Lương cơ sở tăng lên 1,8 triệu đồng/tháng: Nỗi lo giá cả leo thang
Sau nhiều lần đề xuất, trì hoãn, cuối cùng, mức lương cơ sở cho công chức, viên chức, lực lượng vũ trang khu vực công tăng từ ngày 1/7. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui cũng kèm theo nỗi lo về việc lương tăng không theo kịp mức tăng của giá cả hàng hóa.
Chính thức từ ngày 1/7, áp dụng mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng/tháng đối với 9 nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang. Lần đầu tiên, mức lương cơ sở được tăng cao nhất sau 12 lần điều chỉnh, mức tăng tuyệt đối lên tới 310.000 đồng, tăng 20,8%.
Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Chính sách Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, điều chỉnh tăng tiền lương góp phần động viên, khuyến khích năng suất làm việc, đảm bảo thu nhập cho cán bộ, viên chức, khắc phục phần nào tình trạng nghỉ việc, chuyển việc thời gian qua.
“Đây là tín hiệu mừng. Vì chúng ta điều chỉnh mức lương cơ sở sau 3 năm chúng ta chưa điều chỉnh. Bây giờ điều chỉnh cũng là cải thiện một phần đời sống của cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang, tạo động lực tốt để người lao động và người hưởng lương cải thiện điều kiện và có lao động năng suất chất lượng, hiệu quả cao hơn”, ông Quảng cho biết.
Trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, tình hình giá cả tăng cao nhưng xuống chậm như hiện nay, việc tăng lương trong thời điểm này là niềm vui với rất nhiều người chỉ trông chờ vào đồng lương, qua đó ít nhiều cũng có thêm chi phí trang trải cuộc sống.
Tuy nhiên, nhiều người cũng lo lắng giá cả thị trường cũng vì thế mà tăng theo, thiết lập một mặt bằng giá mới:
"Vấn đề tăng lương là để tăng mức sống cho công nhân viên chức, để họ có trách nhiệm với công việc của mình hơn".
"Thị trường giá cả giờ cái gì cũng lên. Hồi trước ăn tô phở 25 ngàn đồng nay lên 45, 50 ngàn đồng, mỗi ngày mỗi khác nên lên 1 đồng mừng 1 đồng".
"Mình rất vui vì sau 3 năm rồi mới được tăng lương. Nhưng cũng thấy lo, tại vì những chi phí sinh hoạt hằng ngày cũng sẽ tăng, phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cũng sẽ tăng, cho nên mức như vậy cũng không đủ cho sinh hoạt".
Lo lắng của người dân là có cở sở, bởi thực tế đã qua nhiều lần nhà nước điều chỉnh chính sách tăng lương nhưng đời sống của cán bộ, công chức vẫn chưa được cải thiện là bao. Vì trước khi tăng lương, giá các mặt hàng đã “đón đầu” tăng trước đó cả tháng và rất khó xuống trở lại. Không chỉ vậy, lương tăng đồng nghĩa với tăng mức đóng bảo hiểm xã hội, cũng như các mức phí khác như học phí, điện nước.
Theo nhận định của Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, việc tăng lương chủ yếu cho 9 nhóm đối tượng, chứ không phải tất cả người lao động, vì thế mức tăng rất nhỏ so với mức tăng hàng hóa. Bên cạnh đó, để đảm bảo ý nghĩa của việc tăng lương, nhà nước cũng cần kiểm soát chặt về giá.
"Nguy hiểm nhất mà nhiều năm trước chúng ta thấy là một số doanh nghiệp và hộ gia đình, hộ kinh doanh lợi dụng "té nước theo mưa" tăng hàng hóa theo một cách quá mức; dẫn đến việc tăng lương không còn ý nghĩa nữa. Cho nên việc kiểm tra, giám sát, quản lý thị trường trở thành vấn đề rất quan trọng mà các nhà quản lý cũng như Tổng cục quản lý thị trường, cục quản lý giá, các địa phương cần quan tâm vào cuộc", Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Để người lao động phần nào yên tâm, Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh cho biết thêm, tăng lương đợt này nhà nước ban hành đi kèm với việc giảm thuế giá trị gia tăng 2%, cũng như 36 loại phí, lệ phí, phí trước bạ ô tô sản xuất kinh doanh trong nước nên cũng làm giảm mức tăng của giá trị hàng hóa.
Đồng quan điểm với Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê nhận định, nhà nước cũng đã triển khai nhiều giải pháp để bình ổn giá, đảm bảo mức an sinh cho người lao động.
"Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%. Vấn đề nguồn cung hàng hóa hiện nay đảm bảo rất tốt đối với nguyên liệu các hàng hóa thiết yếu cho đời sống của người dân, cho nên là chúng tôi đánh giá việc tăng lương sẽ kéo theo giá cả hàng hóa tăng lên nhưng mà không có sự tăng lên một cách đột biến. Và trong thời gian vừa qua chúng ta nhìn nhận sự chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ thì chúng tôi cũng tin rằng sẽ không xảy ra tình trạng giá cả hàng hóa, dịch vụ sẽ tăng quá cao", bà Nguyễn Thu Oanh cho biết.
Mục tiêu của việc tăng lương cơ sở là tăng thu nhập, nâng cao đời sống để cán bộ, viên chức yên tâm làm việc, cống hiến và gắn bó với cơ quan đơn vị, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Để giữ được mục tiêu này, nhà nước cần có những biện pháp giám sát chặt chẽ trong thực thi các chính sách, hạn chế tình trạng lợi dụng tăng giá, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
“Không để lương tăng thì giá cũng tăng”.
Việc tăng lương cơ sở lên mức 1,8 triệu đồng từ ngày 1/7 là một chỉ dấu tích cực trong vấn đề cải cách tiền lương của Nhà nước sau nhiều nỗ lực trong suốt thời gian dài vừa qua. Đó là tín hiệu vui khi hiện nay, hầu hết người làm công ăn lương trong khu vực công đều chật vật khó khăn. Dù với mức lương cơ sở này, nhân với hệ số 2/34 thì một cử nhân, kỹ sư ra trường, được tuyển dụng vào biên chế nhà nước cũng chỉ trên dưới 4 triệu đồng mỗi tháng.
Ở nông thôn, nhu cầu tiêu dùng không cao, không bị sức ép về đi lại, có thể sống theo kiểu "tự cung tự cấp", tăng gia để cải thiện thì có thể còn bớt khó khăn. Ngược lại, cán bộ nhân viên, người lao động sống ở thành thị, nhu cầu đi lại tăng cao, chi phí học hành, ăn uống đắt đỏ, mọi thứ đều phải mua bán thì đồng lương dù có tăng như lần này cũng chưa thấm tháp là bao. Nhiều người trẻ, có trình độ vì vậy đã không đủ kiên nhẫn chờ đợi buộc phải rời khu vực nhà nước ra làm tư.
Việc tăng lương cơ sở thực ra cũng không hề đơn giản khi ngân sách nhà nước không phải lúc nào cũng ổn định, nói tăng là tăng mà phải tăng theo lộ trình, giai đoạn. Nói một cách nôm nay, Nhà nước cũng phải "thắt lưng buộc bụng" ở nhiều khoản chi khác mới có đủ tiền để tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức người lao động trong khu vực công; vì đội ngũ này từ trung ương đến cơ sở còn rất đông;việc giảm biên chế những người chưa làm được việc để dành ngân sách cho tăng lương thực tế là chưa đáng kể.
Ngân sách nhà nước vẫn phải "cõng" nhiều lao động đáng ra là dôi dư và cho nghỉ từ lâu; đây là một sự thật. Câu chuyện đáng bàn ở đây là việc tăng lương cơ sở lần này, dù sao cũng tạo” cú hích” cho đội ngũ người lao động trong khu vực công có động lực cống hiến và làm việc.
Với mức lương cơ sở tăng, nhân với hệ số thâm niên, nhiều người cũng có thêm một khoản thu kha khá từ đồng lương chính đáng của mình để lo trang trải cuộc sống gia đình, con cái học hành, sinh hoạt hàng ngày. Họ cũng bớt một phần lo toan bởi cuộc sống khó khăn của đời sống công nhân viên chức nghèo, nhất là giáo viên, điều dưỡng hay nhân viên ở làm việc trong chính quyền cấp cơ sở, huyện xã; tổ chức đoàn thể; kể cả hạ sỹ quan.
Vấn đề lúc này là việc tăng lương cơ sở vừa tăng có thể cũng sẽ kéo theo các đợt tăng giá hàng loạt các mặt hàng; trong đó nhất là các mặt hàng thiết yếu như điện nước, xăng dầu, lương thực thực phẩm,hàng tiêu dùng.
Đây rõ ràng là hành vi trục lợi của một số cá nhân, "té nước theo mưa", lợi dụng chính sách để làm giá, tăng giá. Có những đợt trước đây vừa tăng lương xong thì các mặt hàng từ mớ rau, con cá đến áo quần, vé tàu xe cũng tăng theo. Người làm công ăn lương khi đó đã ngao ngán vì lương tăng không theo kịp hàng hóa tăng.
Hiện nay, dù theo cơ chế thị trường rõ ràng, không dễ gì muốn tăng là tăng nhưng cũng cần cơ quan quản lý, nhất là ngành công thương và quản lý thị trường các địa phương cũng phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ để đảm bảo giá cả các mặt hàng luôn bình ổn; không xáo trộn về giá. Nếu tổ chức cá nhân nào cố tình nâng giá, thổi giá phải bị lên án và xử lý.
Nhất là trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như hiện nay, việc tăng giá, nâng giá hàng hóa không chỉ ảnh hưởng đến cán bộ công nhân viên chức mà cả những người lao động, công nhân ở các khu vực ngoài nhà nước.
Rõ ràng chăm lo cho đội ngũ cán bộ công nhân viên chức sống bằng lương đang là mục tiêu đặt ra trong quản trị hệ thống của nhà nước ta. Chỉ khi họ có cuộc sống ổn định nhất là khá về thu nhập, năng lực cống hiến vì công việc chung, việc của dân và doanh nghiệp mới được toàn tâm toàn ý.
Đây là mục tiêu phấn đấu; việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng lần này cũng nhằm mục đích hướng tới điều này. Giúp đội ngũ cán bộ công nhân viên chức người lao động đầu tư nhiều hơn cho công việc được giao; góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; kiến tạo và xây dựng công cuộc đổi mới của địa phương, đất nước, đơn vị ngày càng phát triển.