Lương tối thiểu vùng năm 2024: Tăng để bù trượt giá?
Bộ LĐ-TB&XH, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐ) Việt Nam đang điều tra, khảo sát để xây dựng phương án lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024. Gửi ý kiến tới Bộ LĐ-TB&XH, Sở LĐ-TB&XH, một số địa phương kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng. Mức tăng được đề xuất từ 5 đến 15% so với hiện hành.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, ngành may vẫn tiếp tục khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) không đủ việc làm. Hiện tại, May 10 cố gắng để người LĐ có việc làm khoảng 9 giờ/ngày (8 giờ làm chính thức và 1 giờ tăng ca). Với gần 7.500 người LĐ, bình quân thu nhập của người LĐ từ 8,5 đến 9 triệu đồng/người/tháng, giảm khoảng 500 nghìn đồng/người/tháng so với thời điểm giữa năm 2022. “Năm tới thị trường có thể khả quan hơn, lương tối thiểu vùng cũng có thể được điều chỉnh tăng nhẹ nhưng mức tăng chỉ nên đủ bù trượt giá, vì DN vẫn còn nhiều khó khăn”, ông Long nói.
Ông Tiêu Minh Dưỡng, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, mức lương tối thiểu vùng hiện hành được áp dụng từ ngày 1/7/2022, tới nay chưa phát sinh vướng mắc. Trên địa bàn còn nhiều DN khó khăn, trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, tỷ giá, lãi suất, giá nhiên liệu tăng cao, đơn hàng xuất khẩu giảm. Dù vậy, có một số lĩnh vực tăng nhu cầu tuyển dụng LĐ, như DN ngành chế biến, chế tạo; khoa học, kỹ thuật; dịch vụ lưu trú… Trên cơ sở đó, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ đề xuất Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu tăng lương tối thiểu vùng thêm 6% so với hiện hành, áp dụng cho năm 2024. Mức tăng này không tạo áp lực quá lớn lên DN đang phục hồi sản xuất.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hưng Yên - Trần Văn Dũng cho hay, các DN trên địa bàn cơ bản trả lương cho người LĐ cao hơn lương tối thiểu vùng. Với mức lương bình quân 4,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng, chưa gồm các loại phụ cấp khác. Dù vậy, sau Tết Nguyên đán, địa bàn Hưng Yên có hơn 6,5 nghìn người LĐ nghỉ việc. Hầu hết trong số họ tự nghỉ hoặc nghỉ do DN bị giảm đơn hàng. Dự kiến, thời gian tới DN tại Hưng Yên có nhu cầu tuyển dụng thêm khoảng 12 nghìn người. “Đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tham mưu Chính phủ tăng lương tối thiểu năm 2024 lên từ 10 đến 15% so với mức lương hiện hành”, ông Dũng đề xuất.
Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa cũng đề xuất tăng lương tối thiểu vùng cho năm 2024 thêm 5-7%; Sở LĐ-TB&XH Đắk Nông đề xuất tăng tăng 7 - 7,5% so với mức lương hiện hành.
Chờ khảo sát
Về phía cơ quan đại diện người LĐ, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Tổng Liên đoàn LĐ Việt Nam) cho hay, cơ quan này đang khảo sát tình hình LĐ, tiền lương tại một số địa phương. Từ kết quả khảo sát đó mới đưa ra đánh giá cụ thể và mức đề xuất lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tới. Ông Quảng dẫn Nghị quyết 27-NQ/TW của Trung ương định hướng hằng năm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng tiến tới đảm bảo mức sống tối thiểu của người LĐ. “Lương tối thiểu hiện hành tăng từ 1/7/2022. Tới năm 2024 sẽ được hơn 1 năm rưỡi. Lương cơ sở cũng tăng từ 1/7 tới nên cơ quan này có thể sẽ đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng. Tuy nhiên, mức đề xuất tăng lương tối thiểu ra sao phải chờ kết quả khảo sát thực tế”, ông Quảng nói.
Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH triển khai điều tra LĐ, tiền lương trong DN năm 2023, kết quả điều tra sẽ làm cơ sở cho các bên trong Hội đồng tiền lương quốc gia thương lượng, thỏa thuận về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng năm 2024. Cuộc điều tra được thực hiện tại 18 tỉnh, thành với nhiều LĐ ở tất cả các vùng miền, như: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Hà Nội, Bắc Ninh...
Định kỳ, quý 2-3 hằng năm, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ nhóm họp để thương lượng, đưa ra khuyến nghị về mức tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tiếp theo. Khuyến nghị của Hội đồng tiền lương là cơ sở để Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ xem xét ban hành mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng hiện hành được áp dụng từ ngày 1/7/2022 cụ thể: Vùng I có tối thiểu 4,68 triệu đồng/tháng; Vùng II tối thiểu 4,16 triệu đồng/tháng.