Lưu giữ nét Trung thu truyền thống giữa lòng Thủ đô
Lại một mùa Trung thu đã tới, làm háo hức biết bao trái tim con trẻ. Năm nay, dịch COVID-19 dù đã được kiểm soát tốt nhưng nhiều gia đình vẫn nâng cao cảnh giác với dịch bệnh, trăn trở tìm địa điểm hợp lý, an toàn cho con trẻ hưởng niềm vui Trung thu, trong đó Bảo tàng Dân tộc học được nhiều gia đình lựa chọn.
Tái hiện trò chơi dân gian
Chưa đến 9 giờ sáng thứ Bảy, ngày 26/9, Bảo tàng dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) đã tấp nập các gia đình đưa con đến dự chương trình “Người giữ lửa Trung Thu”. Phần lớn các em nhỏ ở đây có độ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học. Bé Tuấn Anh và Hải Anh được chị Lê Thùy Chi (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho đi chơi Trung thu. Vừa bước vào cổng đã 2 bé đã bị cuốn hút bởi tiếng trống thúc giục của trò chơi kéo co nên ngay lập tức tham gia với các bạn nhỏ khác.
Tiếng hò dô vang dội, các bé đều hồ hởi, hào hứng đến độ sẵn sàng bỏ dép, xắn quần, bám chặt vào sợi dây thừng và cố sức kéo sợi dây về phía mình. Chị Thùy Chi chia sẻ: "Ở nhà cuối tuần, các cháu thường chơi điện thoại, nhìn ti vi nên bố mẹ không khỏi lo lắng. Thế nên, hôm nay gia đình cho các cháu đến đây để chơi vận động ngoài trời, cùng bạn bè tham gia trò chơi dân gian. Ở đây, các cháu được hướng dẫn về trò chơi, luật chơi và tham gia chơi thử là dịp để các cháu hiểu thêm về trò chơi dân gian, biết về tuổi thơ của bố mẹ".
Bé Hữu Minh, 8 tuổi (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vất vả 20 phút mới giữ thăng bằng được trên cà kheo. Minh hào hứng khoe: "Con trượt patin từ 5 tuổi, cũng không thấy khó như tập trò đi cà kheo này. Con thích lắm, dù bị ngã hơi đau nhưng nghỉ một lát con sẽ bảo bố cho con tập đi nữa".
Trong khuôn viên Bảo tàng Dân tộc học, các nhóm trẻ em chia nhau tham gia hoạt động làm hoa giấy, châu chấu tre, vẽ mặt nạ, kể chuyện tranh, nặn tò he, xem múa lân, bầy cỗ bàn Trung thu... Trong sảnh các tòa nhà trưng bày của bảo tàng, từng nhóm trẻ vây quanh các bạn thanh niên để được hướng dẫn làm đồ chơi truyền thống. Bàn tay nhỏ nhắn, vụng về của nhiều em lần đầu được sờ vào bột nặn tò he chứ không phải đất sét nặn. Nhiều bé lần đầu được tự tay trang trí mặt nạ cho mình, sung sướng đeo luôn lên mặt dù màu vẽ còn chưa khô.
Ông Nguyễn Văn Quyền, nghệ nhân làm đèn kéo quân (huyện Thanh Oai, Hà Nội) năm nay đã hơn 80 tuổi. Ông đã gắn bó với việc làm đèn kéo quân từ khi còn là một cậu bé. Mỗi dịp Trung thu, cứ nghĩ đến khuôn mặt trẻ thơ trầm trồ, ngưỡng mộ những cây đèn kéo quân của các bạn nhỏ nên dù tuổi cao, sức yếu ông Quyền vẫn cần mẫn làm đèn cho con cháu chơi hoặc mang bán để có thêm thu nhập. Cần 8 tiếng để một nghệ nhân như ông Quyền hoàn thiện xong 1 cây đèn kéo quân. Mỗi mùa Trung thu, ông Quyền làm khoảng 100-150 chiếc đèn. Từ khi các trò chơi, đồ chơi dân gian được coi trọng, giữ gìn, phục hồi, quảng bá, người làm đồ chơi Trung thu truyền thống như ông rất vui. Nhưng vui hơn cả là hiện nay vẫn còn nhiều đứa trẻ say mê với đồ chơi thủ công truyền thống...
Lưu truyền giá trị văn hóa dân gian
Nhìn những gia đình vui vẻ đưa con đi chơi Trung thu, tận tình giảng giải cho con những điều mới mẻ của lễ hội truyền thống, nhìn những đứa trẻ lăn xả vào chơi các trò chơi dân gian, hào hứng nhún nhảy theo nhịp trống hội, bà Nguyễn Thị Lập (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cảm thấy ấm áp và hạnh phúc. Bà động viên bố mẹ các cháu tìm đến các khu vui chơi có trò chơi dân gian. Dù có thể các cháu không thích bằng đi trung tâm thương mại nhưng nếu được bố mẹ khuyến khích, các cháu sẽ dần dần hiểu và yêu thích các trò chơi truyền thống. “Tôi không muốn con cháu người Việt Nam chỉ biết chơi điện tử và đồ chơi nước ngoài mà muốn con cháu mình hiểu về văn hóa dân gian, có như vậy các cháu mới có nền tảng để yêu đất nước mình...”.
Chị An Thu Trà, Phó trưởng phòng Trưng bày, Truyền thông và công chúng, Bảo tàng Dân tộc học cho biết: "Trong thời kỳ bình thường mới sau dịch COVID-19, bảo tàng đã thay đổi cách thức tiếp cận, đổi mới cách tổ chức, hạn chế, giảm bớt số lượng các hoạt động trình diễn và tăng cường vai trò chủ động của khách tham quan bằng cách khuyến khích ông bà, cha mẹ hướng dẫn con cái tự chơi. Bên cạnh đó, bảo tàng cũng tăng cường vai trò của nghệ nhân, những người đã cộng tác lâu năm với bảo tàng cũng như có nhiều ý tưởng trong việc sáng tạo, bảo tồn đồ chơi dân gian. Hiện nay, bảo tàng sử dụng truyền thông qua mạng xã hội để giới thiệu chương trình Trung thu, từ đó giúp mọi người ở xa tiếp cận và tìm hiểu về các đồ chơi, trò chơi trong dịp Trung thu. Điều này mở ra nhiều kênh mới để có thể giới thiệu quảng bá và tôn vinh các nghệ nhân dân gian Việt Nam".
Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia các sự kiện Trung thu, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền chia sẻ: "Ngày nay, đồ chơi của Trung Quốc rất nhiều, đa dạng mẫu mã, tiện dụng. Còn đồ chơi Trung thu truyền thống của Việt Nam do được làm thủ công nên thường thô, chơi phải nhẹ nhàng, giữ gìn và không chơi được lâu. Giá thành của đồ chơi truyền thống cũng khá cao nên nhiều gia đình không lựa chọn". Những nghệ nhân làm đồ chơi truyền thống như tông Quyền rất cố gắng nắm bắt thị hiếu của trẻ con để trang trí đồ chơi truyền thống có phần hiện đại hơn. Đồng thời, hàng năm các nghệ nhân đều chọn các bạn thanh niên, sinh viên nhiệt tình tâm huyết với văn hóa truyền thống để hướng dẫn, truyền nghề. Hi vọng, đồ chơi dân gian sẽ luôn có vị thế, chỗ đứng trong trái tim trẻ thơ Việt Nam.