Lưu Hữu Phước – Nhạc sĩ tài danh đất Tây Đô

Hai ba thế hệ người Việt Nam hát những ca khúc của nhạc sĩ tài danh Lưu Hữu Phước. Không có cuộc đời nào, tâm hồn nào trên đất nước Việt Nam thân yêu thế kỷ vệ quốc anh hùng mà không được Lưu Hữu Phước giục giã.

Chân dung cố Giáo sư, Viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Chân dung cố Giáo sư, Viện sĩ, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.

Mãi cho đến năm 1974, cuối năm. Tôi từ miền Nam ra Hà Nội, nghe tin, anh Tư (nhạc sĩ Lưu Hữu Phước) điện qua chỗ anh Bảo Định Giang, nhắn mời tôi sang nhà anh chơi. Hôm đó anh dành cho tôi một ngày miền Tây Nam Bộ.

Tôi đến vào buổi sáng, anh Tư ở nhà đón. Chúng tôi ăn kẹo, uống trà và trả lời mấy câu hỏi về miền Nam hiện nay ra sao. Tôi cũng trả lời cho anh Tư vui vẻ. Thật ra tôi cũng không rành gia đình anh Tư ở Cần Thơ, dân thượng lưu nên anh và anh Tiễng, anh Bộ đi học thuận lợi hơn người.

Anh Tư nói:" Nhà này là dinh thự gì của bọn Tây trước kia, nay Chính phủ giao cho anh làm cơ quan tiếp tân cho Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam với bạn bè nước ngoài. Nhà lớn và sang trọng, nhưng rất ít người ở. Hành lang phía sau có một nhạc sĩ nghèo "rớt mồng tơi" là Huỳnh Thơ. Thấy tôi đi với anh Tư, Huỳnh Thơ chạy ra chào tôi và xưng là người miền Nam, đang tá túc ở hành lang sau của tòa nhà.

Sau mới biết, chính nơi đây, anh Tư Lưu Hữu Phước đang nhiều tháng cân nhắc bài hát tuyệt vời của nhạc sĩ Trần Kiết Tường - bài HỒ CHÍ MINH ĐẸP NHẤT TÊN NGƯỜI sẽ nên công bố lúc nào. Liệu Bác có vui lòng không? Anh Tư cho máy kéo băng cho các anh chị lãnh đạo nghe kỹ. Hướng là sẽ xin phép Bác cho phổ biến bài hát này, nhưng chưa kịp chuẩn bị thì ca sĩ Quốc Hương đã sốt ruột hát cho Bác nghe trước. Bác "làm thinh" nhưng vui vẻ chấp nhận làm cho với âm nhạc cả nước vui mừng. Bài hát đáp lại một phần công ơn của Bác. Nhất là nói lên tấm lòng của Bà con miền Nam đối với Bác. Anh Tư "khoe" với tôi sự thành công của anh Trần Kiết Tường.

Nhóm Huỳnh - Mai - Lưu (Từ trái qua: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ).

Nhóm Huỳnh - Mai - Lưu (Từ trái qua: Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Mai Văn Bộ).

Tôi nói, chúng tôi ở miền Tây Nam Bộ đã dàn dựng những ca khúc của anh thành ca cảnh. Như bài "Hội nghị Diên Hồng", " Bạch Đằng Giang". Còn bài "Đông Nam Á" của anh, hầu như anh quên, không cho nó vào tuyển tập. Tôi phải hát lại cho anh nghe.

"Màn trời vén ánh nắng chiếu trùm muôn cõi Á châu. Dân nô lệ phá tan ngục tù. Cờ tự do bay vòng trên Thái Bình Dương huy hoàng ngập đồi núi, ngập trên Ấn Độ Dương..."

Anh Tư xúc động. Không ngờ tôi thuộc hầu hết bài hát như vậy. Anh ngỏ lời cám ơn và anh kèo nài tôi chép lại tại chỗ cho anh những bài thơ do tôi sáng tác để làm kỷ niệm. Tôi chép bài "Rừng biển quê nhà" và “Đường ra thành phố" tặng anh.

Với tôi và những người đồng đội của mình, kỷ niệm về anh Tư Lưu Hữu Phước càng nồng ấm, thắm thiết hơn. Trong lúc hiểm nguy, gian khó, lời hát anh bỗng trỗi dậy như lời động viên đầy thiêng liêng: "Từ trong chiến hào hôm nào nghe tiếng Bác, lòng ta sáng rực như nở hoa..." (Ca khúc "Tình Bác sáng đời ta" của Lưu Hữu Phước). Và khúc khải hoàn như giục giã khi tất cả cất cao hành khúc: "Giải phóng miền Nam chúng ta cùng quyết tiến bước, diệt đế quốc Mỹ, đánh tan bè lũ bán nước..." - từ bài " Giải phóng miền Nam" của anh.

Nguyễn Bá

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/luu-huu-phuoc-nhac-si-tai-danh-dat-tay-do-a38709.html