Lương nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Điều 23 Luật Nhà giáo quy định 'Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp'. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương 'xếp cao nhất'.
Sáng 11/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo.
Tại họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua, gồm: Luật Nhà giáo; Luật Việc làm; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Hóa chất; Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Luật Ngân sách nhà nước.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo. Ảnh: Hồng Thái
Tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đã giới thiệu những nội dung mới của Luật Nhà giáo số 73/2025/QH15, được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Luật Nhà giáo gồm 9 chương, 42 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026. Nội dung quy định của Luật Nhà giáo tập trung vào 5 chính sách lớn về nhà giáo đã được Quốc hội thông qua bao gồm: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý Nhà nước về nhà giáo.
Những điểm mới nổi bật trong Luật Nhà giáo như: Luật là hành lang pháp lý quan trọng, kiến tạo các chính sách đầy đủ và tốt hơn để nhà giáo yên tâm công tác và cống hiến với nghề; khẳng định vị thế, bảo vệ danh dự và uy tín nghề giáo; xác lập vị trí pháp lý đầy đủ cho nhà giáo trong cả cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Lần đầu tiên, nhà giáo ngoài công lập được thừa nhận là một người hành nghề đặc thù, có chuẩn nghề nghiệp, quyền và nghĩa vụ tương đồng
Luật Nhà giáo làm rõ các quyền và nghĩa vụ của nhà giáo theo định hướng tăng quyền chủ động, sáng tạo và tăng tính bảo vệ nhà giáo trong hoạt động nghề nghiệp. Luật Nhà giáo luật hóa quy định về đạo đức nhà giáo với các quy tắc ứng xử cụ thể trong quan hệ với người học, đồng nghiệp, gia đình học sinh và xã hội. Luật quy định rõ quyền được tôn trọng, bảo vệ danh dự, nhân phẩm và cơ chế xử lý nghiêm minh với các hành vi xúc phạm nhà giáo, bao gồm cấm cá nhân, tổ chức phát tán thông tin quy kết nhà giáo khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan chức năng.
Lương của nhà giáo xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Luật Nhà giáo cải thiện các chính sách về thu nhập đối với nhà giáo. Trong đó, lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Điều 23 Luật Nhà giáo quy định "Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp" và giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách tiền lương đối với nhà giáo. Đây là căn cứ quan trọng để Chính phủ có những quy định điều chỉnh liên quan đến tiền lương của nhà giáo bảo đảm chủ trương "xếp cao nhất". Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng giới thiệu những nội dung mới của Luật Nhà giáo
Theo dự kiến, Bộ GD&ĐT tham mưu Chính phủ xếp lại bảng lương của một số chức danh nhà giáo (như giáo viên mầm non, phổ thông, dự bị đại học, giáo viên giáo dục nghề nghiệp hạng IV...) để bảo đảm tính thống nhất về bảng lương áp dụng với các chức danh nghề nghiệp viên chức nhà giáo và viên chức các ngành, lĩnh vực khác; đồng thời, bảo đảm mức sống của nhà giáo, giúp nhà giáo an tâm công tác, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Theo quy định của Luật, nhà giáo còn được hưởng thêm các khoản phụ cấp đặc thù, trách nhiệm, ưu đãi, trợ cấp vùng khó khăn, trợ cấp giáo dục hòa nhập, thâm niên, lưu động..., góp phần nâng cao thu nhập toàn diện.
Thu hút nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho hay, Luật Nhà giáo bổ sung các chính sách hỗ trợ, thu hút nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao vào công tác tại ngành Giáo dục. Luật Nhà giáo mở rộng và hợp nhất hệ thống chính sách hỗ trợ, trong đó nhấn mạnh: Hỗ trợ nhà ở công vụ hoặc tiền thuê nhà cho giáo viên tại vùng đặc biệt khó khăn; Đào tạo - bồi dưỡng nghề nghiệp cho tất cả nhà giáo, không phân biệt công lập - ngoài công lập; Ưu tiên trong tuyển dụng, điều động, tiếp nhận đối với nhà giáo công tác tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; Thu hút người có trình độ cao...
Luật Nhà giáo giao quyền chủ động cho ngành Giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Trong đó, Luật thống nhất giao thẩm quyền cho ngành Giáo dục chủ động trong tuyển dụng nhà giáo, phân cấp thẩm quyền tuyển dụng cho người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được tự chủ tuyển dụng nhà giáo.
"Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang khẩn trương triển khai xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chính sách tiền lương, phụ cấp, chế độ hỗ trợ, thu hút đối với nhà giáo để đảm bảo có hiệu lực đồng bộ khi Luật Nhà giáo có hiệu lực" - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng thông tin.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại họp báo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, giáo viên hợp đồng phải thực hiện theo hợp đồng với người sử dụng lao động, tuy nhiên, khi Luật Nhà giáo quy định lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp sẽ là một trong những căn cứ để giáo viên hợp đồng và người sử dụng lao động thỏa thuận. Qua đó, bảo đảm quyền lợi của giáo viên có cơ hội được đóng góp tương xứng với công sức, lao động, trí tuệ và tâm huyết của mình.
“Hiện nay, một số nơi hợp đồng giáo viên theo thỏa thuận chỉ được 70 - 80% so với giáo viên chính thức. Trong khi đó, giáo viên hợp đồng vẫn phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ. Quả thực như vậy là không công bằng” - Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng khẳng định, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm của Bộ GD&ĐT không cấm việc dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm việc dạy thêm, học thêm tràn lan, không đúng quy định với những nội dung rất cụ thể để bảo đảm quyền lợi của học sinh, bảo đảm sự trong sáng của giáo viên.