Lũng Cú mùa Xuân này
BHG - Tôi không thể ngờ rằng chuyến công tác lên Lũng Cú lần này lại trôi chảy và thuận lợi đến thế. Mặc dù cơn bão số 3 để lại hậu quả rất thảm khốc, tàn phá cả một vùng Đông Bắc, Tây Bắc, Duyên hải rộng lớn, tình hình khắc phục còn kéo dài phức tạp vài năm nữa. Nhưng rất may có sự chung tay giúp đỡ kịp thời của đồng bào cả nước, các nhà hảo tâm, từ thiện trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, thông qua cơ quan MTTQ Việt Nam đã đến được đúng những cơ sở, những con người cụ thể cần cứu trợ. Đêm đắp tấm chăn ấm, nâng bát cơm ăn mà thấu hiểu nghĩa tình đồng bào cao cả. Còn là tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau dựng lại cửa nhà, đắp cao bờ đá lở, chia sẻ hạt giống Thu - Đông, Đông - Xuân đã được đồng bào chuẩn bị đất kỹ càng và hy vọng một mùa bội thu lại về với Cao nguyên đá.

Những bungalow biểu tượng trống đồng Lô Lô của một hộ kinh doanh dịch vụ du lịch tại thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn). Ảnh: TRẦN CHƯƠNG (Hà Nội)
Những ngày áp Tết rét dữ. Chỉ có thể là những chậu than củi mới đủ sức ấm nóng xua tan lạnh giá, khi vùng cao đang trong cữ đại hàn, ngoài trời gió không ngừng thổi, những giọt sương tí tách rơi ngoài thềm đều đều buốt giá… Người già rì rầm, khề khà bên bát rượu ngô thơm phức, bàn những câu chuyện về tương lai, đầu tư cho con em học tập, phát triển làng nghề, làm du lịch có bài bản, tăng nguồn thu cho dân…
Ai đã lên Đồng Văn một lần và may mắn đến được Lũng Cú, sự kỳ vĩ ấy thật khó tả lắm, khó đến mức những nhà nhiếp ảnh phải liên tiếp dừng xe để chụp hình dù đó là ruộng bậc thang, hay những ngôi nhà của người Mông chênh vênh bên vách núi, hoặc đó là ngút ngàn rừng đá, hay sắc màu khăn áo lộng lẫy của thiếu nữ Lô Lô trên đường xuống chợ.
Chúng tôi tạt vào ngôi làng Lô Lô Chải, gặp người phụ nữ gùi con trẻ trên lưng, cho cỏ vào từng máng gỗ. Từ trong các ngăn chuồng, một đàn bò béo mập với những chiếc yếm rung rinh thò hết cổ ra máng, từng chiếc chuông nhỏ kêu leng keng thật vui tai, tôi nhẩm đếm đúng 10 con, qua câu chuyện tôi biết đây là một trong những gia đình khá giả của thôn. Chị mời chúng tôi uống rượu, theo phép lịch sự chúng tôi không từ chối, bởi công việc còn nhiều chúng tôi phải sang những thôn bản khác, không trò chuyện lâu với gia đình được

Cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Lũng Cú tuần tra bảo vệ biên cương. Ảnh: pv
Trở lại Lũng Cú lần này tôi thực sự bất ngờ, ngạc nhiên trước diện mạo mới của vùng đất địa đầu Tổ quốc - Một sự đổi thay như mơ… Có lẽ bắt đầu từ Lũng Cú đạt chuẩn NTM. Đây cũng là xã đầu tiên của huyện Đồng Văn đạt tiêu chuẩn NTM. Kết cấu hạ tầng được đầu tư. Đường từ huyện vào trung tâm xã được mở rộng 7m, 87% đường liên thôn bản được bê tông hóa, trường học được đầu tư, xây dựng mới, khang trang sạch đẹp, đáp ứng tốt việc dạy và học, 9/9 thôn bản có nhà văn hóa khang trang. Thu nhập bình quân đầu người đạt 36 triệu đồng/năm, tỷ lệ đói nghèo còn 12%, xã không còn hộ ở nhà tạm… Tôi có người bạn làm kinh tế rất khá, khi nhắc lại con số đói nghèo của Lũng Cú, ông ao ước sang năm trở lại, con số đói nghèo của Lũng Cú bằng không, câu nói ấy thật độc đáo, ấm lòng và làm sóng sánh biết bao ly rượu...
Xã Lũng Cú tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, từng bước xây dựng xã nông thôn kiểu mẫu, hỗ trợ khuyến khích phát triển, nhân rộng các mô hình kinh tế có hiệu quả, để nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Bổ sung cơ cấu, cây trồng vật nuôi có lợi thế, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, vận động nhân dân phát huy, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, thống nhất, chung sức đồng lòng của người dân, để xây dựng Lũng Cú phát triển về mọi mặt. Hoạt động văn hóa tinh thần, nếp sống văn minh ngày càng được quan tâm đã mang lại những đổi thay đáng kể ở nơi đây. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn ổn định, nhất là khi Lũng Cú có trên 16km đường biên giới. Nhận thức được điều đó, xã thường xuyên tổ chức các buổi tuyên truyền, nhắc nhở người dân không vượt biên trái phép; đồng thời tổ chức ba lực lượng Công an, Biên phòng, Quân sự phối hợp tuần tra, bảo vệ các cột mốc biên giới.

Phụ nữ dân tộc Mông làng Thèn Pả, xã Lũng Cú (Đồng Văn). Ảnh: MINH TY
Chợ Lũng Cú họp vào ngày Mùi, ngày Sửu (một tháng có 6 phiên), rất đông vui, có nhiều mặt hàng nông sản, gia cầm sạch, tươi ngon được người dân bản địa đem ra chợ bày bán rất có giá trị. Tôi dạo một vòng trên cánh đồng Thèn Pả, dưới chân núi Rồng, nơi tổ chức họp chợ, gặp một số người dân Trung Quốc sang chơi chợ và thăm thân, họ cũng ăn thắng cố, uống rượu ngô, mua một số mặt hàng của ta, nói cười rôm rả… Khoảng 10 giờ đông nhất là hàng thắng cố, thanh niên, ông, bà già nâng bát rượu trên tay với bát thắng cố thơm phức, họ uống đến say rồi thổi khèn và múa hát. Lúc trở ra qua trạm Biên phòng tiền tiêu, qua phiên chợ Lũng Cú lần này tôi biết sức mua của dân đã khá lên nhiều lắm, tương lai ấm no, hạnh phúc đang đến với đồng bào vùng cao là có thực.
Tôi qua đôi mắt Rồng lên thẳng Séo Lủng, dưới kia là cánh đồng Thèn Ván vừa qua mùa hoa Tam giác mạch, đồng bào đang cày xới để vào vụ ngô Xuân - Hè. Con đường lên Séo Lủng xe du lịch lên thoải mái, có cả một bãi đỗ xe rộng rãi. Séo Lủng còn dựng mới một số đài Vọng cảnh cho khách tham quan nghỉ chân, nhìn ngắm đầu nguồn Nho Quế chảy vào đất Việt.
Hoa Lê, hoa Mận đã nở trắng ngần, hoa Đào đã chi chít nụ hồng, đỉnh núi Rồng tung bay lá cờ Tổ quốc rạo rực trong gió. Tôi biết mùa Xuân đang về trên một vùng biên cương Tổ quốc!
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202501/lung-cu-mua-xuan-nay-e3b08a9/