Lý do TP.HCM có số ca sốt xuất huyết cao nhất cả nước
Nhiều năm gần đây, TP.HCM là một trong những địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất cả nước.
Thông tin trên được TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nói tại lễ phát động ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết. Theo bác sĩ Châu, từ đầu năm đến nay, toàn thành phố ghi nhận 3.251 ca mắc sốt xuất huyết, không có ca tử vong.
Ca bệnh đã xuất hiện ở 22 quận huyện, trong đó có những địa phương có số ca mắc cao như Bình Chánh, Tân Phú, Bình Tân.
"Nguy cơ làm lây lan bệnh sốt xuất huyết chính là muỗi vằn, một loài muỗi sống gần con người, sống ngay trong ngôi nhà đang ở, trong căn phòng đang làm việc", bác sĩ Châu nói.
Do đó, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là chủ động diệt lăng quăng, diệt muỗi ngay tại nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị. Phòng chống sốt xuất huyết cần phải được cả cộng đồng chung tay thực hiện thường xuyên hàng ngày, hàng tuần.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), có hai loại muỗi gây bệnh sốt xuất huyết là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu gây bệnh là Aedes aegypti. Muỗi vằn có màu đen, thân và chân có những đốm trắng. Muỗi vằn cái đốt người vào ban ngày, đốt mạnh nhất là vào sáng sớm và chiều tối.
Loại muỗi này truyền bệnh sốt xuất huyết bằng cách đốt người bệnh nhiễm virus Dengue, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt.
Ở Việt Nam, bệnh lưu hành phổ biến, cả thành thị và nông thôn. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường bùng phát thành dịch lớn vào mùa mưa, nhất là vào các tháng 7-10.
Người mắc bệnh sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt đột ngột 39-40 độ C, kéo dài 2-7 ngày và khó hạ sốt. Ngoài ra, người bệnh còn đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu, có thể nổi mẩn và phát ban.
Người bị nặng còn kèm theo một số triệu chứng như có chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, người dân cần diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Đồng thời, mọi người loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
Đậy kín tất cả dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Thả cá hoặc Mesocyclops vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
Thu gom, hủy các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
Cách phòng chống muỗi đốt:
Mặc quần áo dài tay.
Ngủ trong mùng kể cả ban ngày.
Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Song song đó, người dân cần tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.