'Luồng gió mới' ở ngôi trường vùng khó xứ Thanh

Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm học 2023-2024, có 14 học sinh đoạt giải, đã mang một 'luồng gió mới' về cho Trường THPT Lang Chánh (Thanh Hóa).

Trường THPT Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TL)

Trường THPT Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa. (Ảnh: TL)

Lang Chánh là huyện vùng cao, giáp biên của tỉnh Thanh Hóa. Mặc dù là huyện nghèo, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng sự học của con em địa phương này đang ngày càng được quan tâm và nâng cao về chất lượng.

Tín hiệu đáng mừng

Trường THPT Lang Chánh (cách TP Thanh Hóa khoảng 100km về phía Tây), là ngôi trường THPT duy nhất của huyện. Vừa qua, ngôi trường đã có những thành tích rất đáng ghi nhận, khi lần đầu tiên có 14 học sinh (HS) đoạt giải cấp tỉnh, trong đó sau hơn một thập kỷ mới có HS đoạt giải môn Toán và Sinh học.

Thầy Nguyễn Mạnh Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, mặc dù đang là huyện nghèo, có xã giáp biên giới, điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, HS của nhà trường có chiều hướng ngày càng tăng về số lượng cũng như chất lượng dần được nâng cao.

Cũng theo hiệu trưởng nhà trường, năm học 2022-2023, em Trần Nguyễn Huyền Trân (lớp 11A1), là người dân tộc Mường đã đoạt giải Nhì môn Ngữ văn cấp tỉnh, mang vinh dự về cho bản thân, gia đình và nhà trường.

“Những nhân tố như HS Trần Nguyễn Huyền Trân và hàng chục học sinh đoạt giải cấp tỉnh đã mang về “luồng gió mới” cho nhà trường, thầy cô, bạn bè. Đó cũng là những tấm gương để HS toàn trường noi theo, cùng nhau phấn đấu vượt khó, vươn lên trong học tập”, thầy Tuấn tâm sự.

Trước đó, năm học 2021-2022, khi đang học lớp 10, nữ sinh Trần Nguyễn Huyền Trân cũng đã tham dự kỳ thi HSG môn Ngữ văn cấp tỉnh và giành được giải Khuyến khích.

Nữ sinh Huyền Trân cho rằng, kết quả đó là thử thách và áp lực rất lớn về kết quả của năm lớp 11. Nhưng đồng thời, cũng thúc đẩy em phải cố gắng thật nhiều để khẳng định bản thân và không phụ công sức của thầy, cô giáo, gia đình.

Lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT Lang Chánh. (Ảnh: NTCC)

Lễ khai giảng năm học mới của Trường THPT Lang Chánh. (Ảnh: NTCC)

“Khi hoàn thành xong bài thi cho tới lúc đối chiếu đáp án, em tự cảm nhận bài thi của mình ổn và khá hoàn chỉnh. Đối với em, để đạt được giải Nhì môn Ngữ Văn năm lớp 11, một phần nhờ vào may mắn. Đó là điều mà em đã dùng công sức, mồ hôi và cả niềm đam mê để giành được. Và, thành quả đó là do công lao của cô giáo đã dành sự nhiệt huyết, tận tình dìu dắt em”, Huyền Trân chia sẻ.

"Đối với chất lượng mũi nhọn, thi HSG cấp tỉnh các môn văn hóa, nhà trường đã giành được 14 giải. Trong đó có 3 giải Nhì, 2 giải Ba và 9 giải Khuyến khích. Đặc biệt, trong đội tuyển dự thi HSG của nhà trường, nhiều em có hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nhưng, với tinh thần hiếu học, chăm ngoan học tập và sự quan tâm, dìu dắt ân cần về mọi mặt của các thầy giáo, cô giáo trực tiếp giảng dạy, các em đã đạt được kết quả đáng ghi nhận và khích lệ", thầy Nguyễn Mạnh Tuấn.

Bước sang năm học 2023-2024, đội tuyển học sinh giỏi (HSG) cấp tỉnh của Trường THPT Lang Chánh đã có 14 giải. Trong đó, môn Lịch sử do cô giáo Nguyễn Thị Hà dìu dắt học trò, đã mang về 4 giải (1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích). Môn GDCD do cô giáo Trịnh Thị Lương đảm nhận ôn luyện cũng có 4 HS đoạt giải (2 giải Nhì, 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích).

Môn Địa lý, do cô giáo Trương Thị Lộc truyền đạt kiến thức cho học trò, có 2 HS đoạt giải (1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích). Môn Ngữ văn, do cô Lê Diệu Lan đảm nhiệm, có 2 HS đoạt giải Khuyến khích. Đặc biệt, trong hơn 1 thập kỷ qua, nhà trường chưa có giải các môn tự nhiên, nhưng năm học 2023-2024, nhà trường đã có 2 giải Toán và Sinh học.

“Mặc dù 2 giải môn tự nhiên chưa phải là cao, nhưng đó cũng là dấu mốc đáng ghi nhận tinh thần dạy và học của thầy, trò nhà trường. Thầy giáo Nguyễn Công Hiến - môn Toán, là người đã dìu dắt em Lê Sỹ Việt Anh (lớp 12A1) đoạt giải Khuyến Khích. Đây cũng là HS đoạt giải cấp tỉnh môn Toán của nhà trường sau hơn một thập kỷ qua. Còn cô giáo Hoàng Thị Yến - môn Sinh học, có em Trịnh Thị Oanh (lớp 11A1) cũng đoạt giải Khuyến khích”, thầy Tuấn thông tin.

Điều đáng nói, trong số các HS đoạt giải, nhiều em có hộ khẩu thường trú tại các thôn, bản khó khăn. Có 10 em là người dân tộc thiểu số, trong đó em Lê Thị Hòa (lớp 12A2) là người dân tộc Thái đoạt giải Nhì môn Lịch sử; em Dương Hà Phương Anh (lớp 12A1) đoạt giải Nhì môn GDCD; em Vi Hoài Nhi (lớp 12A3) đoạt giải Ba môn Địa lý...

Những lời tâm huyết của thầy cô

Thầy Nguyễn Công Hiến – giáo viên (GV) dạy Toán (chủ nhiệm lớp 12A1), là người đã dìu dắt em Lê Sỹ Việt Anh đoạt giải Khuyến Khích môn Toán, chia sẻ: “Việt Anh cũng là HS đoạt giải cấp tỉnh môn Toán của nhà trường sau hơn một thập kỷ qua. Bạn ấy là một HS ngoan, hiền lành, chăm chỉ, chịu khó và rất có ý thức tự giác trong học tập.

Mặc dù, bề ngoài của Việt Anh có vẻ ít nói, đôi khi còn hơi rụt rè, nhưng trong em lại có ý chí phấn đấu, một quyết tâm cao. Những lúc thầy, trò nghỉ giải lao khi ôn luyện, chúng tôi trò chuyện với nhau, thì mới biết, từ nhỏ em đã luôn mơ ước trở thành 1 thầy giáo dạy Toán. Có lẽ vì thế, mà Việt Anh luôn nỗ lực và cố gắng theo đuổi ước mơ của mình”.

Chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy môn Toán của mình, thầy Hiến cho hay, là GV dạy Toán, đồng thời cũng là GVCN lớp, thầy luôn quan tâm, gần gũi và động viên học trò của mình. Kiên trì, tận tình dạy dỗ HS từ dễ đến khó.

Thầy giáo Nguyễn Công Hiến và học sinh Lê Sỹ Việt Anh đang cùng nhau ôn luyện môn Toán. (Ảnh: TL)

Thầy giáo Nguyễn Công Hiến và học sinh Lê Sỹ Việt Anh đang cùng nhau ôn luyện môn Toán. (Ảnh: TL)

“Với những bài toán khó, trước hết tôi sẽ hướng dẫn HS phương pháp giải, sau đó để các em tự giải. Nếu HS chưa giải được, tôi sẽ hướng dẫn học trò từng bước một cho đến khi hiểu. Khi HS đã nắm chắc phương pháp giải, tôi sẽ cho luyện bài tập theo các dạng đề từ dễ đến khó, với mục đích rèn cho các em năng lực tư duy sáng tạo, đồng thời kiến thức sẽ được củng cố, mở rộng, hệ thống hơn”, thầy Hiến nói.

Thầy Hiến cũng cho rằng, đối với HS miền núi nói chung, HS Trường THPT Lang Chánh nói riêng, thì học môn Toán bao giờ cũng có sự khó khăn hơn học các môn xã hội. Vì vậy, GV phải luôn cố gắng tạo niềm vui, sự hứng thú và yêu thích môn Toán cho các em. Bên cạnh đó, phải động viên, khích lệ HS thường xuyên, kịp thời, để các em không chán nản trước những bài toán khó. Phải làm sao để giúp các em hào hứng tìm hiểu, khám phá các dạng bài tập từ dễ đến khó...

Cô Hoàng Thị Yến, là người đã dìu dắt nữ sinh Trịnh Thị Oanh (11A1) đoạt giải Khuyến khích môn Sinh học, nhận xét về học trò của mình, rằng: “Em Trịnh Thị Oanh có hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo ở thị trấn Lang Chánh. Bố em bị ốm đau liên miên, còn mẹ là lao động tự do. Mặc dù gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, song không vì thế mà Oanh chểnh mảng chuyện học hành”.

Theo cô Yến, những năm học trước, nhà trường không thể thành lập được đội tuyển HSG môn Sinh học, do số lượng HS học quá ít và chất lượng đầu vào kém. Năm học 2023 – 2024, Ban giám hiệu nhà trường yêu cầu phải thành lập được đội tuyển HSG môn Sinh học.

Cô giáo Hoàng Thị Yến và học sinh của mình ở trên lớp. (Ảnh: TL)

Cô giáo Hoàng Thị Yến và học sinh của mình ở trên lớp. (Ảnh: TL)

“Lúc bấy giờ, em Trịnh Thị Oanh đang học lớp 11, chưa thể cập nhật kịp kiến thức của chương trình 12, trong khi nhóm chuyên môn không thể tìm được nguồn từ HS khối 12. Tuy nhiên, bằng sự đam mê, nỗ lực và chăm chỉ, em Trịnh Thị Oanh đã cố gắng vượt qua mọi khó khăn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Dù là những ngày hè nóng nực, hay những đêm đông lạnh giá, mưa gió vẫn không ngăn được bước chân của Oanh đến trường”, cô Yến kể lại.

Theo cô Yến, để theo kịp được chương trình, thì HS và GV phải tranh thủ mọi thời gian, vì bên cạnh môn Sinh học, em còn phải dành thời gian để học các môn khối nữa. Có những thời điểm hai cô trò học từ 14h đến 19h, buổi tối học tiếp từ 20h đến 23h để có thể kịp với chương trình.

“Đội tuyển Sinh học chỉ có 1 HS thôi, nhiều lúc bạn ấy cũng dao động và tỏ vẻ nản chí. Bởi lẽ, nếu ôn đội tuyển, mà có số lượng HS nhiều, thì khi học cùng nhau các bạn ấy sẽ có điều kiện trao đổi bài tốt hơn. Vì vậy, trong các buổi ôn luyện, tôi đều phải đồng hành cùng học trò của mình. Tôi nói với em ấy rằng, hãy cứ trao đổi với cô như một người bạn. Có những điều cô cũng chưa biết như em vậy, khi đó cô trò chúng ta sẽ cùng tìm hiểu”, cô Yến bộc bạch.

Nữ giáo GV cũng cho rằng, cô luôn thầm cảm ơn học trò của mình, vì em đã luôn cố gắng, luôn vượt khó mỗi ngày. Kết quả của em đạt được, nếu đem so sánh với một số trường ở miền xuôi, có thể là rất bình thường. Tuy nhiên, đối với một nữ sinh nghèo ở huyện miền núi khó khăn như Lang Chánh, số lượng HS theo học các môn tự nhiên rất ít, đặc biệt là môn Sinh học, thì đó là niềm tự hào, là “luồng gió mới” với bộ môn Sinh học. Và hơn nữa, đó là một động lực rất to lớn, để giúp cô và trò có thể vươn đến những kết quả cao hơn.

"Năm học 2022-2023, tỷ lệ đậu tốt nghiệp 99,45% của nhà trường cao hơn 0.95% so với tỷ lệ chung toàn tỉnh và cao hơn 0.57% so với tỷ lệ chung của cả nước. Điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT là 6.01, tăng 10 bậc so với thứ hạng thi tuyển sinh đầu vào. Có 108 lượt học sinh có điểm thi đạt từ 9.0 trở lên, trong đó có 1 học sinh đạt điểm 10 (môn GDCD); 12 học sinh đạt từ 27 điểm trở lên/3 môn tổ hợp xét tuyển Đại học", thầy Nguyễn Mạnh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường.

Thế Lượng

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luong-gio-moi-o-ngoi-truong-vung-kho-xu-thanh-post687067.html