Luật về tiền số đầu tiên ở Mỹ có thể được ban hành

Ngày 24-6-2025 vừa qua, Thượng viện Mỹ thông qua Dự thảo Luật về Tiền số giá cố định (stablecoins) mang tên Genius Act 2025 với số phiếu 68-30. Tuy nhiên, để chính thức trở thành luật, dự luật này cần phải được Hạ viện phê chuẩn.

Luật về tiền số đầu tiên ở Mỹ có thể sẽ được ban hành. Ảnh: Reuters

Luật về tiền số đầu tiên ở Mỹ có thể sẽ được ban hành. Ảnh: Reuters

Đây là một bước tiến quan trọng, nếu được thông qua, Genius Act 2025 sẽ là đạo luật đầu tiên của Mỹ về tiền số. Luật này cũng không cho phép doanh nghiệp phát hành dùng dự trữ trong quỹ tài chính nhằm bảo đảm giá trị tiền số để cho vay hay làm thế chấp để vay, trừ những trường hợp đặc biệt. Có thể đây là điều Ngân hàng Thanh toán Quốc tế có thành viên là ngân hàng trung ương các nước lo lắng về sự an toàn của hệ thống tài chính tiền tệ.

Luật Genius Act 2025(1) cho phép đồng tiền số có giá cố định, nhằm tạo phương tiện thanh toán nhanh chóng với chi phí rẻ thông qua mạng thông tin chuỗi khối (blockchain).

Stablecoin là gì?

Tiền số giá cố định (stablecoin) cũng là tiền số nhưng giá trị của nó được bảo đảm bằng 1 đô la Mỹ. Bất cứ ai mua 1 stablecoin đều có thể đến doanh nghiệp phát hành đổi lại lấy 1 đô la Mỹ tiền mặt bất cứ lúc nào. Theo luật này, doanh nghiệp phát hành phải lập một quỹ bảo đảm với tài sản có tính an toàn và thanh khoản cao như tiền mặt, tiền gửi ngân hàng, giấy nợ ngắn hạn dưới 93 ngày do chính phủ phát hành, hợp đồng mua lại có kỳ hạn không quá 7 ngày được bảo đảm bởi giấy nợ chính phủ. Mỗi đồng stablecoin phải được bảo đảm bởi 1 đồng trong quỹ. Doanh nghiệp phát hành hưởng lợi từ phí dịch vụ thanh toán, trong khi người sử dụng được hưởng lợi nhờ tốc độ giao dịch nhanh, chi phí thấp hơn so với ngân hàng và khả năng sử dụng liên tục 24 giờ mỗi ngày.

Hiện nay, nhiều loại stablecoin do cá nhân hoặc doanh nghiệp tự phát hành đã xuất hiện ở khắp nơi trên thế giới, nhưng người dùng phải tự chịu rủi ro nếu nhà phát hành gian lận, do chưa có luật bảo vệ. Ngay cả với Luật Genius Act 2025 về tiền số giá cố định, mức độ bảo vệ vẫn rất hạn chế, chỉ bằng chính số tiền trong quỹ bảo hiểm mà doanh nghiệp phát hành thiết lập.

Không như mạng chuỗi khối thông thường bảo đảm tính bí mật địa chỉ các tài khoản, Luật Genius Act 2025 được thiết kế với đầy đủ cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc gia, đồng thời chống việc sử dụng tiền số để rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, doanh nghiệp phát hành có nhiệm vụ cung cấp cho cơ quan chức năng thông tin về địa chỉ của tài khoản và các thanh toán giữa các tài khoản.

Trong khi đó, tiền ký gửi của mỗi tài khoản ngân hàng được bảo hiểm tới mức 250.000 đô la Mỹ qua Tổng công ty Bảo hiểm tiền gửi liên bang (FDIC) có quan hệ chặt chẽ với ngân hàng trung ương, nhằm bảo đảm tính an toàn của hệ thống tiền tệ quốc gia. Dù được neo giá cố định, stablecoin vẫn tiềm ẩn rủi ro mất mát lớn; nếu bên phát hành quản lý thiếu trách nhiệm hoặc sử dụng tài sản bảo chứng một cách liều lĩnh, người sở hữu tài khoản có thể mất toàn bộ số tiền trong tài khoản.

Thanh toán tiền số diễn ra nhanh chóng, chi phí thấp, nhưng vẫn chịu sự kiểm soát chặt chẽ bởi các cơ quan chính phủ dựa trên hai nguyên tắc chính: (1) không được sử dụng để rửa tiền hoặc tài trợ khủng bố, và (2) phải xác định rõ danh tính người gửi và người nhận để nhà nước có thể theo dõi và thu thuế.

Hệ thống thanh toán của đồng tiền số giá cố định hoạt động trên nền tảng công nghệ blockchain - một mạng lưới số hóa phi tập trung, không có chủ sở hữu, được vận hành bởi nhiều trung tâm dữ liệu độc lập. Nhờ vậy, các giao dịch có thể thực hiện xuyên biên giới nhanh chóng, không cần trung gian, được xác minh tự động và ghi lại trong sổ cái điện tử (ledger). Tuy nhiên, chính tính chất phi tập trung này khiến bên thứ ba - kể cả chính phủ - khó xác định được danh tính thực sự và tổng giá trị tài sản của người sử dụng.

Tiền số có giá cố định chỉ thừa hưởng lợi thế về tốc độ giao dịch. Các yếu tố đặc trưng còn lại như danh tính địa chỉ ví, người gửi và người nhận đều buộc phải khai báo và báo cáo cho cơ quan chức năng, theo quy định của Luật Genius Act 2025.

Điều luật cơ bản của Luật Genius Act 2025

Thực thể nào được quyền phát hành? Đơn vị phát hành có thể là một công ty con của một tổ chức tài chính có nhà nước bảo hiểm (Insured Depository Institutions) như ngân hàng (bank) hay quỹ tín dụng (credit union). Ngoài ra, các doanh nghiệp chuyên kinh doanh phát hành stablecoin cũng có thể được liên bang cấp phép hoạt động. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp được cấp phép phát hành bởi chính quyền bang, tuy nhiên nếu quy mô tài sản vượt quá 50 tỉ đô la Mỹ thì bắt buộc phải có sự phê duyệt từ cấp liên bang.

Đối với các thực thể tài chính như ngân hàng, nếu muốn phát hành stablecoin, họ phải nộp hồ sơ xin phép tại cùng địa bàn nơi đặt trụ sở của công ty mẹ. Việc thẩm định và cấp phép do Cơ quan Kiểm tra ngân hàng và FDIC thực hiện, với trách nhiệm giám sát và bảo đảm tuân thủ các quy định đối với hoạt động phát hành.

Đối với các tổ chức không thuộc lĩnh vực tài chính nhưng muốn phát hành stablecoin, hồ sơ xin phép sẽ được nộp lên Cơ quan Kiểm tra Tiền tệ (Office of the Comptroller of the Currency - OCC). Đây là cơ quan độc lập trực thuộc Bộ Tài chính Mỹ, có chức năng duy trì sự tin cậy của hệ thống ngân hàng, bảo đảm đối xử công bằng với khách hàng, đồng thời thực thi các nhiệm vụ chống độc quyền, kiểm soát rửa tiền và ngăn chặn tài trợ khủng bố.

Các thực thể phát hành dưới 19 tỉ đô la có quyền chọn đăng ký với cơ quan quản lý cấp liên bang hoặc cấp tiểu bang.

Cơ quan FDIC hay OCC xem xét dựa trên các điều kiện tài chính và nguồn lực tài chính được liệt kê trong luật. Dù đăng ký ở đâu, thực thể phát hành được coi như một thực thể tài chính và chịu sự kiểm soát tài chính nói chung của ngân hàng trung ương.

Tóm lại, Luật Genius Act 2025 được thiết kế với đầy đủ cơ chế kiểm soát nhằm bảo đảm sự an toàn của hệ thống tài chính và tiền tệ quốc gia, đồng thời chống việc sử dụng tiền số giá ổn định để rửa tiền và tài trợ khủng bố. Do đó, luật quy định các cơ quan chức năng có quyền biết địa chỉ tài khoản và các thanh toán giữa các tài khoản.

WSJ dẫn báo cáo thường niên của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) công bố mới đây cho rằng, stablecoin - dù ngày càng phổ biến - không nên trở thành trụ cột của hệ thống tiền tệ tương lai.

Tổ chức này lo ngại loại tiền điện tử được neo vào một loại tài sản truyền thống như đô la Mỹ:

- Không đáp ứng được các yêu cầu cần thiết để đảm bảo một khuôn khổ tiền tệ vững chắc và lành mạnh

- Thiếu giám sát, dễ bị lợi dụng để rửa tiền và tài trợ khủng bố

- Không có chức năng thanh toán cuối cùng như ngân hàng trung ương để duy trì sự ổn định và niềm tin thị trường

- Mâu thuẫn giữa cam kết ổn định giá và mô hình kinh doanh sinh lời

- Rủi ro mất chủ quyền tiền tệ và dòng vốn tháo chạy ở các nước đang phát triển.

BIS cho rằng stablecoin chỉ nên đóng vai trò phụ trợ, đồng thời kêu gọi chính sách kiểm soát chặt chẽ để hạn chế rủi ro hệ thống.

BIS có trụ sở tại Thụy Sỹ và gồm các thành viên như Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương châu Âu.

(1) Dự luật: https://www.congress.gov/bill/119th-congress/senate-bill/394/text. Giải thích của Văn phòng Quốc Hội: https://www.congress.gov/crs-product/IN12522#:~:text=A%20stablecoin%20issuer%20that%20is%20a%20subsidiary,the%20Comptroller%20of%20the%20Currency%20%28OCC%29%2C%20respectively.

Vũ Quang Việt

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/luat-ve-tien-so-dau-tien-o-my-co-the-duoc-ban-hanh/