Lưu ý quan trọng khi sử dụng thuốc nhỏ mắt trị bệnh đau mắt đỏ
Người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid. Đồng thời, không nên tự ý dùng các thuốc đông y để chữa bệnh đau mắt đỏ như xông lá trầu không, đắp lá vào mắt…
Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt có chứa corticoid để chữa đau mắt đỏ
Thống kê sơ bộ của Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, những tuần gần đây, bệnh viện ghi nhận trung bình khoảng 700 trường hợp đau mắt đỏ (viêm kết mạc) đến khám. Trung bình 100 ca khám có khoảng 30 ca đau mắt đỏ. Riêng tuần vừa qua là 800 ca, có một số ca biến chứng do đau mắt đỏ.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ chuyên khoa Mắt, người mắc bệnh đau mắt đỏ tuyệt đối không tự ý sử dụng các thuốc nhỏ mắt, đặc biệt là thuốc có chứa corticoid.
Việc lạm dụng corticoid có thể dẫn đến ức chế phản ứng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát, kéo dài thời gian nhiễm trùng hơn, đặc biệt tăng nguy cơ kháng thuốc.
Trong một số trường hợp, thuốc chứa dexamethasone sẽ giúp giảm viêm, giảm đỏ mắt nhanh chóng. Tuy nhiên, nếu dùng không đúng bệnh có thể gây tai biến. Khi lạm dụng trong thời gian dài, sẽ làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể, tăng nhãn áp (một tình trạng có khả năng gây mù)… Các tai biến này càng đặc biệt nguy hiểm hơn ở trẻ em.
Không tự ý dùng các thuốc đông y để chữa đau mắt đỏ
Đồng thời, không nên tự ý dùng các thuốc đông y để chữa bệnh đau mắt đỏ như xông lá trầu không, đắp lá vào mắt… bởi việc này có thể gây ra tình trạng bội nhiễm, viêm loét giác mạc, thậm chí dẫn tới mù lòa.
Khi bị đau mắt đỏ, người bệnh nên sử dụng nước muối sinh lý (natri clorua 0,9%) hoặc nước cất để rửa mắt. Các loại thuốc nhỏ mắt có chứa kháng sinh được bác sĩ chỉ định trong các trường hợp có dấu hiệu nghi bội nhiễm vi khuẩn (đau nhức, giảm thị lực, sợ ánh sáng,..), phòng ngừa nhiễm trùng sau bóc giả mạc.
5 bước nhỏ thuốc mắt đúng cách
Bước 1: Rửa tay sạch. Ngửa đầu ra sau và nhìn lên trần nhà.
Bước 2: Dùng ngón trỏ kéo nhẹ mi dưới xuống, để lộ cùng đồ dưới.
Bước 3: Bóp nhẹ chai thuốc, nhỏ 1 giọt thuốc vào cùng đồ dưới. Tránh để chai thuốc chạm vào mắt, mi mắt hay ngón tay.
Bước 4: Nhắm mắt nhẹ nhàng, dùng tay đè nhẹ vào góc trong mắt.
Bước 5: Dùng khăn giấy lau nhẹ phần thuốc tràn ra ngoài mi mắt.
Lưu ý: Nếu sử dụng kính áp tròng thì nên tháo kính, nhỏ thuốc sau đó đợi ít nhất 15 phút trước khi đeo kính lại.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đau mắt đỏ là tình trạng nhiễm trùng mắt, thường do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc do phản ứng dị ứng, với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột, lúc đầu ở một mắt sau lan sang mắt bên kia. Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan trong cộng đồng và gây thành dịch. Cho đến nay chưa có vaccine phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và những người bị đau mắt đỏ rồi vẫn có thể bị nhiễm lại chỉ sau vài tháng khỏi bệnh.
Đau mắt đỏ tuy là một bệnh cấp tính, triệu chứng rầm rộ, dễ lây nhưng thường lành tính, ít để lại di chứng, tuy nhiên bệnh thường gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, học tập và lao động, và có không ít trường hợp bệnh kéo dài, gây biến chứng ảnh hưởng đến thị lực sau này nên mọi người cần có ý thức phòng bệnh tốt và cần được xử trí kịp thời khi mắc bệnh.