Lực lượng sản xuất mới
Việt Nam muốn trở thành nước phát triển có thu nhập cao thì phải đi trong nhóm đầu về công nghệ số và công nghiệp công nghệ số.
Đúng. Trúng. Kịp thời. Đó là những nhận định của giới nghiên cứu khoa học về Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành chỉ ít ngày trước khi khép lại năm 2024. Nói như GS, TS. Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nghị quyết 57 thực sự là “luồng gió mới, soi rọi con đường vươn lên phía trước của dân tộc Việt Nam.”
Quan điểm của ông Đức cũng trùng với những gì Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nhiều lần khẳng định, đó là chúng ta có một khát vọng hưng thịnh quốc gia để đến năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm độc lập sẽ trở thành một nước phát triển và chỉ đi theo con đường công nghệ cao, chuyển đổi số mạnh mẽ song song với phát triển kinh tế số, Việt Nam mới có thể tiến nhanh, tiến mạnh và vững chắc đến mục tiêu giàu mạnh và hùng cường.
Nghị quyết số 57 định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số nhằm đưa Việt Nam vào nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển chính phủ điện tử; nhóm ba nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế.
Mục tiêu cụ thể bao gồm kinh tế số đạt 30% GDP vào năm 2030 và 50% GDP vào năm 2045, đồng thời tăng cường đầu tư R&D, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, và thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng ngang tầm các nước tiên tiến; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano, thông tin di động 5G, 6G, thông tin vệ tinh và một số công nghệ mới nổi.
Nghị quyết đặt ra mục tiêu quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trên môi trường số, kết nối và vận hành thông suốt giữa các cơ quan trong hệ thống chính trị. Hoàn thành xây dựng, kết nối, chia sẻ đồng bộ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu các ngành; khai thác và sử dụng có hiệu quả tài nguyên số, dữ liệu số, hình thành sàn giao dịch dữ liệu. Phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số, công nghiệp văn hóa số đạt mức cao của thế giới.
Nghị quyết đề ra bảy nhiệm vụ trọng tâm, gồm hoàn thiện thể chế, đầu tư hạ tầng, phát triển nhân lực, khuyến khích doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương, do Tổng Bí thư Tô Lâm làm Trưởng ban.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy đánh giá, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị tạo động lực lớn cho hệ thống chính trị, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân. Có thể coi Nghị quyết là một cuộc cách mạng thay đổi từ nhận thức đến nội dung, phương thức làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước. Điểm đột phá của Nghị quyết 57 nằm ở những quan điểm theo kịp thời đại về chuyển đổi số và khoa học, công nghệ như: coi dữ liệu là một nguồn tài nguyên mới, nguồn tư liệu sản xuất mới, từ đó đổi mới phương thức sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội tin rằng, Nghị quyết 57 đã thể hiện cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Ông tin rằng, Quốc hội sẽ thể chế hóa đầy đủ tinh thần của Nghị quyết 57 khi xem xét việc sửa đổi Luật Khoa học và công nghệ và xem xét thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số trong chương trình xây dựng pháp luật năm 2025.
Chỉ một thời gian ngắn trước khi ban hành Nghị quyết 57, Bộ Chính trị và Thường trực Ban Bí thư cũng cho chủ trương thực hiện dự án chuyển đổi số trong các cơ quan đảng từ năm 2024 đến 2029 nhằm đổi mới, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ, thực chất, nâng cao chất lượng trong phương thức lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, phong cách công tác, lề lối làm việc và nâng cao hiệu quả, giảm thời gian giải quyết công việc của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, góp phần quan trọng vào cải cách thủ tục hành chính trong các cơ quan đảng. Những động thái này cho thấy chuyển đổi số sẽ được thực hiện ở mọi ngóc ngách của xã hội, từ Trung ương đến từng người dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm đã yêu cầu phải có một cuộc cách mạng mới với những cải cách mạnh mẽ, toàn diện điều chỉnh quan hệ sản xuất, tạo động lực mới cho phát triển. “Đó là cuộc cách mạng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tái cấu trúc quan hệ sản xuất phù hợp với sự tiến bộ vượt bậc của lực lượng sản xuất”, Tổng Bí thư viết.
Tổng Bí thư nhấn mạnh chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”, trong đó đặc trưng của lực lượng sản xuất là sự kết hợp hài hòa giữa con người và trí tuệ nhân tạo; dữ liệu trở thành một tài nguyên, trở thành tư liệu sản xuất quan trọng; đồng thời quan hệ sản xuất cũng có những biến đổi sâu sắc, đặc biệt là trong hình thức sở hữu và phân phối tư liệu sản xuất số. Sự thay đổi trong quan hệ sản xuất sẽ tác động mạnh đến kiến trúc thượng tầng, mở ra phương thức mới trong quản trị xã hội, tạo ra những công cụ mới trong quản lý nhà nước, làm thay đổi căn bản cách thức tương tác giữa nhà nước và công dân, giữa các tầng lớp xã hội.
Chuyển đổi số cần gì?
Theo Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số gồm hai cấu phần là số hóa và chuyển đổi. Số hóa là số hóa toàn diện, chuyển toàn bộ hoạt động lên môi trường số, chuyển toàn bộ thế giới thực thành bản sao số, từ đó hình thành không gian sống mới - không gian số và sinh ra tài nguyên mới khổng lồ và vô vàn dữ liệu.
Chuyển đổi là thay đổi toàn diện cách thức vận hành, hoạt động trên không gian số thông qua sử dụng công nghệ số, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo, xử lý dữ liệu để sinh ra giá trị mới. Do đó, chuyển đổi số có nội hàm lớn hơn cả một cuộc cách mạng công nghệ.
Chuyển đổi số đang trở thành trọng tâm trong hoạt động của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cho tới các doanh nghiệp ở mọi ngành nghề và cần có một chiến lược đột phá để đưa đất nước tiến vào kỷ nguyên số. Ở đó, kỷ nguyên mới sẽ bao gồm các trụ cột quan trọng như: thể chế số, hạ tầng số, cán bộ số, nhân lực số và văn hóa số.
Thể chế cho chính phủ số, kinh tế số và xã hội số là điều quan trọng nhất lúc này. Thể chế số cần vừa theo kịp vừa kiến tạo phát triển. Khi có thể chế số thì chuyển đổi số mới toàn dân, toàn diện, nếu không thì chỉ là thí điểm lỗ chỗ. Thí điểm thành công mà không phổ cập được thì chuyển đổi số không tạo ra nhiều giá trị.
Công nghệ số hiện đang tạo ra những thay đổi lớn, tạo ra lực lượng sản xuất mới, tạo ra cách thức hoạt động mới của tất cả các tổ chức, tạo ra mô hình kinh doanh mới. Nhưng nếu pháp luật không cho phép, hoặc không tạo cơ chế, chính sách thúc đẩy các mô hình mới, cách thức vận hành mới thì đất nước sẽ không gặt hái được những lợi ích của công nghệ số. Mô hình mới, cách thức vận hành mới chính là quan hệ sản xuất mới.
Hạ tầng số được coi là trụ cột chiến lược, giống như giao thông, điện. Hạ tầng số của Việt Nam hiện tại gồm hạ tầng viễn thông, hạ tầng Internet, hạ tầng dữ liệu. Làm chủ hạ tầng số không ai khác là các cán bộ số. Nếu coi chuyển đổi số là sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhà nước thì cần có cán bộ hiểu biết về chuyển đổi số.
Ở khía cạnh nhân lực số, người Việt Nam vốn được đánh giá là giỏi về công nghệ và nhanh nhẹn trong đổi mới sáng tạo và đây là thuận lợi lớn bởi ngoài nhân lực chất lượng cao, còn có nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn ra toàn cầu.
Hiện nay, doanh thu từ thị trường nước ngoài về công nghệ và chuyển đổi số của Việt Nam đã đạt gần 10 tỷ USD mỗi năm. Từ đây, Việt Nam có thể và cần phải trở thành một trung tâm toàn cầu về nhân lực công nghệ số, một trung tâm chuyển đổi số cho toàn cầu.
Cuối cùng, yếu tố không thể thiếu là văn hóa số. Chuyển đổi số đang tạo ra một không gian sống mới, không gian số và không gian mới sẽ cần cách hành xử mới, thói quen mới. Thế nhưng, không gian mới vẫn phải kế thừa những giá trị cốt lõi từ truyền thống, lịch sử, đến văn hóa dân tộc. Xây dựng văn hóa số là công việc lâu dài, cần làm gương, sự thẩm thấu dần dần. Nếu không xây dựng được văn hóa số, chuyển đổi số sẽ khó bền vững.
Về phía doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang, Tổng giám đốc Công ty CP Misa tin tưởng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam đã thể hiện sự sẵn sàng chuyển đổi số, áp dụng các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn vào hoạt động vận hành để cải thiện hiệu quả và cạnh tranh. Ông Quang đánh giá cao những chiến lược, chương trình, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được Đảng, Nhà nước và Chính phủ thúc đẩy gần đây.
Thực tế, khi triển khai chuyển đổi số doanh nghiệp Misa cũng gặp không ít khó khăn. Có không ít đơn vị chưa thực sự chủ động và dành nhiều thời gian tìm hiểu về chuyển đổi số vì còn phải tập trung cho kinh doanh hàng ngày. Theo ông Quang, giải pháp chuyển đổi số của Misa là sản phẩm vô hình, nên rất khó có thể diễn đạt để khách hàng chấp nhận thay đổi nhận thức, thói quen và phương thức kinh doanh bằng cách làm mới ngay được.
“Một số doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc thay đổi tư duy, văn hóa làm việc và bắt nhịp xu hướng ứng dụng chuyển đổi số. Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ thường thiếu ngân sách và nguồn lực để triển khai chuyển đối số đầy đủ dẫn đến việc phải cắt giảm tính năng hoặc không đạt kỳ vọng”, ông Quang chia sẻ.
Nuôi dưỡng công nghệ số
Sau chuyển đổi số là công nghiệp công nghệ số. Đây được xem là ngành có tính kế thừa và sản sinh từ chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ của Việt Nam.
Từ đây, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số đã được đưa ra bàn tại Quốc hội. Nếu được thông qua trong kỳ họp tới, Việt Nam sẽ thuộc nhóm quốc gia đầu tiên có một bộ luật riêng về công nghiệp công nghệ số. Luật Công nghiệp công nghệ số được xem xét trong bối cảnh các văn kiện, nghị quyết của Đảng, Nhà nước liên tục đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng cho việc hoàn thiện thể chế về công nghiệp công nghệ số.
Các quy định pháp luật về công nghiệp công nghệ thông tin đã được ban hành hơn 17 năm, nhiều quy định chưa điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tiễn phát triển ngành công nghệ như: chưa có khung pháp lý định hình khái niệm công nghệ số, công nghiệp công nghệ số; còn khoảng trống về phát triển dữ liệu số.
Vì vậy, việc xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số là cần thiết để thúc đẩy ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo môi trường thuận lợi nhất để “nuôi dưỡng” và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Luật này cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy thông minh hóa các ngành, lĩnh vực thông qua hội tụ công nghệ số vào các hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất trong các ngành, lĩnh vực để tối ưu hóa hiệu suất, hiệu quả, năng suất, khả năng tự động thích ứng với sự thay đổi của các ngành, lĩnh vực.
Công nghiệp công nghệ số chính là lõi của kinh tế số, hiện đang chiếm gần 60% tổng giá trị của kinh tế số. Do đó, cần xem công nghiệp công nghệ số là một ngành kinh tế, kỹ thuật rất năng động, rất lớn và rất cần được ưu tiên.
Vấn đề quan trọng nhất là phải làm rõ khái niệm công nghệ số khác gì so với công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin chỉ xử lý thông tin, còn công nghệ số thì xử lý dữ liệu. Thông tin là cái hữu hạn, xử lý thông tin không sinh ra giá trị mới. Còn công nghệ số là sinh ra dữ liệu và xử lý dữ liệu. Dữ liệu thì vô hạn, lớn hơn rất nhiều so với thông tin.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tin rằng, dữ liệu chính là tài nguyên mới, tư liệu sản xuất mới, là đầu vào mới của sản xuất. Từ ngàn năm, loài người trong quá trình phát triển luôn tiêu xài và làm cạn kiệt tài nguyên, thì nay, loài người phát triển lại sinh ra tài nguyên mới là dữ liệu, giải quyết được vấn đề toàn cầu là cạn kiệt tài nguyên. Công nghệ số xử lý dữ liệu sẽ sinh ra giá trị mới, tạo ra sự phát triển cho đất nước. Vì lẽ đó, công nghệ số sẽ là động lực chính của phát triển, của chuyển đổi số, là lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên mới.
Công nghiệp công nghệ số bao gồm các công nghệ trước đây và cả các công nghệ thế hệ mới như Internet vạn vật, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, thực tế ảo và các công nghệ số khác.
Công nghiệp công nghệ số đang được quản lý và phát triển theo hướng kịp thời và kiến tạo. Công nghiệp công nghệ số đã tiếp cận các lĩnh vực mới như tài sản số, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn theo chủ trương coi đây là những công nghệ cốt lõi của tương lai.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/luc-luong-san-xuat-moi-d38888.html