Lúng túng chọn môn tổ hợp lớp 10 theo chương trình mới
Hạn cuối phải chốt chọn môn tổ hợp lớp 10 là ngày 20/8 nhưng nhiều học sinh, phụ huynh vẫn đang cân nhắc tính toán để tìm phương án phù hợp nhất.
Việc phải chọn tổ hợp môn học trong ngay đầu năm lớp 10 và không được thay đổi trong khi chưa được định hướng nghề nghiệp, chưa biết kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học sau ba năm nữa sẽ như thế nào đang khiến nhiều học sinh, phụ huynh bối rối.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc lựa chọn sẽ phải hoàn tất vào ngày 20/8.
Cân não chọn môn tổ hợp
Trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai ở lớp năm học 2022-2023 tới, giáo dục cơ bản kết thúc ở lớp 9, bậc trung học phổ thông là giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Theo đó, học sinh sẽ không phải học tất cả các môn như hiện nay mà chỉ còn 8 môn bắt buộc và lựa chọn thêm một tổ hợp môn học.
Cụ thể, các môn bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Giáo dục của địa phương và Lịch sử.
Các môn học lựa chọn gồm ba nhóm môn, gồm: Nhóm môn khoa học xã hội gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm môn khoa học tự nhiên gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm môn công nghệ và nghệ thuật gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật). Học sinh chọn tổ hợp 5 môn học từ 3 nhóm môn học trên, mỗi nhóm chọn ít nhất 1 môn học.
Chương trình mới đã giảm bớt các môn học không cần thiết để học sinh có thể tập trung cho các môn thi đại học nhưng để đưa ra lựa chọn cũng là điều "cân não" với em Nguyễn Thùy Trang, học sinh Trường Trung học phổ thông Việt Đức. "Em đang băn khoăn chọn môn ban tự nhiên hay ban xã hội," Trang chia sẻ.
Giống như Trang, em Dương Tuấn Minh, học sinh Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội cũng cân nhắc tính toán: “Chương trình rất mới với nhiều môn lạ nên em không biết chọn như thế nào cho hợp lý, nhất là khi trong lúc học nếu yếu vài môn sẽ rất khó đổi.”
Tổ hợp môn học nào cũng là bài toán khó với các phụ huynh khi tư vấn cho con. Chị Nguyễn Thúy Thêu, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho hay gia đình phải tìm hiểu rất nhiều đồng thời nhờ sự tư vấn của thầy cô giáo để chọn môn vừa phù hợp với sức học vừa hướng đến chọn ngành theo mong muốn nguyện vọng và sở thích của con.
"Được chọn môn giảm tải rất nhiều cho học sinh nhưng tôi cũng rất băn khoăn việc không được đổi trong quá trình học, hoặc muốn đổi lại phải đi học thêm bổ sung kiến thức nên phức tạp hơn," chị Thêu chia sẻ.
Cần sớm hướng dẫn
Là người sát sao tư vấn cho các học sinh, cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Yên Hòa cho hay, rất nhiều học sinh lúng túng khi được được hỏi về định hướng nghề nghiệp và lựa chọn tổ hợp môn học.
"Việc tư vấn hướng nghiệp ở bậc trung học cơ sở chưa nhiều. Các con mông lung chưa rõ thích môn gì. Khi phải hình thành suy nghĩ chọn ngành, chọn trường thì trên mặt các con hiện rõ sự lúng túng, ngơ ngác. Nhưng khó thì cũng phải làm để sau này các con thuận lợi hơn," cô Nhiếp chia sẻ.
Cô Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội cho hay do đây là năm đầu tiên triển khai chọn môn nên nhiều phụ huynh và phụ huynh chưa định hướng được.
“Quan trọng hơn là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có định hướng cách tuyển sinh đại học để các em nhìn vào đó để lựa chọn khối cho mình,” cô Quỳnh nói.
Cùng quan tâm đến vấn đề này, chị Hoàng Anh, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho hay do là năm đầu tiên triển khai nên trường trung học cơ sở hầu như chưa hướng nghiệp cho học sinh nhưng khi lên lớp 10, các con lại phải chọn môn ngay. Bên cạnh đó, việc học sinh chọn môn tổ hợp nào ngoài sở thích của con còn liên quan chặt chẽ đến việc lứa học sinh này sẽ thi tốt nghiệp như thế nào, sẽ tuyển sinh đại học ra sao? Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định năm 2025 kỳ thi sẽ thay đổi nhưng chưa nói rõ thay đổi như thế nào.
“Chưa được định hướng nghề, chưa biết ‘đầu ra’ như thế nào đã phải chọn môn, chẳng khác gì chưa đo chân đã bắt đóng giày,” chị Hoàng Anh thẳng thắn.
Theo đó, chị Hoàng Anh cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố cách thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học theo chương trình mới.
Đây cũng là kiến nghị của lãnh đạo các trường trung học phổ thông. “Chúng tôi mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố lộ trình cách thức kiểm tra đánh giá để trường có định hướng nhằm đạt hiệu quả giáo dục tốt nhất,” thầy Nguyễn Quý Xuân, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Phúc Lợi, Hà Nội nói./.