Lúng túng khi 'chuyển đổi xanh'

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, việc thực hiện các giải pháp 'chuyển đổi xanh' còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn với các doanh nghiệp

Lúng túng khi “chuyển đổi xanh”

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển bền vững của toàn cầu, việc chuyển đổi xanh và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 không chỉ là cam kết quốc gia mà còn là trách nhiệm của mỗi địa phương.

Tại Hội nghị “Chuyển đổi xanh - nhận thức và hành động vì một tương lai Vĩnh Phúc phát triển bền vững” diễn ra vào ngày 23/11, ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Sau gần 30 năm tái lập, kinh tế của tỉnh đã có sự phát triển mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, trung bình đạt 13,8%/năm trong giai đoạn 1997-2022.

 Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. (ẢNh: VP)

Ông Trần Duy Đông, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc. (ẢNh: VP)

Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế của Vĩnh Phúc năm 2023 là 158,1 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 14 toàn quốc; thu ngân sách nhà nước đứng thứ 10/63 tỉnh thành. GRDP bình quân đầu người đạt 5.400 USD, đứng thứ 9/63 tỉnh thành phố trong cả nước.

Tuy nhiên, hiện nay, Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu; thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất được triển khai ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có liên quan tới các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng…

“Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức có liên quan tới môi trường, biến đổi khí hậu; thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất được triển khai ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp có liên quan tới các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng”, ông Trần Duy Đông nói.

Trên thực tế, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã đưa ra một số giải pháp để thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực xanh.

Ví dụ, tỉnh đã rà soát, sắp xếp lại quy hoạch khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chọn lọc trong thu hút đầu tư cùng với định hướng thu hút FDI xanh, chủ động hạn chế một số dự án gây ô nhiễm môi trường trong lĩnh vực sản xuất da, cao su, dệt nhuộm, giấy và không chấp thuận các dự án có tính chất sản xuất ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Tỉnh Vĩnh Phúc tập trung đồng hành cùng các doanh nghiệp đầu chuỗi, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo để đưa ra các giải pháp phát triển xanh bền vững, hỗ trợ dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc định hướng dự án trở thành cảng cạn đạt mức phát thải ròng bằng 0 đầu tiên của châu Á vào năm 2040.

“Tuy nhiên, trên thực tế việc thực hiện các giải pháp “chuyển đổi xanh” còn gặp nhiều khó khăn, lúng túng không chỉ đối với các cơ quan nhà nước mà còn với các doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói.

Tỉnh Vĩnh Phúc cần có nguồn lực tài chính bền vững

Kiến nghị về các giải pháp chuyển đổi xanh, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra 7 giải pháp

Thứ nhất, Vĩnh Phúc có thể lồng ghép chuyển đổi xanh vào chiến lược và quy hoạch tỉnh. Trong đó, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh việc tỉnh Vĩnh Phúc cần tích hợp mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch đô thị.

 Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: CP)

Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: CP)

“Chúng ta cần xây dựng các khu đô thị sinh thái, các vùng nông nghiệp hữu cơ kết hợp năng lượng tái tạo, và tăng cường diện tích cây xanh đô thị. Quy hoạch phát triển công nghiệp cũng cần áp dụng tiêu chí xanh hóa, khuyến khích doanh nghiệp giảm phát thải và sử dụng năng lượng sạch”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, Vĩnh Phúc cần đẩy mạnh thực hiện Đề án Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo hướng ưu tiên phát triển các ngành kinh tế ít phát thải, tận dụng tiềm năng về năng lượng mặt trời và năng lượng gió.

Thứ hai, Vĩnh Phúc có thể tận dụng các lợi thế địa phương để phát triển năng lượng tái tạo. Ví dụ, điện mặt trời áp mái là giải pháp khả thi cho các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất và hộ gia đình. Tỉnh cần xây dựng cơ chế hỗ trợ đầu tư, như trợ giá hoặc giảm thuế cho các dự án năng lượng sạch.

Cùng với đó, tỉnh nên khuyến khích các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, tiết kiệm năng lượng, đồng thời phát triển hệ thống giao thông công cộng sử dụng năng lượng tái tạo.

Thứ ba, Vĩnh Phúc, với vai trò là một trung tâm công nghiệp, cần thúc đẩy mô hình khu công nghiệp sinh thái. Các khu công nghiệp như Bình Xuyên hoặc Phúc Yên có thể trở thành hình mẫu trong việc áp dụng kinh tế tuần hoàn: sử dụng chất thải của một doanh nghiệp làm nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp khác.

Đồng thời, tỉnh nên xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp áp dụng công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải, và ưu tiên các ngành công nghiệp giá trị cao, ít ô nhiễm như công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm.

Thứ tư, để thực hiện các chương trình chuyển đổi xanh, tỉnh Vĩnh Phúc cần có nguồn lực tài chính bền vững. Một giải pháp quan trọng là huy động vốn từ thị trường tín chỉ carbon thông qua việc tham gia các dự án giảm phát thải được quốc tế công nhận.

Ngoài ra, tỉnh có thể thu hút các khoản tài trợ từ các quỹ khí hậu quốc tế như Quỹ Khí hậu Xanh (GCF) hoặc kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) trong các dự án năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh.

Thứ năm, quản lý môi trường cần trở thành trọng tâm trong công tác quản trị địa phương. Tỉnh cần áp dụng các giải pháp giám sát khí thải từ các khu công nghiệp và hệ thống giao thông.

Đồng thời, Vĩnh Phúc cần triển khai các chương trình phục hồi hệ sinh thái, trồng rừng và bảo vệ các khu bảo tồn tự nhiên, vừa giảm phát thải, vừa cải thiện chất lượng không khí.

Thứ sáu, Vĩnh Phúc không thể đạt mục tiêu Net-zero nếu hành động một cách riêng lẻ. Do đó, tỉnh cần hợp tác chặt chẽ với các tỉnh lân cận trong quy hoạch vùng, xây dựng hạ tầng chung và chia sẻ các mô hình tốt về chuyển đổi xanh. Các khu vực liền kề Hà Nội cần có chính sách liên kết trong phát triển đô thị xanh và giao thông bền vững.

Cuối cùng, yếu tố con người là nền tảng. Vĩnh Phúc cần đào tạo đội ngũ cán bộ có kiến thức và kỹ năng trong quản lý chuyển đổi xanh, đồng thời tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về vai trò của họ trong giảm phát thải.

“Với những định hướng quản trị hiệu quả, sự chung sức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện thành công mục tiêu phát thải ròng bằng 0, góp phần xây dựng một tương lai xanh cho tỉnh nhà và đất nước”, ông Dũng nói.

Định Trần

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lung-tung-khi-chuyen-doi-xanh-post322589.html