Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ tăng mạnh trở lại vào năm 2021

Lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính của Mỹ tăng mạnh mẽ trở lại vào năm 2021, tăng khoảng 6,2% so với năm ngoái - khi nền kinh tế bị suy giảm do đại dịch.

Tuy nhiên, theo phân tích sơ bộ từ Rhodium Group, một công ty nghiên cứu và dữ liệu độc lập theo dõi lượng khí nhà kính, lượng khí thải vẫn thấp hơn khoảng 5% so với mức năm 2019.

Theo phân tích, Mỹ vẫn chưa đạt được các mục tiêu khí hậu cho năm 2025 và 2030, dựa trên dữ liệu kinh tế và năng lượng sơ bộ.

Ảnh minh họa: Yahoo

“Chúng tôi dự kiến lượng khí thải sẽ tăng trở lại. Điều đó không tự nó cho thấy rằng Mỹ đang đi chệch hướng trong việc đáp ứng các mục tiêu”, Kate Larsen, một đối tác tại Rhodium, người đã hỗ trợ phân tích cho biết. "Điều đáng lo ngại là lượng khí thải tăng trở lại nhanh hơn so với nền kinh tế nói chung".

Báo cáo cho biết nền kinh tế tăng trưởng khoảng 5,7% vào năm 2021, trích dẫn ước tính của Goldman Sachs về tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ.

Lượng phát thải năm 2021 tăng phần lớn do sự gia tăng sử dụng than để sản xuất điện, tăng khoảng 17%.

Larsen cho biết: “Sản xuất khí đốt tự nhiên đã bị gián đoạn vào năm ngoái nên than đá đã vượt trội so với khí đốt". Theo phân tích, đây là mức tăng sản lượng than hàng năm đầu tiên kể từ năm 2014.

Phân tích cho biết tổng lượng phát thải giao thông vận tải tăng khoảng 10% so với năm ngoái. Mặc dù việc sử dụng nhiên liệu máy bay phản lực vẫn dưới mức trước đại dịch, nhưng mức tiêu thụ dầu diesel đã tăng cao hơn so với trước đại dịch.

“Sự phục hồi mạnh nhất và phục hồi nhanh nhất đã diễn ra đối với hàng hóa. Đó là những chiếc xe tải chạy bằng động cơ diesel đến lấy hàng ở cảng và đưa đến các cửa hàng mua sắm, các nhà hàng ăn uống và vận chuyển các gói hàng đến tận nhà của bạn", Larsen nói.

Mục tiêu của Tổng thống Joe Biden là giảm lượng khí thải từ 50% - 52% so với mức năm 2005 vào năm 2030. Larsen cho biết quỹ đạo phát thải trước đại dịch phần lớn vẫn không thay đổi.

“Tôi nghĩ rằng có hy vọng vào thời điểm này khi mà đại dịch xuất hiện sẽ thay đổi cách chúng ta làm mọi thứ, rằng đó sẽ là cơ hội để đầu tư vào cơ sở hạ tầng mà chúng ta cần để phục hồi theo cách bền vững hơn nhưng thực tế điều đó đã không thành hiện thực”, Larsen nói.

“Nếu không có một số can thiệp lớn khác, quỹ đạo mà chúng ta đang đi sẽ không đưa chúng ta đến gần với các mục tiêu khí hậu năm 2030 của chúng ta”.

Mai Anh (theo Yahoo)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luong-khi-thai-gay-hieu-ung-nha-kinh-cua-my-tang-manh-tro-lai-vao-nam-2021-post176807.html