Lưu thông ra sao trên đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây?
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM vừa chấp thuận phương án tổ chức giao thông phục vụ khai thác đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Theo phương án vừa được Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương - nhà đầu tư dự án - đề xuất, đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ đường Nguyễn Thị Định đến đường Mai Chí Thọ, TP Thủ Đức) sẽ tổ chức lưu thông 2 chiều các loại ô tô con, xe khách từ 16 chỗ trở xuống và xe 2 bánh. Cấm các loại ô tô tải, ô tô khách trên 16 chỗ lưu thông trên đoạn đường này.
Ngoài ra, tổ chức giao thông tại 2 nút giao Đỗ Xuân Hợp - đường song hành, Nguyễn Thị Định - đường song hành bằng hệ thống đèn tín hiệu giao thông, hoạt động theo chế độ xanh, vàng, đỏ.
Để đảm bảo an toàn giao thông khi đưa vào khai thác đường song hành này, Sở GTVT TP HCM đề nghị Công ty Nguyên Phương phối hợp với Trung tâm Quản lý hạ tầng giao thông đường bộ bố trí đầy đủ hệ thống báo hiệu theo phương án được sở phê duyệt. Các đơn vị phải theo dõi, đánh giá tình hình giao thông, điều chỉnh lại giao thông trên tuyến đường dẫn cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn từ nút giao An Phú đến đường Đỗ Xuân Hợp) cho phù hợp.
Hiện nay, Công ty Nguyên Phương huy động toàn bộ nhân lực, vật lực, phấn đấu hoàn thành đoạn 1 đường song hành, đưa vào khai thác phục vụ dân cư dọc tuyến, chia sẻ áp lực lưu thông qua nút giao An Phú trong quá trình thi công.
Đường song hành cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây dài hơn 3,3 km, khởi công năm 2017 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), tổng đầu tư 869 tỉ đồng. Dự án gồm hai đoạn song hành xây bên phải tuyến cao tốc, rộng 20 m, 4 làn xe. Trong đó, đoạn 1 dài 2,7 km, nối đại lộ Mai Chí Thọ qua đường Đỗ Xuân Hợp. Đoạn còn lại hơn 600 m, nối tuyến D11 qua Vành Đai 2. Cùng với tuyến đường, dự án xây 3 cây cầu Bà Dạt, Mương Kênh, Bà Hiện, đồng thời cải tạo nút giao, hệ thống thoát nước, chiếu sáng…
Công trình dự kiến hoàn thành sau 24 tháng, góp phần giảm áp lực giao thông cho nút giao An Phú và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án phục vụ tái định cư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án gặp vướng mắc giải phóng mặt bằng, thủ tục thanh toán theo hợp đồng BT nên chậm tiến độ.
Hồi tháng 4, UBND TP HCM giao các sở, ngành và địa phương liên quan phối hợp với nhà đầu tư là Công ty Nguyên Phương làm các thủ tục điều chỉnh dự án, bàn giao mặt bằng để công trình sớm hoàn thành.