Lương nhà giáo vẫn tiếp tục điệp khúc 'câu đợi, câu chờ'

Đây là ví von của ĐB Dương Minh Ánh (Hà Nội) khi phát biểu về cải cách tiền lương tại phiên họp toàn thể của Quốc hội cuối buổi chiều 26-6.

Ảnh: QUANG PHÚC

Ảnh: QUANG PHÚC

Bày tỏ đồng tình với đề xuất của Chính phủ về việc tăng 30% lương cơ sở từ 1,8 triệu lên 2,34 triệu đồng và 10% quỹ thưởng... áp dụng từ 1-7 tới đây, ĐB Dương Minh Ánh cho rằng việc này đáp ứng được một phần sự mong mỏi của cử tri.

Tuy nhiên, là người công tác trong ngành giáo dục, nữ ĐB cho biết, do chưa áp dụng chính sách cải cách tiền lương nên một bộ phận công chức, viên chức khu vực công, trong đó có ngành giáo dục đang có nhiều tâm tư, băn khoăn.

Theo bà Dương Minh Ánh, từ năm 2013, nhiều chính sách lớn về đổi mới giáo dục đã được ban hành. Chỉ có chính sách tiền lương với nhà giáo (cụ thể là lương giáo viên được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bảng lương hành chính sự nghiệp) sau 11 năm, đến nay vẫn… nằm nguyên trên giấy, chưa được triển khai.

“Các nhà giáo vẫn luôn cố gắng cống hiến hết mình cho sự nghiệp, luôn động viên nhau hãy chờ đợi và hy vọng rồi một ngày nào đó sẽ có sự thay đổi chính sách tiền lương với nhà giáo... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay các nhà giáo vẫn tiếp tục điệp khúc "câu đợi, câu chờ" cho đến khi có chính sách cải cách chính sách tiền lương mới", ĐB Ánh phát biểu và tha thiết đề nghị, khi nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương tới đây, các cơ quan cần thể chế hóa các chủ trương của Đảng bằng các văn bản dưới luật về chính sách tiền lương, phụ cấp nghề với nhà giáo.

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội thì nhấn mạnh, bên cạnh tăng lương, Chính phủ cần đẩy mạnh tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy tích cực hơn nữa.

 ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tạ Văn Hạ (Quảng Nam), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Tạ Văn Hạ cũng phản ánh thực tế trước khi tăng lương thì giá cả đã tăng. “Tôi ngạc nhiên là hiện nay, lương chưa tăng mà đã có một số mặt hàng tiêu dùng tăng giá”, ông nói. Theo ĐB, cần kiểm soát tình trạng lợi dụng tăng lương để tăng giá. ĐB Hạ cũng lưu ý khi lương tăng cũng cần quan tâm điều chỉnh quy định về mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân. “Khi tăng lương lên 30%, mức sống tăng lên thì giảm trừ gia cảnh cũng phải tăng 30%, thậm chí là 50% thì mới hợp lý”, ĐB góp ý.

Phân tích tác động của chính sách mới đến cân đối ngân sách, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) thống nhất với các giải pháp nêu tại tờ trình của Chính phủ là cần thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình nhiều bước, bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách…

 ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC

Thống kê cụ thể về những lần tăng lương, ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM) nhận xét, trong 20 năm qua chúng ta đã có 14 lần điều chỉnh mức lương cơ sở. Trong đó, có 2 lần tăng lương cơ sở làm tăng lạm phát đó là năm 2008 khi tăng lương cơ sở 20%, lạm phát tăng từ 6,3 lên 23%; năm 2011 tăng lương cơ sở 13,7%, lạm phát tăng từ 9,2% lên 16,8%.

“Thực tế lạm phát tăng không chỉ do lương cơ sở mà còn do lạm phát thế giới, giá dầu thế giới tăng, tỷ giá tăng… Do đó, thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm đến 4 vấn đề”, ĐB nêu rõ.

Thứ nhất là về chính sách tiền tệ cần điều hành linh hoạt theo lạm phát mục tiêu 4% và phải giữ cho được ổn định tỷ giá.

Thứ hai, việc điều chỉnh tăng giá các hàng hóa dịch vụ nhà nước quản lý như học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh… phải giãn ra, không cùng một lúc và phải cách xa ngày 1-7.

Thứ ba, chuẩn bị nguồn hàng, đảm bảo cung hàng hóa, không để xảy ra thiếu hàng; thúc đẩy sản xuất.

Thứ tư, quan trọng nhất, là phải kiểm soát lạm phát tâm lý, lạm phát tin đồn, lạm phát domino, “té nước theo mưa” và phải tăng cường kiểm tra, thanh tra, xử phạt nghiêm minh những vấn đề liên quan đến pháp luật về giá.

ANH PHƯƠNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/luong-nha-giao-van-tiep-tuc-diep-khuc-cau-doi-cau-cho-post746421.html