Lưu ý dạy học và ôn tập môn Sinh học theo định dạng đề thi mới

Cô Bùi Thị Thu Huyền, GV Trường THPT Trần Quang Khải, Hưng Yên lưu ý học sinh học, ôn tập tốt môn Sinh học, chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) trong giờ học.

Cô trò Trường THPT Trần Quang Khải (Hưng Yên) trong giờ học.

Bộ GD&ĐT đã công bố đề minh họa cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, trong đó có môn Sinh học.

Cô Bùi Thị Thu Huyền nhận định, đề có thêm 2 dạng câu hỏi trắc nghiệm mới. Theo đó, ngoài câu hỏi trắc nghiệm nhiều lựa chọn (như đề thi các năm trước), có thêm dạng trắc nghiệm đúng/sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.

Với dạng trắc nghiệm đúng/sai, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng toàn diện mới được điểm tối đa.

Với dạng trắc nghiệm trả lời ngắn, đòi hỏi thí sinh phải có năng lực, kiến thức kĩ năng chắc chắn.

Đề có khá nhiều câu hỏi đi kèm hình ảnh; bởi vậy, học sinh không chỉ nắm được kiến thức cơ bản còn phải có kĩ năng khai thác kênh hình.

Bên cạnh đó, nhiều câu hỏi trong đề thi gắn với bối cảnh thực tiễn, đời sống, khoa học có giá trị giúp cho đề thi đa dạng hơn, không nặng về ghi nhớ kiến thức.

Với những đặc điểm trên, cô Bùi Thị Thu Huyền cho rằng, trong dạy học, giáo viên cần tích cực sử dụng các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực phát triển năng lực của học sinh.

Trong các tiết học, thầy cô tích cực sử dụng kho học liệu số, khai thác kênh hình. Điều này không chỉ giúp bài giảng sinh động mà qua đó còn rèn luyện học sinh kĩ năng quan sát, phân tích, tiếp thu kiến thức một cách chủ động.

Khi dạy phần khởi động, giáo viên có thể sử dụng phong phú các cách thức, trong đó có bài tập tình huống thực tế…; tạo hứng thú cho học sinh trước bài học mới, giúp các em nắm bắt kiến thức thực tế.

Sau mỗi tiết học, giáo viên sẽ đưa ra các dạng câu hỏi để luyện tập củng cố kiến thức (câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn, câu hỏi đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm ngắn, câu hỏi điền khuyết …).

Với hoạt động vận dụng, thầy cô tích cực đưa ra bài tập, câu hỏi liên hệ thực tế để học sinh phát triển năng lực vận dụng kiến thức, kĩ năng. Ngoài ra, việc lồng ghép kiến thức thực tế qua các bài thực hành cũng rất cần thiết trong quá trình giảng dạy.

Với hoạt động ôn tập, theo cô Bùi Thị Thu Huyền, giáo viên cần xây dựng đa dạng các dạng câu hỏi ôn tập như: câu hỏi câu hỏi trắc nghiệm có nhiều lựa chọn, câu hỏi đúng/sai, câu hỏi trắc nghiệm ngắn, câu hỏi điền khuyết, câu hỏi ghép nối… để ôn luyện kiến thức cho học sinh qua mỗi chương, mỗi phần.

Cùng với đó, thầy cô tích cực khai thác các hình ảnh đưa vào các dạng câu hỏi ôn tập kiến thức để tăng tính hấp cuốn hút bài học, môn học.

Hải Bình

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/luu-y-day-hoc-va-on-tap-mon-sinh-hoc-theo-dinh-dang-de-thi-moi-post685445.html