Lưu giữ phẩm chất thanh niên xung phong, 'truyền lửa' cho thế hệ trẻ
Với tinh thần 'Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu,' Hội Cựu Thanh niên xung phong các tỉnh, thành đã tiếp tục phát huy, thực hiện tốt các phong trào thi đua, 'truyền lửa' cho thế hệ trẻ.
Trong những năm tháng đất nước gian nguy, hàng vạn Thanh niên xung phong Việt Nam đã sẵn sàng, tình nguyện lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cống hiến tuổi xuân, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc.
Trong thời bình, các thế hệ cựu Thanh niên xung phong đã vượt qua khó khăn, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống, thắt chặt tình đồng đội.
Để làm rõ hơn lịch sử và truyền thống của lực lượng Thanh niên xung phong, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
- Các thế hệ Thanh niên xung phong Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn để viết nên những trang sử vẻ vang của dân tộc. Ông có thể chia sẻ khái quát về các giai đoạn lịch sử gắn với sự trưởng thành và phát triển của lực lượng Thanh niên xung phong Việt Nam qua bảy thập kỷ?
Ông Vũ Trọng Kim: Trong suốt chiều dài lịch sử đất nước (kháng chiến chống Pháp (1950-1954); tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, xây dựng xã hội chủ nghĩa miền Bắc (1955-1964); kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1965-1975); chiến tranh bảo vệ biên giới và làm nhiệm vụ quốc tế (1975-1988); phát triển kinh tế xã hội (từ năm 1976 đến nay), hàng vạn Thanh niên xung phong luôn sẵn sàng lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh để phục vụ kháng chiến, kiến quốc. Ngay từ đầu, nhiệm vụ của Thanh niên xung phong đã là một sự thử thách to lớn.
Từ ngày đầu mới thành lập chỉ có 225 đồng chí, nhưng từ năm 1950-1953, để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, số lượng Thanh niên xung phong nhân lên nhiều lần, dần đạt tới con số 16.000, khi đó đã có 8.000 Thanh niên xung phong được tuyển qua quân đội. Thanh niên xung phong đã có mặt trên tất cả những điểm nóng của các cuộc kháng chiến.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới, gần 39 vạn nam, nữ Thanh niên xung phong làm nhiệm vụ trên các chiến trường, trong đó có hơn 6.700 người đã hy sinh, trên 40.400 người bị thương, khoảng 14.000 người bị nhiễm chất độc da cam/diôxin...
Sau năm 1954, Thanh niên xung phong lại tham gia mở đường, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc như tuyến đường Lạng Sơn, mở rộng tuyến đường sắt Bắc-Nam, con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang…
Sau năm 1975, theo tiếng gọi của Tổ quốc, lực lượng Thanh niên xung phong ở Thủ đô và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ đã xung phong vào nhiều vùng gian khó để xây dựng kinh tế. Trong thời bình, Thanh niên xung phong Việt Nam vẫn tiếp tục phát huy vai trò xung kích của mình.
- Để phát huy vai trò của mình, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã triển khai hoạt động như thế nào để đóng góp cho công tác xã hội và cải thiện đời sống gia đình hội viên, thưa ông?
Ông Vũ Trọng Kim: Những năm qua, Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam đã tổ chức nhiều nội dung, phương thức hoạt động phong phú, phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội, đáp ứng nguyện vọng của cựu Thanh niên xung phong, trong đó, có phong trào "Cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi-Vì nghĩa tình đồng đội."
Kể từ khi được phát động, phong trào đã thu hút đông đảo cựu Thanh niên xung phong trên cả nước tham gia, đem lại nhiều hiệu quả tích cực, gắn kết hội viên, cải thiện đời sống và phát triển kinh tế-xã hội. Đến nay, cả nước có hơn 13.000 hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp cựu Thanh niên xung phong làm kinh tế giỏi, giải quyết việc làm cho gần 40.000 lao động, phần lớn là con em cựu Thanh niên xung phong, giúp đỡ đồng đội khó khăn trên 10 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, cựu Thanh niên xung phong cả nước còn tiết kiệm, đóng góp xây dựng "Quỹ nghĩa tình đồng đội" được hơn 288 tỷ đồng. Nhìn chung, các cấp Hội đã tích cực, năng động, sáng tạo trong quá trình vận động, hướng dẫn thực hiện phong trào và làm nên những kết quả khả quan.
- Theo ông, trong giai đoạn hiện nay, cần làm gì để tập hợp, phát huy sức mạnh của cựu Thanh niên xung phong đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội địa phương?
Ông Vũ Trọng Kim: Với tinh thần "Lúc trẻ xung phong, về già gương mẫu," Hội Cựu Thanh niên xung phong các tỉnh, thành đã tiếp tục phát huy, thực hiện tốt các phong trào thi đua như: Cựu Thanh niên xung phong nêu gương sáng, làm theo lời Bác; vận động hội viên tham gia các phong trào thi đua yêu nước, hoạt động xã hội; đẩy mạnh vận động tham gia các hoạt động vì nghĩa tình đồng đội, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn; giúp đỡ nhau vượt khó vươn lên thoát nghèo...
Đồng thời, Hội Cựu Thanh niên xung phong các cấp phối hợp với tổ chức Đoàn Thanh niên trong sự nghiệp giáo dục truyền thống cách mạng, truyền thống cho thế hệ trẻ; đoàn kết, tập hợp thêm nhiều cựu Thanh niên xung phong vào Hội nhằm nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của tổ chức Hội, cùng chung sức xây dựng Hội là ngôi nhà chung của hội viên cựu Thanh niên xung phong.
- Thanh niên xung phong là những người trẻ tuổi đi đầu, không ngại khó khăn gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Để tiếp tục gìn giữ những phẩm chất cao đẹp của thanh niên Việt Nam, các cựu Thanh niên xung phong đã truyền lại tinh thần ấy cho các thế hệ trẻ hôm nay như thế nào, thưa ông?
Ông Vũ Trọng Kim: Những cựu Thanh niên xung phong hiện nay phần lớn tuổi đều đã cao nhưng vẫn vẹn nguyên tinh thần "xung phong" ngày nào. Chính những ngày gian khổ góp phần làm nên nhân cách và việc giữ gìn nhân cách chính là quá trình phấn đấu để trở thành tấm gương trong xã hội, trước hết là tấm gương ở gia đình, thôn xóm để thế hệ trẻ học tập, noi theo.
Trong thời đại ngày nay, cựu Thanh niên xung phong vừa nêu gương, vừa tham gia nhiều hoạt động công tác khác nhau, trong đó có tích cực tham gia vào công tác xã hội mà Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp kêu gọi, chính quyền yêu cầu. Tinh thần của Thanh niên xung phong vẫn được lưu giữ, truyền lửa cho các thế hệ qua chính những hoạt động của mình. Tinh thần Thanh niên xung phong cần được phát huy ngay cả khi đầu đã bạc.
- Trân trọng cảm ơn ông!./.