Lưu giữ văn hóa truyền thống từ những lễ hội xuân
Tháng Giêng là thời điểm các tỉnh, địa phương tại Việt Nam nô nức tổ chức những lễ hội truyền thống. Mỗi lễ hội đều có một vẻ đẹp, nét độc đáo riêng biệt góp phần lưu giữ 'hồn cốt' Việt Nam từ hàng nghìn năm nay.
![Những đĩa xôi của Chi hội 2 Hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng được trang trí với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”. (Ảnh: PV)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_207_51462784/cd469bccab8242dc1b93.jpg)
Những đĩa xôi của Chi hội 2 Hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng được trang trí với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”. (Ảnh: PV)
Bản hòa ca đa sắc màu
Khi những ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa kết thúc, người dân ở Việt Nam lại nhộn nhịp chuẩn bị tham dự các lễ hội. Lễ hội truyền thống thường bắt nguồn từ những ngôi làng cổ, có tuổi đời lên đến hàng trăm, hàng nghìn năm ở Việt Nam. Người dân trong làng bao đời nay vẫn lưu giữ nét đẹp văn hóa của ông cha để lại. Tết đến, Xuân về, bên cạnh chuẩn bị đón năm mới, họ còn tất bật vun vén cho hội làng.
Như năm nay, vào ngày 5/2 (tức mùng 8 tháng Giêng), dân làng Phú Gia (nay thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) lại nhộn nhịp tham dự Hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng diễn ra tại đình làng. Được biết, đây là lễ hội lâu đời, để tôn vinh nghề truyền thống của làng. Trong hội làng, có rất nhiều hoạt động như hội thi làm xôi giữa các xóm, trò chơi dân gian, rước nước thụ lộc,...
Để chuẩn bị cho Lễ hội Xôi, người phụ nữ giỏi đồ xôi nhất của các chi hội đã phải họp bàn nhau trước Tết, lên kế hoạch tỉ mỉ, cẩn thận để làm ra những “bức tranh” xôi đẹp mắt. Chia sẻ với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, chị Ngô Hằng - Hội phó Chi hội 2, phường Phú Thượng cho biết, phần thi xôi của Chi hội 2 được lên ý tưởng trước Tết một tháng với chủ đề “Mừng Đảng, mừng Xuân”, toàn bộ phần trang trí, nấu xôi được thực hiện từ một đến hai ngày trước khi hội làng diễn ra.
Đi qua làng xôi, cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, về hướng huyện Thanh Trì, vào ngày 6/2 (tức mùng 9 tháng Giêng), đã diễn ra Lễ hội truyền thống làng Triều Khúc diễn ra để tưởng nhớ vị anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Lễ hội này cũng chính là cái nôi điệu múa “Con đĩ đánh bồng” - một trong 10 điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa, chỉ dành riêng cho nam giới. Đại lễ năm nay kỷ niệm 1244 năm Ngày Đức Thánh Phùng Hưng tức vị lên ngôi thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tới tham dự.
Vào ngày 9/2 (tức ngày 12 tháng Giêng), Hội Lim - Lễ hội lớn nhất vùng Kinh Bắc đã chính thức khai hội, thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến trẩy hội, du Xuân tại huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh). Lễ hội nổi bật ở đồi Lim với những làn điệu Quan họ trong câu hát mượt mà, đằm thắm của liền anh, liền chị vang lên khắp các lán. Liền anh áo the khăn đóng, liền chị lúng liếng trong trang phục áo tứ thân với nón quai thao đắm say trong các bài hát đối đáp giao duyên. Ngoài các làn Quan họ, hoạt động tham gia đấu vật ở Hội Lim năm nay cũng được nhiều du khách dành tình cảm đặc biệt...
“Truyền lửa” cho thế hệ trẻ
Tính đến nay, cả nước có gần 9 nghìn lễ hội, trong đó có khoảng 7 nghìn lễ hội dân gian truyền thống, hơn 1 nghìn lễ hội tôn giáo, hơn 4 trăm lễ hội lịch sử. Mỗi lễ hội đều ẩn chứa những vẻ đẹp riêng của cộng đồng dân cư, kết tinh lại thành bức tranh văn hóa, tín ngưỡng sinh động, đa màu sắc về cuộc sống của con người trên mỗi miền quê. Những hình thức sinh hoạt cộng đồng độc đáo trong lễ hội truyền thống như mạch nguồn chảy mãi, được trao truyền tiếp nối từ đời này sang đời khác chính là cầu nối, sự kết tinh, hòa hợp giữa những giá trị truyền thống từ trong quá khứ với hiện tại và tương lai.
Ngay từ ngày đầu Xuân năm mới, hình ảnh các lễ hội truyền thống được người trẻ nhiệt tình lan tỏa trên mạng xã hội. Điều đó cho thấy sự quay trở lại của thế hệ trẻ đối với văn hóa cổ truyền Việt Nam. Đó là nhờ những chuyển biến tích cực của các địa phương trong việc tổ chức các lễ hội dân gian.
Hiện nay, bên cạnh những âm hưởng truyền thống, các lễ hội đang ngày càng có thay đổi, để phù hợp với xu hướng của xã hội. Lấy ví dụ, Lễ kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa đã được tổ chức vào mùng 5 tháng Giêng Âm lịch tại Công viên văn hóa Đống Đa. Bên cạnh các hoạt động truyền thống như: Lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương; Lễ rước kiệu; biểu diễn múa Lân, múa Rồng; biểu diễn võ thuật Bình Định Gia; viết chữ thư pháp, giới thiệu nghệ thuật truyền thống… Chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Đống Đa - Sử vàng lưu danh - Tương lai vững bước” được làm theo hình thức bán thực cảnh kết hợp công nghệ 3D mapping hiện đại. Với hình ảnh mãn nhãn, đẹp mắt, thu hút người dân ở mọi lứa tuổi đến tham dự, đặc biệt là người trẻ.
Hay đến với Hội làng nghề truyền thống Xôi Phú Thượng, có thể dễ dàng nhận thấy, mỗi phần thi xôi của các Chi hội không chỉ thể hiện tài nấu xôi thơm dẻo, ngọt bùi mà đã được “nâng tầm” thành những bức tranh đa màu sắc, mang nhiều ý nghĩa. Có vó xôi trang trí thành bức tranh đình làng nằm trên dải đất hình chữ S. Có vó xôi khác lại tô điểm hình cá chép hóa rồng, có vó lại “thổi hồn” nên bức tranh tình mẹ thân thương,... Việc không hạn chế sự sáng tạo của những người làm xôi trẻ đã giúp họ “bung sắc, tỏa hương” trong chính nghề truyền thống của ông cha để lại…