Lý do Vietnam Airlines dừng khai thác 11 máy bay, hoãn bán 6 chiếc A321
Theo lãnh đạo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), đến thời điểm này hãng phải dừng khai thác 11 chiếc và cuối năm nay phải dừng thêm 6 chiếc nữa, tình hình này sẽ giảm dần trong năm 2025.
Hoãn bán 6 tàu bay A321
Ngày 21/6, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024. Thông tin về tình hình kinh doanh trong nửa đầu năm nay, ông Lê Hồng Hà - Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, hiện hầu hết các tổ chức đều dự báo sản lượng khách đi lại trên toàn cầu bằng hàng không sẽ phục hồi hoàn toàn so với năm 2019. Ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến cần thêm thời gian để phục hồi.
Với thị trường Việt Nam, dự kiến sẽ có những dấu hiệu tích cực cả ở nội địa và quốc tế. Song tình hình kinh tế trong nước còn tiềm ẩn rủi ro. Đối với thị trường quốc tế đi đến Việt Nam, dự báo vẫn chưa thể đạt được mức trước dịch do lo ngại về suy thoái kinh tế, xung đột chính trị.
“Thị trường hàng không đã qua giai đoạn khó khăn lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của Vietnam Airlines và các hãng hàng không là việc triệu hồi động cơ Pratt & Whitney trên các tàu bay A321/320 NEO. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt máy bay trầm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến kế hoạch khai thác, phục hồi và mở rộng mạng bay sau đại dịch”, ông Hà nói.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines - cho biết, đến thời điểm này hãng phải dừng khai thác 11 chiếc và cuối năm nay phải dừng thêm 6 chiếc nữa. Tình hình này sẽ giảm dần trong năm 2025.
“Hãng đang tích cực làm việc với nhà sản xuất động cơ PW về vấn đề cung cấp động cơ dự phòng và cung cấp lịch sửa chữa sớm nhất cho các động cơ bị ảnh hưởng, đồng thời giảm tần suất khai thác một số chặng không hiệu quả để tập trung nguồn lực cho các chặng bay chính. Hiện số giờ bay của đội bay được tăng từ 15-20%, giúp phần nào bù đắp được việc thiếu máy bay”, ông Thắng nói đồng thời cho biết, từ nay đến cuối năm Vietnam Airlines tiếp tục sẽ thuê khô, thuê ướt một số đội bay.
Theo lãnh đạo Vietnam Airlines, Đại hội đồng cổ đông năm ngoái đã thông qua việc bán 6 tàu A321CEO để đổi mới đội tàu bay nhằm tiết kiệm chi phí, và nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thiếu máy bay gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, Vietnam Airlines phải thực thực hiện điều chỉnh kế hoạch thanh lý đội tàu bay A321CEO, bao gồm lùi lịch bán 6 tàu bay A321CEO để đáp ứng nhu cầu tàu bay của hãng.
Để bù đắp thiếu hụt các dòng máy bay do Boeing, Airbus sản xuất, lãnh đạo Vietnam Airline tiết lộ, đang trong quá trình nghiên cứu, đánh giá khả năng khai thác, tiến trình hoàn thiện tàu bay thân hẹp do Trung Quốc chế tạo như C979.
“Vietnam Airlines căn cứ các kế hoạch nâng cấp các sân bay nhỏ để nghiên cứu tàu khu vực phản lực thân hẹp. Trong thời gian từ nay đến khi có tàu phản lực cỡ nhỏ, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục duy trì khai thác bằng tàu ATR72 đối với các đường bay Côn Đảo, Rạch Giá. Hãng dự kiến đưa vào khai thác từ cuối năm 2025”, lãnh đạo Vietnam Airlines nói.
Về lâu dài, Vietnam Airlines đang hoàn thiện kế hoạch phát triển đội bay trong giai đoạn 2025-2030, đẩy nhanh tốc độ mua 50 tàu bay thân hẹp sau năm 2030.
Pacific Airlines sẽ bay trở lại
Liên quan đến phương án tái cơ cấu Pacific Airlines, bà Dương Thị Việt Thắm - Trưởng ban Kiểm soát Vietnam Airlines - cho biết, Pacific Airlines đã đàm phán thành công thỏa thuận chấm dứt sớm hợp đồng với các bên cho thuê tàu bay và động cơ. Việc trả lại toàn bộ máy bay cho đối tác đã giúp Pacific Airlines xóa được khoản nợ lên tới 220 triệu USD.
"Pacific Airlines đang phối hợp với công ty mẹ đánh giá, làm việc với cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ thuế phải chi trả và dự kiến hãng sẽ trở lại hoạt động bay với một máy bay do Vietnam Airlines chuyển sang. Đây là máy bay đầu tiên trong kế hoạch được Vietnam Airlines cho hãng thuê ba chiếc", đại diện Vietnam Airlines cho hay.
Hiện, Pacific Airlines đã báo cáo cơ quan chức năng, các đơn vị liên quan về thời gian bay trở lại vài ngày tới. Dự kiến, hãng khai thác 6 chặng bay đi, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Huế, Chu Lai, Thanh Hóa, Vinh.
2 kịch bản tăng trưởng
Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, Vietnam Airlines đã đưa ra 2 kịch bản về tổng thị trường phụ thuộc vào tiến độ phục hồi của nhóm đường bay này. Theo đó, kịch bản cao dự kiến khách tổng thị trường tăng 19,9% so với năm ngoái và phục hồi được 92% so với năm 2019.
Kịch bản trung bình, dự kiến khách tổng thị trường tăng 13% so với năm 2022 và phục hồi được 87% so với năm 2019.
Năm nay, dự kiến VIetnam Airlines sẽ vận chuyển 22,64 triệu lượt hành khách, tăng 7,6% so cùng kỳ và bằng 99% so 2019.
Kết quả sản xuất kinh doanh của công ty mẹ và hợp nhất năm 2024 dự kiến sẽ đạt mục tiêu cân đối thu chi. Trong đó, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ đạt 105 tỷ đồng và hợp nhất là 4.524 tỷ đồng.