Lý do yêu cầu Ukraine đổi đất hiếm lấy viện trợ của ông Trump khó thành hiện thực

Yêu cầu Ukraine đổi đất hiếm lấy viện trợ của Tổng thống Mỹ Donald Trump có lẽ sẽ khó được thực hiện, trong bối cảnh cuộc xung đột với Nga vẫn chưa có hồi kết.

Tổng thống Donald Trump đã bày tỏ mong muốn Ukraine bù đắp khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 300 tỷ USD bằng cách cho Washington tiếp cận trữ lượng khoáng sản đất hiếm khổng lồ nhưng chưa được khai thác của nước này. Ngày 3/2, ông Trump nhấn mạnh rằng ông muốn "cân bằng" khoản hỗ trợ gần 300 tỷ USD bằng việc tiếp cận các nguồn tài nguyên của Ukraine.

"Chúng tôi đang nói với Ukraine rằng họ có đất hiếm rất có giá trị", ông Trump tuyên bố. "Chúng tôi đang tìm cách thực hiện một thỏa thuận với Ukraine, trong đó họ sẽ đảm bảo những gì chúng tôi cung cấp cho họ bằng đất hiếm và những thứ khác".

Điều này phản ánh một xu hướng rõ ràng trong chính sách của Mỹ: hỗ trợ Ukraine không chỉ vì lý do chiến lược, mà còn vì lợi ích kinh tế.

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty

Ukraine nắm giữ một trong những mỏ khoáng sản quan trọng nhất châu Âu, bao gồm lithium và titan nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhiều năm tìm cách phát triển các nguồn tài nguyên này, vốn được Forbes Ukraine ước tính có giá trị hơn 12.000 tỷ bảng Anh.

Năm 2021, ông Zelensky từng đề xuất các biện pháp ưu đãi thuế và quyền lợi đầu tư để thu hút nguồn vốn khai thác, song kế hoạch này đã bị đình trệ sau khi cuộc xung đột với Nga nổ ra vào đầu năm 2022.

Nhận thức được tiềm năng to lớn của lĩnh vực này, ông Zelensky đã đưa khai thác khoáng sản vào kế hoạch chiến thắng của Ukraine, một chiến lược được xây dựng vào năm ngoái. Các khoáng sản này đóng vai trò thiết yếu trong sản xuất xe điện, năng lượng sạch cũng như công nghiệp quốc phòng.

Dữ liệu thống kê cho thấy Ukraine sở hữu một hệ thống tài nguyên phong phú và đa dạng. Theo Foreign Policy, nước này có trữ lượng thương mại của 117 trong số 120 khoáng sản công nghiệp quan trọng nhất, với hơn 8.700 mỏ được khảo sát. Đặc biệt, Ukraine là quốc gia sở hữu nguồn tài nguyên lithium lớn nhất châu Âu, với hơn 500.000 tấn chưa được khai thác.

Điều đó lý giải vì sao ông Trump muốn tận dụng lợi thế này, nhất là khi Trung Quốc vẫn dẫn đầu trong lĩnh vực khai thác các loại khoáng sản quan trọng như titan. Trước xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc có nhiều dự án hợp tác với Ukraine trong lĩnh vực này, với mục tiêu duy trì vị thế dẫn đầu trong chuỗi cung ứng công nghệ cao.

Việc Mỹ và châu Âu cố gắng giảm phụ thuộc vào nguồn khoáng sản Trung Quốc càng khiến Bắc Kinh quan tâm hơn đến việc duy trì quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên chiến lược tại Ukraine. Tuy nhiên, chiến sự và bất ổn địa chính trị đã làm gián đoạn nhiều kế hoạch đầu tư của Trung Quốc, buộc nước này phải điều chỉnh chiến lược phát triển chung.

Tuy nhiên, ngay cả khi ông Trump nhận được cái gật đầu từ người đồng cấp Ukraine Zelensky, cuộc xung đột với Nga sẽ khiến Kiev gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu của Nhà Trắng. Cuộc chiến với Nga không chỉ làm trì hoãn kế hoạch khai thác mà còn khiến nhiều khu vực giàu tài nguyên của Ukraine bị tàn phá hoặc nằm trong vùng kiểm soát của Moscow.

Ước tính, hơn 6.000 tỷ bảng Anh tài nguyên khoáng sản - tương đương 53% tổng tài nguyên của Ukraine - hiện nằm trong bốn vùng lãnh thổ mà Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố chủ quyền vào tháng 9/2022, bao gồm Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia và Kherson. Bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga sau một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2014, cũng có trữ lượng khoáng sản trị giá khoảng 165 tỷ bảng Anh.

Ngoài ra, khu vực Dnipropetrovsk - hiện là một trong những mục tiêu quân sự chiến lược của Nga, cũng sở hữu 2,8 nghìn tỷ bảng Anh tài nguyên khoáng sản. Hoạt động khai thác mỏ tại khu vực này vẫn gặp nhiều thách thức do sự hiện diện của lực lượng Moscow.

Một số mỏ khoáng sản quan trọng khác cũng nằm trong phạm vi kiểm soát của Nga. Đáng chú ý, một mỏ lithium tại Shevchenko (Donetsk) chỉ cách thị trấn Velyka Novosilka - khu vực mới rơi vào tay Nga - chưa đầy 16km.

Trong tương lai, số phận tài nguyên khoáng sản của Ukraine sẽ phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo của cuộc chiến cũng như những quyết sách khó đoán của Tổng thống Trump. Nếu Kiev có thể giành lại quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ giàu tài nguyên và thu hút đầu tư từ phương Tây, nước này có thể trở thành một trung tâm công nghiệp quan trọng của châu Âu.

Diệp Thảo/VOV.VN (biên dịch) Theo The Telegraph, The Independent

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/ly-do-yeu-cau-ukraine-doi-dat-hiem-lay-vien-tro-cua-ong-trump-kho-thanh-hien-thuc-post1152768.vov