Lý do một địa phương không thể làm đường nối với quốc lộ
Trạm thu phí BOT Đông Hà được đặt trên quốc lộ 1A chia cắt trung tâm hành chính và trung tâm kinh tế - xã hội, lịch sử của tỉnh Quảng Trị. Nhiều người dân đi làm hằng ngày đều phải trả phí khi qua trạm BOT này dù chỉ sử dụng 1 đoạn đường ngắn, địa phương muốn làm đường đấu nối với quốc lộ 1 cũng không được do nhà đầu tư không đồng ý.
Trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Trị được đặt tại cửa ngõ TP. Đồng Hà (là trung tâm hành chính của tỉnh) với Thị xã Quảng trị (có di tích Thành cổ Quảng trị). Theo phản ánh của người dân địa phương, hằng ngày, rất nhiều tổ chức, cá nhân địa phương phải đi làm qua trạm thu phí này, dù chỉ sử dụng một đoạn đường BOT nhưng vẫn phải trả mức phí như đi toàn tuyến.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Trị nhiều lần muốn đầu tư hệ thống giao thông địa phương kết nối với quốc lộ 1 để phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đều không được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và nhà đầu tư BOT đồng thuận. Do việc có thêm các tuyến đường mới sẽ làm lưu lượng xe qua trạm BOT giảm, ảnh hưởng tới phương án thu hồi vốn của dự án theo hợp đồng BOT đã ký giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư. Điều này, theo địa phương, gây rất nhiều khó khăn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cuộc sống người dân trong khu vực.
Trước thực tế trên, tỉnh Quảng Trị đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ xử lý bất cập trạm thu phí BOT Quốc lộ 1 kể trên, có thể di dời trạm thu phí về phía Nam tỉnh, hoặc dùng ngân sách nhà nước mua lại dự án và dừng thu phí. Tuy nhiên, cả 2 phương án trên đều chưa được xem xét giải quyết.
Mới nhất, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị - tiếp tục ký văn bản gửi Bộ GTVT, đề nghị bộ xem xét có phương án xử lý phù hợp về vị trí đặt trạm BOT Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh này.
“Việc sớm xử lý bất cập vị trí đặt trạm thu phí BOT này sẽ tạo điều kiện để địa phương có điều kiện phát triển - kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự; ổn định đời sống nhân dân ở vùng quê truyền thống cách mạng đã có nhiều hy sinh, mất mát, đang còn vô vàn khó khăn thiệt thòi”, ông Đồng nêu quan điểm.
Phản hồi kiến của của địa phương, Bộ GTVT cho biết, việc xác định vị trí đặt trạm thu phí BOT Đông Hà được thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định, trên cơ sở thống nhất của UBND tỉnh Quảng trị và Bộ Tài chính.
Về đấu nối các tuyến giao thông với dự án BOT trên Quốc lộ 1, Bộ GTVT dẫn các quy định hiện hành và cho rằng, việc đầu tư đường địa phương đấu nối với các dự án BOT trên đường quốc lộ, trước khi địa phương phê duyệt phải có ý kiến thống nhất của nhà đầu tư BOT. Do đó, Bộ GTVT đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị thống nhất với nhà đầu tư BOT để thực hiện đấu nối với quốc lộ 1 theo quy định.
Về thu phí, Bộ GTVT thừa nhận, việc thu phí qua trạm BOT Đông Hà theo lượt (thu phí hở) có bất cập, chỉ công bằng tương đối, phương tiện của người dân sống gần trạm thu phí chỉ sử dụng đoạn đường ngắn vẫn phải trả mức phí như xe đi toàn tuyến; hoặc có xe sử dụng gần như toàn tuyến nhưng không qua trạm nên không mất phí.
Để giải quyết một phần bất cập này, từ tháng 9/2016, mức phí một số loại phương tiện đã được điều chỉnh giảm, đồng thời giảm phí với phương tiện của người dân, đơn vị đóng trên địa bàn quanh trạm thu phí này (giảm 50% phí với xe không kinh doanh, giảm 40% với xe kinh doanh). Tới nay, đã cấp thẻ giảm phí cho gần 16 nghìn ô tô của người dân, còn hơn 5.400 phương tiện đang được xem xét cấp thẻ giảm phí.
Với kiến nghị của địa phương dời trạm thu phí BOT Đông Hà về phía Nam tỉnh Quảng Trị, Bộ GTVT cho biết, nới thực hiện phương án trên trạm thu phí sẽ nằm ngoài phạm vi dự án, dẫn tới sai quy định, và cũng không khả thi về phương án tài chính (do giảm phương tiện qua trạm). Thực tế, từ khi trạm thu phí BOT trên đi vào hoạt động, người dân địa phương đều thực hiện tốt quy định, không xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự.
Với kiến nghị dùng ngân sách nhà nước mua lại dự án và dừng hoạt động trạm thu phí BOT qua Quảng Trị, Bộ GTVT cho biết đang thực hiện rà soát, đề xuất phương án xử lý các dự án BOT còn vướng mắc, bất cập. Tuy nhiên, qua rà soát, 2 dự án BOT Quốc lộ 1 qua Quảng Trị (thu chung phí tại trạm BOT Đông Hà) chưa đáp ứng các yêu cầu để đưa vào danh sách dự án cần xử lý bất cập. Thời gian tới, khi cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Quảng Trị đi vào hoạt động, Bộ GTVT sẽ đánh giá tác động với dự án BOT Quốc lộ 1, để có giải pháp xử lý kịp thời.
“Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn rất khó khăn như hiện nay, việc thu hút mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hình thức PPP (đối tác công - tư) là phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bộ rất mong Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng chia sẻ khó khăn của ngành trong giai đoạn hiện nay”, lãnh đạo Bộ GTVT nêu quan điểm.
Trạm thu phí BOT Đông Hà được dùng để thu phí thu hồi vốn cho 2 dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 qua Quảng Trị, gồm: Đoạn từ huyện Giao Linh đến TP.Đông Hà và đoạn từ TP. Đông Hà đến thị xã Quảng Trị.
Dự án BOT mở rộng quốc lộ 1 đoạn Giao Linh đến TP. Đông Hà dài hơn 15,5 km, tổng mức đầu tư hơn 1.067 tỷ đồng, thời gian thu phí hoàn vốn hơn 22 năm, đưa vào khai thác cuối năm 2016. Dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1A đoạn từ TP. Đông Hà đến thị xã Quảng Trị dài 14 km, tổng vốn đầu tư 1.030 tỷ đồng, trong đó vốn nhà đầu tư hơn 886 tỷ đồng, ngân sách hỗ trợ cho giải phóng mặt bằng. Dự án đưa vào sử dụng năm 2013.