Lý do giúp Ba Lan tự tin, không lo lắng khi bị Nga cắt khí đốt
Khoảng 50% nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại Ba Lan phụ thuộc vào Nga. Thế nhưng Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki khẳng định việc Gazprom (Nga) ngừng cung cấp khí đốt không tác động nhiều tới Ba Lan.
“Việc làm của phía Nga không ảnh hưởng đến các hộ gia đình, không ảnh hưởng tới Ba Lan”, Thủ tướng Morawiecki phát biểu trước các nghị sĩ Quốc hội nước này hôm 27/4.
Cùng ngày, phát biểu trên đài Phát thanh RMF, ông Petr Naimsky, quan chức trong chính phủ Ba Lan phụ trách lĩnh vực hạ tầng năng lượng chiến lược cho biết Warsaw sẽ không mua khí đốt của Nga nữa.
Sự tự tin của Thủ tướng Morawiecki là nhờ vào những nỗ lực bền bỉ của Ba Lan trong hơn một thập kỷ qua nhằm đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào năng lượng Nga. Nỗ lực đó càng được đẩy nhanh khi hợp đồng cung ứng khí đốt dài hạn ký với tập đoàn Gazprom (Nga) chuẩn bị hết hiệu lực.
Dự đoán của ông Morawiecki thành công đến đâu sẽ phụ thuộc vào việc các dự án hạ tầng có hoàn thành đúng tiến độ hay không, kế đến là việc các nước láng giềng có đủ nguồn cung khí đốt để hỗ trợ nguồn thiếu hụt từ Nga.
Hiện tại, Ba Lan tiêu thụ khoảng 20 tỉ m3 khí đốt mỗi năm, trong đó có khoảng 8,5-10 tỉ m3 được vận chuyển qua tuyến đường ống khí đốt Yamal kéo từ Nga, đường ống đã bị Gazprom ngừng hoạt động từ ngày 27/4. Nguồn còn lại là khoảng 6,5 tỉ m3 LNG nhập khẩu thông qua một trạm đầu mối, cùng với sản lượng khai thác trong nước đạt khoảng 3,8 tỉ m3. Kho dự trữ chiến lược của Ba Lan hiện được lấp đầy khoảng 76%, với 2,4 tỉ m3.
Ba Lan cũng có thể bù đắp thiếu hụt thông qua tuyến đường ống khí đốt từ Na Uy chạy qua biển Baltic. Nhưng phải đến năm 2023 tuyến đường ống này mới có được mức công suất 10 tỉ m3/năm. Ba Lan cũng có một số kết nối đường ống nhỏ hơn với các đồng minh Trung Âu như Lithuania, Slovakia và Cộng hòa Séc, cũng như khả năng đảo ngược dòng chảy khí đốt trên tuyến đường ống Yamal để nhận khí đốt từ Đức.
Nhìn về dài hạn, Ba Lan cũng có kế hoạch xây dựng các nhà máy phát điện chạy bằng khí đốt để cắt giảm phát thải carbon, thay thế các nhà máy nhiệt điện chạy than. Dịch chuyển này có thể sẽ đẩy nhu cầu tiêu thụ khí đốt tại Ba Lan lên mức 30 tỉ m3/năm, làm căng thẳng thêm yếu tố nguồn cung.