phiên tòa, phiên họp và tuyên án, công bố quyết định.

Việc ghi âm, ghi hình phải được sự đồng ý của Chủ tọa phiên tòa, phiên họp, những người có liên quan theo quy định (khoản 3). Đồng thời, trong trường hợp cần thiết để phục vụ nhiệm vụ chuyên môn, Tòa án tiến hành ghi âm, ghi hình diễn biến phiên tòa, phiên họp; việc sử dụng, cung cấp kết quả ghi âm, ghi hình của Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật và giao Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, quy định chi tiết (khoản 4).

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Trước đó, thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật lớn, có nhiều chính sách mới, quy định mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án, nhiều nội dung có tính chất đột phá, tiệm cận với quốc tế, tháo gỡ một số vướng mắc thực tiễn, phù hợp với Hiến pháp 2023 và thể chế hóa quan điểm, chủ trương theo các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, đổi mới về tổ chức và hoạt động của Toà án nhân dân.

459/464 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, chiếm 94,25%

459/464 đại biểu Quốc hội tán thành thông qua, chiếm 94,25%

Đối với việc thành lập các vụ tại TAND cấp cao trên cơ sở tổ chức lại các phòng giám đốc, kiểm tra (điểm d khoản 1 Điều 51), Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nêu rõ, việc thành lập các vụ tại TAND cấp cao là nâng cấp một số đơn vị cấp phòng để phù hợp với tính chất, số lượng công việc mà các đơn vị này đang đảm nhiệm, nhằm nâng cao năng lực, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị tham mưu. Vì vậy, việc thành lập các vụ trên cơ sở tổ chức lại các phòng giám đốc, kiểm tra là cần thiết.

Giữ nguyên tên tòa án tỉnh, huyện

Về đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân cấp huyện theo thẩm quyền xét xử, do còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo xây dựng 2 phương án và xin ý kiến đại biểu bằng phiếu.

Cụ thể, phương án 1 giữ nguyên quy định của luật hiện hành về Tòa án nhân dân cấp tỉnh, huyện. Phương án 2, đổi mới Tòa án nhân dân cấp tỉnh thành Tòa án nhân dân phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp huyện thành Tòa án nhân dân sơ thẩm.

Kết quả, không có phương án nào đạt quá một nửa tổng số đại biểu tán thành. Sau khi xin ý kiến các vị đại biểu, bà Nga cho biết Tòa án nhân dân tối cao và thường trực Ủy ban Tư pháp thống nhất đề nghị tiếp thu đa số đại biểu đã ghi phiếu, tiếp tục giữ nguyên quy định tòa án cấp tỉnh, huyện như luật hiện hành.

Cũng trong buổi sáng nay, Quốc hội dành thời gian thảo luận ở hội trường về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Công an giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/luat-to-chuc-tand-sua-doi-cho-phep-ghi-am-toan-bo-phien-toa-245528.htm