'Ma trận' phí bủa vây đầu năm học - Bài 3: Ngăn ngừa để không chạy theo xử lý
Ngành giáo dục cũng ra sức nhắc nhở, xử lý những sự vụ 'lạm thu' nhưng có vẻ như việc chạy theo xử lý như hiện nay chưa đủ để giải quyết thực trạng này. Đã đến lúc nhà quản lý cần 'bốc thuốc' mạnh hơn để ngăn ngừa sự việc xảy ra.
Xử lý sau sự vụ = Thuốc chưa đủ mạnh
Sau khi “nổ ra” những sự vụ thu không đúng quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM lập tức ban hành văn bản chấn chỉnh công tác thu - chi đầu năm học 2022-2023, trong đó có nội dung nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) để thu các khoản ngoài quy định. Sở yêu cầu tất cả nhà trường phải thông báo đầy đủ, công khai các khoản thu bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh (nêu rõ nội dung các khoản thu theo quy định, khoản thu theo thỏa thuận và khoản thu hộ - chi hộ); giãn thời gian thực hiện các khoản thu; không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm... Đồng thời nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện CMHS để thu các khoản thu ngoài quy định tại thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22-11-2011 của Bộ GD-ĐT. Kinh phí hoạt động của ban đại diện CMHS do ban đại diện quản lý, sử dụng và chỉ phục vụ các hoạt động trực tiếp của ban đại diện.
Ngoài ra, Sở này cũng lưu ý các phòng GD-ĐT có trách nhiệm tham mưu cho UBND quận, huyện và TP Thủ Đức chỉ đạo phòng ban liên quan phối hợp kiểm tra, giám sát, thành lập đoàn kiểm tra tình hình thu chi đầu năm học tại các cơ sở giáo dục trực thuộc theo phân cấp; kịp thời chấn chỉnh tình trạng lạm thu hoặc thu các khoản trái quy định; có hình thức xử lý nghiêm đối với hiệu trưởng cơ sở giáo dục thực hiện thu chi không đúng quy định.
Sau khi báo chí thông tin về các khoản thu không đúng quy định, Sở GD-ĐT đã ra văn bản xử lý vụ việc liên quan đến các khoản thu đầu năm học của Trường THPT Tây Thạnh (Tân Phú), nghiêm khắc phê bình Hiệu trưởng vì chưa thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý tài chính và các văn bản hướng dẫn thu chi đầu năm học 2022 – 2023 của Sở GD-ĐT, gây dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến công tác quản lý của ngành.
Những văn bản nhắc nhở, xử lý như thế năm nào cũng có nhưng dường như việc "đánh khẽ" của ngành chức năng đã không phát huy được tác dụng nên các sự vụ "lạm thu" gần như chưa thấy hồi kết. Chỉ sau hơn 1 tháng khai giảng năm học 2022-2023, ở nhiều trường vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều khoản thu không đúng quy định. Những sai sót này không thể chỉ đơn giản làm sai thì sửa, thu không đúng thì trả lại cho phụ huynh. Bởi nó trực tiếp khiến niềm tin của phụ huynh, dư luận rơi rớt dần. Theo các nhà sư phạm, làm sao để phòng ngừa hiệu quả, không nên để xảy ra rồi xử lý.
Giành lại niềm tin, không khó!
Trước những phản ánh và bức xúc của dư luận, chỉ đạo tại hội nghị công tác thanh tra, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM nhấn mạnh, năm nào vấn đề lạm thu đầu năm học cũng được các cơ quan báo chí phản ánh. Đây là vấn đề không mới, nhưng năm nào cũng có khiến dư luận và xã hội quan tâm. Hiệu trưởng các đơn vị không được đổ hết trách nhiệm cho Ban đại diện CMHS, không thể nói là không biết, không can thiệp hoạt động của Ban đại diện. Thay vào đó, hiệu trưởng phải là người chịu trách nhiệm toàn diện, quản lý chặt chẽ tất cả các hoạt động trong trường.
Rõ ràng đúng như tư lệnh ngành giáo dục TPHCM đã khẳng định, chỉ cần người đứng đầu trường học luôn đặt mình trong tâm thế phải có trách nhiệm trong mọi tình huống thì sẽ hạn chế những khoản thu, cách làm không đúng quy định. Đưa ra giải pháp, cô Trương Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) chia sẻ thêm: Cả ban giám hiệu cùng làm hết trách nhiệm; cân nhắc các khoản thu hợp lý, vừa đủ; trao đổi với giáo viên chủ nhiệm và quan trọng nhất là cho phụ huynh thấy sự đóng góp mang lại giá trị thực chất cho học sinh; đồng thời, tinh tế với những phụ huynh khó khăn, chăm lo thiết thực cho học sinh khó khăn… tất cả là những lý lẽ thuyết phục, nhân văn nhất để phụ huynh, học sinh trao niềm tin cho nhà trường.
Còn ThS Lê Ngọc Điệp, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT TPHCM đưa ra lời khuyên: Nhà trường - Gia đình - Xã hội là ba thành phần cần phối hợp chặt chẽ để làm cho giáo dục vững mạnh nhằm đem lại việc dạy học thành công cho thế hệ trẻ. Vì vậy Hội phụ huynh hãy làm đúng chức năng của Hội. Đó là chọn người uy tín, có tấm lòng yêu thương trẻ, cho sự nghiệp trồng người để chung tay với nhà trường. Ngược lại, không làm công việc tài chánh vì lãnh vực nhạy cảm này chưa thực sự đóng góp tốt nhất cho tất cả ngôi trường, mà tai tiếng đã lan rộng khắp nơi.
ThS Lê Ngọc Điệp chỉ ra ở một số nước trên thế giới, ở địa phương có trường học thì có Hội đồng giáo dục với nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ đồng thời giám sát các hoạt động giáo dục của nhà trường theo đúng mục tiêu, kế hoạch năm học. Nhà trường phải công khai về tài chánh, mỗi năm Nhà nước cấp ngân khoản cho mỗi học sinh là bao nhiêu và công bố cho phụ huynh biết. Ngân khoản được chi cho những khoản nào để nhà trường tổ chức dạy học. Học sinh được thụ hưởng ngân sách giáo dục là chừng đó tiền và nhà trường sẽ dùng đúng theo quy định. Nhà trường làm đúng chức năng dạy học và các hoạt động giáo dục cũng như lo cho học sinh học bán trú, bữa ăn, chỗ ngủ, vệ sinh... Bất cứ hoạt động nào cũng nhằm rèn luyện cho học sinh thành người có học và là công dân tốt.
Thật ra những điều này không khó để thực hiện, mấu chốt của vấn đề vẫn là hai chữ TRÁCH NHIỆM. Trong đó, thầy cô lẫn cha mẹ học sinh, đều đặt trách nhiệm của mình lên cao nhất, trách nhiệm phải giữ niềm tin cho giáo dục, giữ gìn ngôi trường như một ngôi đền của trí tuệ cho học trò. Và hãy hành xử đúng như vậy trong xuyên suốt.