Lương giáo viên hợp đồng 'nằm ngoài' Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, sẽ không công bằng khi một số nơi, giáo viên hợp đồng chỉ được 70-80% lương so với giáo viên chính thức, trong khi khối lượng công việc như nhau.
Sáng 11-7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ chín.

Quang cảnh họp báo sáng 11-7. Ảnh: MH
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật gồm: Luật Nhà giáo, Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước.
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànôịmới liên quan đến tiền lương của giáo viên là lao động hợp đồng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giáo viên hợp đồng phải thực hiện theo hợp đồng với người sử dụng lao động.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thưởng cho biết, khi Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ là một trong những căn cứ để giáo viên hợp đồng và người sử dụng lao động thỏa thuận, bảo đảm quyền lợi của giáo viên có cơ hội được đóng góp tương xứng với công sức, lao động, trí tuệ và tâm huyết của mình.
“Hiện nay, một số nơi hợp đồng giáo viên theo thỏa thuận chỉ được 70-80% so với giáo viên chính thức. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng vẫn phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Quả thực như vậy là không công bằng”, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nói.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng trả lời tại họp báo. Ảnh: MH
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo không cấm việc dạy thêm, học thêm, mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định với những nội dung rất cụ thể để bảo đảm quyền lợi của học sinh, bảo đảm sự trong sáng của giáo viên.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Luật Nhà giáo quy định "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương "xếp cao nhất".
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để bảo đảm có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết.
Dự kiến, Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo (như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV...) để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.