'Lười' xét nghiệm COVID-19 gây khó khăn cho việc lần dấu dịch
Tình trạng xét nghiệm COVID-19 giảm mạnh trên toàn cầu đang khiến các nhà khoa học gặp nhiều khó khăn trong việc theo dõi diễn biến của đại dịch và phát hiện ra những biến thể mới đáng lo ngại khi chúng xuất hiện và lây lan.
Hãng thông tấn AP (Mỹ) dẫn lời các chuyên gia cho biết xét nghiệm COVID-19 đã giảm từ 70-90% trên toàn thế giới trong quý một và quý hai năm nay.
Theo dữ liệu do Đại học Johns Hopkins tổng hợp, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày tại Mỹ đạt trung bình 73.633 trường hợp, tăng hơn 40% trong hai tuần qua. Nhưng đó là một con số thiếu sót lớn vì thực tế là việc xét nghiệm COVID-19 đang được thực hiện ở nhà và không được báo cáo cho các sở y tế. Đại học Washington (Mỹ) ước tính rằng chỉ có 13% trường hợp báo cáo lên cơ quan y tế tại Mỹ.
Bà Mara Aspinall tại công ty tư vấn chuyên theo dõi xu hướng xét nghiệm COVID-19 tại Arizona (Mỹ) cho biết “chúng tôi đang nhận được gần như không dữ liệu nào từ các xét nghiệm COVID-19 tại nhà”.
Tình trạng sụt giảm xét nghiệm COVID-19 xuất hiện trên toàn cầu nhưng đặc biệt rõ ràng ở các nước đang phát triển. Theo tổ chức y tế công cộng phi lợi nhuận FIND (Thụy Sĩ), số lượng xét nghiệm trên 1.000 người ở các nước thu nhập cao nhiều hơn gấp 96 lần so với các nước thu nhập thấp.
Các chuyên gia cho rằng điều dẫn đến tình trạng này là số ca mắc "tạm lắng" sau làn sóng dịch đầu tiên của biến thể Omicron và người dân ở các quốc gia thu nhập thấp cho rằng không có lý do gì để xét nghiệm bởi họ không thể tiếp cận với thuốc kháng virus.
CEO của FIND-ông Bill Rodriguez trong một cuộc họp báo gần đây miêu tả xét nghiệm COVID-19 là “nạn nhân đầu tiên của quyết định trên toàn cầu trong mất cảnh giác”. Việc xét nghiệm, xác định trình tự gene và nghiên cứu các đợt bùng phát có thể dẫn đến việc phát hiện ra các biến thể mới. Một ví dụ là các quan chức y tế bang New York (Mỹ) đã phát hiện biến thể BA.2.12.1 siêu lây nhiễm sau khi điều tra tỷ lệ ca mắc cao hơn mức trung bình ở khu vực trung tâm của bang.
Việc xét nghiệm COVID-19 tại nhà khá thuận tiện và chỉ những xét nghiệm được gửi đến phòng thí nghiệm có thể được sử dụng để phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Do đó, nếu có ít xét nghiệm được thực hiện và số xét nghiệm trong phòng thí nghiệm giảm đi thì số mẫu dương tính để giải trình tự gene cũng ít đi.
Một ví dụ điển hình là cô Reva Seville (36 tuổi) sống tại Los Angeles, trong tháng 5, cô đã xét nghiệm COVID-19 tại nhà sau khi có các triệu chứng như ngứa cổ họng, ho. Sau khi xét nghiệm có kết quả dương tính, cô xét nghiệm thêm 2 lần nữa để đảm bảo. Nhưng do các triệu chứng khá nhẹ nên cô không thông báo với bác sĩ hoặc bất cứ ai.
Từ những trường hợp như vậy, bà Mara Aspinall cho biết một giải pháp tiềm năng là sử dụng công nghệ như quét mã QR để báo cáo kết quả xét nghiệm tại nhà.
Theo các chuyên gia, một cách khác để theo dõi đại dịch tốt hơn là tăng cường các hình thức giám sát khác như theo dõi nước thải và thu thập dữ liệu về các trường hợp nhập viện. Tuy nhiên, các phương pháp này có những mặt hạn chế riêng. Việc giám sát nước thải không thể bao quát tất cả các khu vực và xu hướng nhập viện không còn phản ánh đúng thực trạng số lượng các ca bệnh.
Tiến sĩ Krishna Udayakumar tại Trung tâm Đổi mới sức khỏe toàn cầu Duke thuộc Đại học Duke (Mỹ) cho rằng cần có biện pháp để đẩy mạnh xét nghiệm COVID-19 tại các quốc gia thu nhập thấp. Ông Wadzanayi Muchenje tại Quỹ The Rockefeller (Mỹ) nhận định một trong những cách tốt nhất để tăng cường xét nghiệm là liên kết quá trình này với các dịch vụ y tế đang hiện hành.
Ông Georges Benjamin tại Hiệp hội Y tế Công cộng Mỹ đánh giá sẽ có thời điểm khi thế giới ngừng xét nghiệm COVID-19 diện rộng nhưng chưa phải là lúc này. Theo ông, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn lây lan và virus SARS-CoV-2 vẫn khó đoán định. Ông Georges Benjamin nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận việc chúng ta chỉ lo lắng cho sức khỏe cá nhân, cần phải quan tâm cho cả cộng đồng”.