Lý do Mỹ cần phát triển cùng lúc 2 loại chiến cơ thế hệ mới
Trong bối cảnh Trung Quốc đã đưa vào biên chế 2 mẫu tiêm kích thế hệ 5, nhiều chuyên gia quốc phòng Mỹ cho rằng Lầu Năm Góc cần duy trì song song hai chương trình máy bay chiến đấu thế hệ 6, phù hợp riêng cho không quân và hải quân Mỹ.
Theo National Interest, hiện nay, chỉ có Mỹ và Trung Quốc sở hữu 2 mẫu máy bay tiêm kích thế hệ 5 đang hoạt động. Mỹ đi đầu trong lĩnh vực này khi phát triển F-22 Raptor, tiêm kích chiếm ưu thế trên không do Lockheed Martin sản xuất, sau đó là F-35 Lightning II, máy bay tấn công đa năng với 3 biến thể dành cho không quân, hải quân và thủy quân lục chiến. Với hơn 1.100 chiếc đang phục vụ tại nhiều quốc gia, F-35 trở thành chương trình tiêm kích thành công nhất thời hậu chiến tranh lạnh.
Trong khi đó, Trung Quốc cũng thu hẹp khoảng cách khi phát triển tiêm kích J-20 của tập đoàn Chengdu và J-35 của tập đoàn Shenyang, lần lượt phục vụ trong không quân và hải quân Trung Quốc. Thiết kế của J-20 bị cho là có nhiều nét tương đồng với F-22, dẫn đến đồn đoán rằng Trung Quốc đã “học hỏi” từ các thiết kế của Mỹ.

Boeing được chọn để sản xuất tiêm kích F-47 - Ảnh: Reuters
Khác biệt trong cách tiếp cận
Sự phát triển nhanh chóng của ngành công nghiệp hàng không Trung Quốc phản ánh phần nào đặc điểm của hệ thống quản lý sản xuất nước này.
Theo ông Wayne Shaw, giám đốc phụ trách hàng không và quốc phòng tại công ty tư vấn Frost & Sullivan, Trung Quốc có lợi thế về nguồn nhân lực khổng lồ và mô hình tổ chức sản xuất tập trung cao độ. Ông nhấn mạnh rằng tại Trung Quốc, việc đình công hay gián đoạn sản xuất là điều hầu như không thể xảy ra, một yếu tố mà các nước phương Tây, bao gồm Mỹ, khó có thể tránh khỏi.
“Ở Mỹ, số người có đủ kiến thức và kỹ năng để thiết kế, sản xuất máy bay chiến đấu hiện đại là rất hạn chế, và phần lớn lực lượng lao động trong lĩnh vực này đều thuộc công đoàn. Điều đó kéo theo yêu cầu cao về điều kiện làm việc, thời gian lao động, lương và các chế độ phúc lợi”, Shaw giải thích. Trong khi đó, các nhà máy tại Trung Quốc không bị ràng buộc bởi các quy định như tại các cơ sở sản xuất ở Fort Worth (Texas) hay Hawthorne (California).
Mỹ vẫn đủ khả năng duy trì 2 chương trình tiêm kích thế hệ 6
Dù đối mặt với nhiều ràng buộc về nhân sự và quy định lao động, Mỹ vẫn có nền công nghiệp hàng không vũ trụ phát triển và phân bố rộng khắp, đủ sức đáp ứng yêu cầu phát triển 2 chương trình tiêm kích thế hệ 6 trong tương lai gần.
Hiện tại, không quân Mỹ đang theo đuổi chương trình F-47, còn hải quân đang phát triển F/A-XX, tiêm kích thay thế F/A-18 Super Hornet. Theo ông Shaw, việc gộp hai chương trình này thành một dù có thể tiết kiệm ngân sách, sẽ là một sai lầm chiến lược.
Ông lý giải rằng mỗi lực lượng có yêu cầu kỹ thuật riêng biệt. Không quân Mỹ cần một máy bay tầm xa hoạt động từ căn cứ trên đất liền, trong khi hải quân cần máy bay có thể cất, hạ cánh trên tàu sân bay, đòi hỏi thiết kế khung thân, hệ thống hạ cánh và khả năng chịu tải khác biệt hoàn toàn.
Chuyên gia Shaw cảnh báo rằng không còn thời gian hay nguồn lực để quay lại thiết kế một mẫu máy bay “đa năng” đáp ứng cả hai yêu cầu trong bối cảnh an ninh toàn cầu bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột đang diễn ra.
“Chúng ta cần cho tổng thống Mỹ khả năng triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay với tiêm kích thế hệ 6 sẵn sàng trên boong, cũng như cung cấp cho không quân năng lực tương đương để bảo vệ những khu vực nằm ngoài tầm với của hạm đội hải quân”, ông Shaw nhấn mạnh.
Phát triển đúng vũ khí cho đúng nhiệm vụ
Theo ông Shaw, vấn đề cốt lõi không phải là số lượng chương trình, mà là tính phù hợp với nhiệm vụ tác chiến. Trong hầu hết các kế hoạch chiến dịch (OPLAN), quyền kiểm soát vùng trời thuộc về chỉ huy thành phần không quân hỗn hợp (C/JFACC), người thường dựa vào lực lượng không quân mặt đất để giành ưu thế trên không trong khu vực tác chiến (AOR).
Việc phát triển 2 dòng máy bay riêng biệt không chỉ mang tính khả thi, mà còn là lựa chọn chiến lược cần thiết nếu Mỹ muốn duy trì ưu thế trước các đối thủ như Trung Quốc - quốc gia đang nhanh chóng đầu tư cho không quân với sự hỗ trợ tối đa từ nhà nước.
Trong khi Bắc Kinh có thể thúc đẩy các chương trình phát triển máy bay chiến đấu bằng cơ chế kiểm soát tập trung, thì Mỹ phải phụ thuộc vào sự hợp tác giữa chính phủ và các tập đoàn tư nhân, vốn bị chi phối bởi nhiều yếu tố thương mại, pháp lý và nhân lực. Tuy nhiên, lợi thế của Mỹ nằm ở nền tảng công nghệ sâu rộng, năng lực sản xuất đa dạng và kinh nghiệm thực chiến phong phú.
Giới phân tích cho rằng, câu hỏi đặt ra không còn là Mỹ “có nên” hay “có thể” phát triển hai dòng máy bay thế hệ 6, mà là “cần phải” nếu Washington muốn duy trì vai trò siêu cường hàng đầu trong không chiến hiện đại. Trong khi Trung Quốc đã công khai tham vọng hiện đại hóa quân đội đến năm 2035, Mỹ không thể chậm trễ trong việc chuẩn bị cho thế hệ máy bay tiếp theo.