Lý do doanh nghiệp Trung Quốc mạnh tay đầu tư vào khu kinh tế kênh đào Suez
Ngày càng có nhiều nhà đầu tư Trung Quốc 'đổ bộ' vào Ai Cập và coi quốc gia này 'đường tắt' tới thị trường quốc tế nhờ kênh đào Suez, các ưu đãi thuế hào phóng và vị trí ở ngã ba châu Á, châu Phi và châu Âu.
Trong những tháng gần đây, Ai Cập đã đạt được thỏa thuận đầu tư trị giá hơn 8 tỷ USD với các công ty Trung Quốc cho Khu kinh tế kênh đào Suez (SCZONE).
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) cho biết SCZONE có diện tích hơn 455 km vuông, được xây dựng bởi Khu vực Phát triển Công nghệ Kinh tế Thiên Tân (Teda) và kể từ đó đến nay đã thu hút hàng trăm công ty, hầu hết của Trung Quốc. Trong SCZONE, Trung Quốc đã xây dựng một khu công nghiệp rộng 7,34 km2 có tên là Teda City.
Theo hãng thông tấn Reuters (Anh), trong những năm gần đây chính phủ AiCập đã chỉ đạo đầu tư hàng tỷ USD để nâng cấp cơ sở hạ tầng xung quanh kênh đào Suez, nhằm thu hút logistic, dịch vụ hàng hải, sản xuất, công nghệ thông tin và năng lượng.
Ai Cập đang cung cấp thêm ưu đãi về thuế và đầu tư để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là trong ngành ô tô, các dự án nhiên liệu hydro xanh và các ngành công nghiệp bổ sung.
SCZONE được phát triển dọc theo kênh đào Suez với 6 cảng chính và 4 khu công nghiệp. Ai Cập đang dựa vào các công ty Trung Quốc để thực hiện tham vọng biến SCZONE thành trung tâm kinh doanh nhiên liệu xanh khu vực. Công ty quốc doanh Energy China dự kiến xây dựng nhà máy hydro xanh tại Ai Cập. Cơ sở này sẽ xuất khẩu ammonia tới các thị trường tại châu Âu.
Ông Mohammed Soliman tại công ty tư vấn McLarty Associates (Mỹ) nhận định vị trí chiến lược và tầm quan trọng của kênh đào Suez đối với thương mại toàn cầu khiến nó trở nên hấp dẫn đối với các công ty Trung Quốc. Kênh đào Suez nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ và là tuyến đường biển ngắn nhất giữa châu Á và châu Âu.
Ông Soliman cho rằng việc các công ty Trung Quốc đầu tư vào SCZONE tạo điều kiện cho họ tiếp cận hiệu quả hơn với các thị trường châu Âu và châu Phi đồng thời tận dụng lợi thế từ vị trí chiến lược của kênh đào này. Có khoảng 18.000 tàu đi qua kênh đào Suez hàng năm.
Vào cuối tháng 5, một phái đoàn từ SCZONE đã đến thăm các thành phố của Trung Quốc, bao gồm Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu, Hàng Châu cùng đặc khu hành chính Hong Kong và ký kết các thỏa thuận trị giá hơn 3 tỷ USD bao gồm nhiều loại hàng hóa như hóa chất, dệt may, năng lượng....
Các công ty Trung Quốc cũng tham gia vào nhiều dự án khác của Ai Cập, bao gồm xây dựng một quận kinh doanh trung tâm ở thủ đô hành chính mới của nước này.
Tiến sĩ John Calabrese tại Viện Trung Đông (Mỹ) nhận định kênh đào Suez cùng các tuyến giao thông đa phương thức mà Bắc Kinh đóng vai trò then chốt trong hiện đại hóa đã hình thành huyết mạch thương mại kết nối Trung Quốc với thị trường Vùng Vịnh, châu Phi cùng châu Âu.
Các công ty Nhật Bản, Ấn Độ và Trung Đông cũng để mắt đến các cơ hội gần kênh đào Suez. Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đến thăm Ai Cập vào cuối tháng 4, ông cam kết rằng các công ty Nhật Bản sẽ đầu tư vào SCZONE.