Lục địa đen cần Mỹ - Trung - châu Âu 'bắt tay'
17 quốc gia châu Phi đang tham gia hội nghị thượng đỉnh về Dân chủ kéo dài hai ngày do Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì. Nhiều nhà quan sát cho rằng sự kiện này có thể cho thấy rõ hơn các ưu tiên tương phản của Mỹ và Trung Quốc đối với lục địa đen.
Thượng đỉnh Dân chủ diễn ra chỉ hơn một tuần sau khi Diễn đàn ba năm một lần về Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (Focac) được tổ chức tại Thủ đô Dakar của Senegal, một sự kiện đánh dấu ý nghĩa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của lục địa này.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố đầu tư ít nhất 40 tỷ USD vào các dự án liên quan đến nông nghiệp, kinh tế kỹ thuật số, biến đổi khí hậu, công nghiệp hóa, và một tỷ liều vaccine Covid-19 vừa theo hướng tài trợ và sản xuất chung.
W Gyude Moore, một chuyên gia chính sách tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết: "Có vẻ ngược đời, nhưng khi quốc gia đó càng dân chủ, họ càng tiến gần đến Trung Quốc. Nhu cầu lớn nhất ở châu Phi là cơ sở hạ tầng, và nhà tài trợ hướng tới họ trong 20 năm qua là Trung Quốc".
Cơ sở hạ tầng cho bầu cử
Gần đây nhất, dự án xây dựng cầu Lungi và cuộc gặp của Bộ trưởng Ngoại giao Sierra Leone David John Francis cùng người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã thể hiện vai trò quan trọng của Trung Quốc ở châu Phi.
Cây cầu Lungi ước tính 1,2 tỷ USD nối thủ đô Freetown của Sierra Leone với sân bay chính sẽ là một giải pháp thay thế nhanh chóng cho các chuyến phà mất nhiều giờ và có thể không an toàn.
Một số nhà quan sát nói rằng Tổng thống Julius Maada Bio coi dự án này là chìa khóa cho chiến dịch tái tranh cử năm 2023 của ông, mặc dù những người khác nói rằng số tiền tương đương có thể được chi tiêu tốt hơn để đối phó với những thách thức xã hội như mù chữ và tỷ lệ tử vong ở sản phụ cao nhất thế giới.
Tại Gambia, Tổng thống Adama Barrow gần đây đã tái đắc cử sau khi chào hàng những cây cầu do Trung Quốc xây dựng, cơ sở hạ tầng giúp thúc đẩy thương mại với nước láng giềng Senegal, cũng như hứa hẹn cung cấp một dự án đường do Trung Quốc hậu thuẫn.
Folashade Soule-Kohndou, một chuyên gia nghiên cứu tại Đại học Oxford, cho biết các chính trị gia châu Phi thường cần nguồn tài trợ cơ sở hạ tầng của Trung Quốc để thực hiện các lời hứa bầu cử của họ.
Theo Ngân hàng Phát triển Châu Phi, lục địa này cần 130-170 tỷ USD/năm để đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng của mình, nhưng hiện đang thiếu hụt rất lớn, thiếu khoảng 68-108 tỷ USD. Khoảng cách đó có thể được lấp đầy với kế hoạch cơ sở hạ tầng mới Global Gateway trị giá 340 tỷ USD của Liên minh châu Âu (EU) và kế hoạch Build Back Better (B3W) của Mỹ, cả hai đều đang được quảng bá là những lựa chọn thay thế cho Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) của Trung Quốc.
Nhưng hiện tại, hai dự án này còn thiếu chi tiết và khó so được với BRI đã xây dựng được nhiều đường bộ, đường sắt và cảng trên khắp thế giới.
Cần Mỹ - Trung hợp tác
Chuyên gia thương mại Francis Mangeni nói rằng sẽ là tốt nhất cho châu Phi nếu các sáng kiến này tập trung phối kết hợp với nhau thay vì cạnh tranh.
Ông nói: "Thay vì coi ảnh hưởng của Trung Quốc ở châu Phi là tiêu cực và đáp trả bằng cạnh tranh, đối kháng hoặc kiềm chế, tôi nghĩ các cường quốc khác nên bổ trợ cho nó". Nhưng ông cũng nói thêm rằng các quốc gia châu Phi phải thể hiện sức ảnh hưởng tập thể của họ để đảm bảo hiệu quả của tất cả các kế hoạch trên.
Về phần mình, bà Soule-Kohndou nói, Global Gateway và B3W có thể có lợi thế hơn so với sáng kiến của Trung Quốc nếu họ tập trung nhiều hơn vào chuyển giao công nghệ, chuyển giao dự án nhanh hơn và đầu tư ít tập trung vào nợ hơn.
Ông Moore cũng đồng tình với ý kiến này, nói rằng: "Châu Phi cần phải đa dạng hóa nguồn tài trợ cho cơ sở hạ tầng, vì đây là một lĩnh vực tốt cần phát triển. Chi phí thương mại ở châu Phi đang ở mức cao nhất thế giới do việc vận chuyển hàng hóa chiếm tới 90% chi phí".
Ông Moore gợi ý rằng Mỹ và Trung Quốc có những thế mạnh khác nhau có thể bổ sung cho nhau để đáp ứng các nhu cầu về cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục và an ninh ở châu Phi.
Ông Moore nói: "Mỹ có thế mạnh lớn về đầu tư nhân lực. Các trường đại học của họ là tốt nhất thế giới, hệ thống y tế của họ cũng vậy. Trung Quốc có thể xây dựng bệnh viện và Mỹ có thể đào tạo bác sĩ".
Với dân số châu lục được dự báo sẽ tăng gấp đôi lên 2,5 tỷ người vào năm 2050, trọng tâm phát triển kinh tế, xã hội và chính trị là then chốt.
Hiệp định Thương mại Tự do Châu Phi (AfCTA), một sáng kiến được đưa ra vào tháng Một năm nay và nhằm tăng cường thương mại nội khối châu Phi, được coi là một cách thức quan trọng để kết hợp nỗ lực của các bên. Ông Mangeni nói rằng đề xuất của Trung Quốc về việc liên kết BRI và AfCTA "sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại trên lục địa và xa hơn nữa".
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/luc-dia-den-can-my-trung-chau-au-bat-tay-20211209101727409.htm