Lượng khí thải CO2 tăng trở lại do Trung Quốc, Ấn Độ và hàng không
Lượng khí thải CO2 trong không khí năm nay tăng 1,1% so với năm ngoái do ô nhiễm gia tăng từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo báo cáo của một nhóm nhà khoa học.
Thông tin trên được báo cáo hôm 5/12 tại COP28, nơi các quan chức toàn cầu đang cố gắng cắt giảm 43% lượng khí thải vào năm 2030. Theo Dự án Carbon toàn cầu, lượng CO2 đang tiếp tục gia tăng với 36,8 tỷ tấn khí thải trong không khí năm 2023, gấp đôi so với 40 năm trước.
“Bây giờ có vẻ như không thể tránh khỏi việc chúng ta sẽ vượt quá ngưỡng 1,5 độ C trong Thỏa thuận Paris, các nhà lãnh đạo họp tại COP28 sẽ phải đồng ý cắt giảm nhanh chóng lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch thậm chí để duy trì mức 2 độ C”, tác giả chính của nghiên cứu Pierre Friedlingstein từ Đại học Exeter cho biết.
Chủ tịch Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu Jim Skea cho biết, việc hạn chế Trái đất nóng lên ở mức 1,5 độ là “có thể thực hiện được” nhưng chỉ ở mức vừa phải và với điều kiện phải cắt giảm lượng khí thải lớn. Trong khi đó, ông Friedlingstein nói: “Rõ ràng là chúng ta đang không đi đúng hướng”.
Theo báo cáo, lượng khí thải CO2 thải vào khí quyển mỗi giây lên đến 1,17 triệu kg do tình trạng đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng.
Theo ông Friedlingstein, nếu không tính lượng khí thải từ Trung Quốc và Ấn Độ thì CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch và sản xuất xi măng trên thế giới sẽ giảm đáng kể.Lượng khí thải CO2 trên toàn cầu năm 2023 đã tăng lên 398 triệu tấn, chủ yếu đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và ngành hàng không.
Lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch của Trung Quốc đã tăng 458 triệu tấn so với năm ngoái, của Ấn Độ tăng 233 triệu tấn và lượng khí thải hàng không tăng 145 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng phát thải nhiên liệu hóa thạch trên thế giới (không tính Trung Quốc và Ấn Độ) đã giảm 419 triệu tấn, trong đó dẫn đầu là mức giảm 205 triệu tấn của châu Âu và mức giảm 154 triệu tấn ở Mỹ.
Báo cáo cho biết mức giảm 8% của châu Âu là do lượng khí thải từ than, dầu, khí đốt và xi măng giảm. Sự sụt giảm ở Mỹ chủ yếu do giảm đốt than, trong khi lượng khí thải dầu và khí đốt tăng nhẹ.
Năm 2022, lượng khí thải carbon trên thế giới tăng nhưng lại giảm ở Trung Quốc do ảnh hưởng của làn sóng hạn chế đại dịch Covid-19. Năm nay, mức phát thải tăng vọt 4% của Trung Quốc tương tự như mức phục hồi sau đại dịch của các khu vực khác trên thế giới vào năm 2022.
Giám đốc Chương trình Môi trường Liên hợp quốc Inger Andersen cho biết thế giới cần đạt mục tiêu phát thải nhiên liệu hóa thạch bằng 0 “càng nhanh càng tốt”, với các quốc gia phát triển đạt được mục tiêu này vào năm 2040, các quốc gia đang phát triển vào năm 2050 hoặc ít nhất là năm 2060.
Hoài Phương (theo AP)