Lưu giữ 'địa chỉ đỏ' bằng tấm lòng cao thượng

Đến thăm Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc khi trở về Thủ đô tháng 8-1945 ở Phú Thượng (Tây Hồ, Hà Nội), chúng tôi có được hình dung rõ nét hơn về vị lãnh tụ kính yêu, về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, của Thủ đô. Ngôi nhà được nâng niu, gìn giữ chăm chút cẩn thận với từng viên gạch, từng vân gỗ, từng góc tường…

Để ngôi nhà và những hiện vật, những câu chuyện sống động ở điểm di tích này được nhiều người biết đến và được công nhận là điểm di tích lịch sử cấp TP Hà Nội như hôm nay có công không nhỏ của ông Công Ngọc Dũng. Nhiều người nói ông là người làm hồi sinh di tích này.

Người truyền cảm xúc

Di tích lịch sử địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc khi trở về Thủ đô tháng 8-1945 đơn giản là ngôi nhà nhỏ ven sông Hồng ở làng Phú Thượng. Không nhiều hiện vật như những địa điểm khác gắn với Bác Hồ nhưng nơi đây hấp dẫn bởi một con người đặc biệt, người đã truyền nhiều cảm xúc về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam tới du khách. Người đó là ông Công Ngọc Dũng. Ông Dũng là cháu nội cụ Nguyễn Thị An (vợ Chánh tổng Công Ngọc Lâm)-người đưa cách mạng về với ngôi nhà của gia đình. Thường thường, bắt đầu câu chuyện, ông Dũng đưa du khách về đầu những năm 40 của thế kỷ trước ở vùng ngoại ô ven sông Hồng của Hà Nội còn vắng vẻ và nằm trong vùng địch chiếm. Ít ai ngờ, ngôi nhà chánh tổng đẹp nhất làng khi ấy lại là nơi thường xuyên lui tới họp bàn của các cán bộ lãnh đạo cách mạng trong nhiều năm. Ngày 23-8-1945, ngôi nhà trở nên đặc biệt hơn khi được đón Bác Hồ cùng 13 chiến sĩ từ Chiến khu Việt Bắc về Thủ đô. Trong thời gian ở tại ngôi nhà, Bác Hồ đã nghe báo cáo, nắm tình hình và chỉ đạo các đồng chí Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh... tiến hành nhiều hoạt động.

 Ông Công Ngọc Dũng (bên phải) giới thiệu về ngôi nhà.

Ông Công Ngọc Dũng (bên phải) giới thiệu về ngôi nhà.

Những vật dụng gắn với kỷ niệm khi Bác Hồ dừng chân năm nào, gia đình cụ Nguyễn Thị An vẫn giữ nguyên vẹn. Có những hiện vật đã lưu lạc nơi khác cũng được gia đình cố công tìm về, khôi phục, như: Chiếc trường kỷ Bác ngồi làm việc, bàn bạc công việc; chiếc chậu Bác dùng rửa mặt... Ông Công Ngọc Dũng bộc bạch: “Chúng tôi một lòng gìn giữ ngôi nhà theo đúng cách bố tôi đã gìn giữ. Đó là giai đoạn chiến tranh khó khăn, không ai nghĩ đến việc giữ làm nhà di tích hay xếp hạng, nhưng trong suy nghĩ của bố tôi, đây là một địa chỉ thiêng liêng, nơi Bác Hồ đã về, nơi đã gắn bó với cách mạng từ đầu năm 1941, sau đó là thời kỳ kháng chiến với rất nhiều diễn biến, sự kiện. Bố tôi yêu cầu không thay đổi tất cả kiến trúc, hiện vật của ngôi nhà”.

Không chỉ có những hiện vật kỳ công lưu giữ, bảo quản, ngôi nhà còn gắn với những kỷ niệm về Bác, những câu chuyện thực tiễn sinh động về Bác. Là người quản lý kiêm hướng dẫn viên tại điểm di tích, ông Công Ngọc Dũng kể cho du khách nghe câu chuyện về việc giữ chữ tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh với niềm cảm phục xen lẫn tự hào: “Dù bận trăm công nghìn việc, khi đất nước còn bao mối lo, bao khó khăn nhưng Bác vẫn nhớ lời hứa trước khi rời ngoại thành về ngôi nhà 48 Hàng Ngang, chiều 25-8-1945. Sáng 24-11-1946, Bác dành cả buổi sáng về lại thăm gia đình, hỏi han sức khỏe và ăn cơm thân mật cùng cả nhà. Buổi chiều cùng ngày, Bác mới cho mời các cán bộ Lãng Bạc (một xã thuộc huyện Từ Liêm trước đây) và cán bộ xã Phú Gia lúc bấy giờ về ngôi nhà này để họp. Trong buổi làm việc đó, Bác căn dặn rất nhiều điều. Người nhắc nhở những cán bộ này chuẩn bị tinh thần, vật chất để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ. Sau đó là giai đoạn Bác rời Hà Nội lên Tân Trào”.

Để nhớ ngày Bác về, từ thời còn khó khăn, ông Công Ngọc Kha (bố ông Dũng, cũng được đón Bác trong ngôi nhà) đã giáo dục con cháu trong dòng họ bằng cách vào ngày 23-8 hằng năm, ông mời các cụ ông, cụ bà đã được gặp Bác năm 1945 và 1946 về ngôi nhà này tụ họp, ôn lại những kỷ niệm cách mạng và kháng chiến. Trong các buổi họp đó, mỗi người kể lại một câu chuyện, tất cả cứ thế nghe, nhớ và thấm. Ngày 23-8 hằng năm vì thế cũng trở thành ngày truyền thống của gia đình họ.

Kỳ công hiến nhà bằng được

Khoảng năm 1990, khi ông Công Ngọc Dũng tiếp quản ngôi nhà ít lâu cũng là thời điểm đất nước có nhiều đổi thay. Nền kinh tế mở cửa cũng là lúc nhiều người có những thay đổi về tư hữu. Quận Tây Hồ (Hà Nội) trở thành một trong những "điểm nóng" về thị trường bất động sản. Nhiều gia đình nghèo chỉ trồng rau, thả cá trước đó, nay trở thành triệu phú nhờ bán đất. Trong làng, ngoài xóm không phải không có những ý kiến muốn ông Dũng bán ngôi nhà để cải thiện cuộc sống. Nhưng ông Dũng quyết tâm giữ bằng được ngôi nhà và thực hiện theo ý nguyện của bố cũng như của chính mình để hiến cho Nhà nước. Khi đó, ít ai biết rằng chính ông Công Ngọc Dũng là người chịu nhiều áp lực nhất bởi đất lề quê thói, là nhà trưởng vẫn phải lo mọi công việc, rồi phải giải quyết sao cho công bằng, bình đẳng… “Nhưng tôi không tiếc gì vì gia đình tôi đã cống hiến cho Đảng, Nhà nước từ xương máu (gia đình ông có người em là liệt sĩ), sức lực, tiền của”, ông Công Ngọc Dũng khảng khái nói.

Giữ nhà không bán đã đành, ông Công Ngọc Dũng còn kiên quyết tặng Nhà nước ngôi nhà này. Việc tặng lại cũng không hề nhanh gọn như nhiều người vẫn tưởng. Khi ấy, ông chủ động đi gặp nhiều người, từ cán bộ quản lý của huyện Từ Liêm, quản lý di tích thành phố đến Bảo tàng Hồ Chí Minh… để đề xuất mong muốn những người có thẩm quyền xem xét giữ ngôi nhà cùng những kỷ vật làm nhà lưu niệm Bác Hồ. Thật may, đến đâu ông cũng nhận được sự đồng tình. Khi chính quyền triển khai việc giữ lại ngôi nhà, tuy chưa có xếp hạng di tích nhưng ông vẫn tạo mọi điều kiện nhanh nhất, tốt nhất. Cả khi ngôi nhà đã là của Nhà nước, ông cùng gia đình vẫn lo chăm nom, gìn giữ, bảo quản.

Mất một thời gian, cho đến thời kỳ ngôi nhà được xếp hạng di tích, lúc đầu, ông Công Ngọc Dũng chỉ được trông nom ngôi nhà, việc giới thiệu di tích do người của Sở Văn hóa-Thông tin TP Hà Nội (trước đây) đảm trách. Tuy nhiên, trong quá trình gần 10 năm giao cho Sở Văn hóa-Thông tin TP Hà Nội quản lý nảy sinh hai vấn đề bất cập. Thứ nhất, người của cơ quan này không phải lúc nào cũng có mặt ở di tích. Thứ hai, các đoàn khách đến thăm, thấy ông Dũng cặm cụi với ngôi nhà, khách không muốn nghe hướng dẫn viên thuyết minh mà thích hỏi ông về di tích này. Vậy nên, Sở Văn hóa-Thông tin TP Hà Nội quyết định giao lại cho gia đình ông Công Ngọc Dũng trông nom, quét dọn và tiếp khách, giới thiệu về ngôi nhà. Gần 20 năm (từ 1997 đến 2015), ông Dũng làm việc này mà không có hỗ trợ gì. Không những vậy, gia đình ông còn tự bỏ kinh phí tu sửa nhiều lần những viên ngói vỡ, gỗ bị mối mọt ăn, sơn, vôi bong tróc… trong nhà. Năm 2015, kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội tuyên dương vì đã có công bảo tồn, phát huy di tích cách mạng tại Phú Thượng. Sau lễ kỷ niệm, ngôi nhà được chú ý bảo tồn tốt hơn và hằng tháng, ông mới có khoản thù lao nho nhỏ.

Học bố, ông Công Ngọc Dũng cũng mong muốn việc gìn giữ di tích không thể một người làm. Ông kéo cả vợ con, họ mạc vào cuộc. Mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Bác về thăm hay di tích tổ chức sự kiện lớn, cả đại gia đình, từ các bác, cô, chú, anh, chị, em trong nhà ông Dũng đều xắn tay vào làm việc. Điều cảm động là trong cả quá trình đi tặng nhà, vợ ông Dũng luôn sát cánh, ủng hộ chồng. Chia sẻ suy nghĩ và trách nhiệm cùng chồng, bà Nguyễn Thị Hoa (vợ ông Dũng) nói: "Mình chỉ đơn giản thấy rằng, ngày xưa chiến tranh chết chóc nhiều, khi chưa độc lập mà các cụ còn chịu đựng được. Bố chồng mình đi tù ở Côn Đảo về vẫn còn những vết tra tấn, 10 đầu ngón tay như 10 dùi trống, móng tay tròn to ra, toàn thân luôn đau yếu. Vậy mà cả gia đình vẫn đầm ấm, yêu thương nhau, vẫn giữ gìn được ngôi nhà. Những khó khăn của thế hệ mình đều trở nên nhỏ bé. Không có lý do gì mà mình không ủng hộ chồng làm một việc có ích như vậy”.

Hằng ngày, các con giúp ông Dũng quét dọn, sắp xếp, giữ gìn, tiếp đón khách. Hiện nay, tuy vẫn còn chút ngượng nghịu nhưng cả hai con trai của ông Dũng đều có thể hướng dẫn cho du khách và đảm đương hầu hết các công việc tại di tích. Cả hai người đều có tâm huyết với di tích, việc tuyên truyền cứ nối tiếp từ thế hệ trước sang thế hệ sau.

Nói về ông Dũng, ông Công Ngọc Chinh, Bí thư Chi bộ 3, phường Phú Thượng-nơi ông Dũng sinh hoạt chi bộ, đánh giá: "Đồng chí Công Ngọc Dũng là người trực tiếp trông nom, bảo vệ, giữ gìn các hiện vật trong căn nhà. Đồng chí đã phát huy tốt truyền thống gia đình và góp phần cổ vũ, lan tỏa tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tới nhiều người dân và du khách".

HUY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ho-so-su-kien/cuoc-thi-viet-noi-theo-guong-sang-bac-ho/luu-giu-dia-chi-do-bang-tam-long-cao-thuong-609834