Mặc bất ổn toàn cầu, FDI vẫn nườm nượp vào ASEAN, quốc gia nào đang tỏa sáng?

Mặc những bất ổn địa chính trị toàn cầu và tình hình đại dịch Covid-19, dòng vốn đầu trực tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục đổ vào các thị trường ASEAN, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất.

Nhóm ASEAN-6 đang thu hút khoảng 13% tổng số vốn FDI trên toàn thế giới. (Nguồn: Amro Asia)

Nhóm ASEAN-6 đang thu hút khoảng 13% tổng số vốn FDI trên toàn thế giới. (Nguồn: Amro Asia)

Bùng nổ FDI vào ASEAN

Thống kê của Hội nghị Liên hợp quốc về thương mại và phát triển và nghiên cứu của ngân hàng HSBC cho thấy, nhóm ASEAN-6 (gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) đang thu hút khoảng 13% tổng số vốn FDI trên toàn thế giới.

Cụ thể, tổng FDI vào ASEAN-6 trung bình mỗi năm đạt gần 127 tỷ USD kể từ năm 2010, gần gấp ba lần so với một thập kỷ trước đó (mức trung bình trong giai đoạn năm 2000-2009 là 41 tỷ USD).

FDI ròng (giá trị đầu tư trực tiếp vào trong nước trừ đi giá trị đầu tư trực tiếp ra nước ngoài) trung bình đạt gần 54 tỷ USD một năm kể từ 2010, gần gấp bốn lần một thập niên trước.

Theo các chuyên gia của ngân hàng HSBC, nhờ vào tiềm năng kinh tế to lớn của khu vực, thị trường ASEAN đã chứng kiến sự bùng nổ của đầu tư FDI trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, môi trường chính sách FDI cải thiện được cho là điểm quyết định.

Indonesia và Việt Nam đã có những thay đổi lớn nhất, bao gồm nới lỏng các hạn chế đầu tư, quản lý tài khóa tốt hơn…

Song song với đó, hạ tầng đang được các nước ASEAN xem là "chìa khóa" thu hút vốn đầu tư FDI chất lượng cao. Vì vậy, các mô hình thành phố thông minh đa kết nối được tập trung xây dựng và triển khai.

Đánh giá về làn sóng FDI bùng nổ tại ASEAN, ông Andree Mangels, Tổng giám đốc ManpowerGroup Vietnam cho rằng: "Cách đây 5 năm hầu như các công ty cung cấp nhân sự tại ASEAN không có hẳn một bộ phận riêng để tuyển nhân viên công nghệ chất lượng cao, nhưng giờ thì có. Điều này cho thấy nhu cầu rất lớn tại khu vực.

Số lượng nhân tài công nghệ tại các nước ASEAN cũng đang tăng dần, đặc biệt là ở thế hệ trẻ. Đây cũng là lý do khiến các quốc gia này hút doanh nghiệp FDI".

Việt Nam là một ví dụ nổi bật trong câu chuyện thành công về thu hút FDI. (Nguồn: Vnxpress)

Việt Nam là một ví dụ nổi bật trong câu chuyện thành công về thu hút FDI. (Nguồn: Vnxpress)

Việt Nam - ngôi sao đang lên

Theo HSBC cho biết, Việt Nam là một ví dụ nổi bật trong câu chuyện thành công về thu hút FDI.

Ngân hàng này nhấn mạnh, Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.

Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới năm 1986, các khu công nghiệp được xây dựng trên toàn quốc, thu hút nhiều nhà đầu tư nhờ chính sách ưu đãi thuế và nguồn lao động giá rẻ, năng suất dồi dào. Dòng chảy FDI mới vào Việt Nam từ thập niên 2010 tập trung vào lĩnh vực sản xuất, vẫn luôn chiếm 4-6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Ban đầu, phần lớn vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực tạo giá trị cộng thêm thấp như dệt may và giày dép; tuy nhiên, trong những năm qua, Việt Nam đã tiến lên trong chuỗi giá trị, trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử trong hai thập niên gần đây.

Tính đến năm 2021, xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỷ USD, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; trong khi 20 năm trước, tỷ trọng này chỉ chiếm 5%.

Ngân hành HSBC đánh giá, sự thành công trong lĩnh vực công nghệ phần nhiều là nhờ vào nguồn FDI nhiều năm của Samsung tại Việt Nam kể từ cuối những năm 2000.

Với tổng đầu tư khoảng 18 tỷ USD trong những năm qua, Samsung hiện nay sở hữu 8 nhà máy và một trung tâm R&D tại Việt Nam, bao gồm 2 nhà máy sản xuất điện thoại thông minh, cung cấp phân nửa sản lượng điện thoại thông minh và máy tính bảng của hãng.

Ngoài ra, sự thành công của Samsung đã thúc đẩy những người khổng lồ công nghệ khác, như Google và LG, chuyển chuỗi cung ứng đến Việt Nam.

Xu hướng này càng phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, không chỉ nâng cao sản lượng xuất khẩu của Việt Nam mà còn gia tăng dòng chảy FDI vào trong nước.

Điểm đến hấp dẫn trong dài hạn

Giám đốc điều hành tập đoàn UOB Asset Management tại Malaysia Lim Suet Ling nhận thấy, ASEAN đang được kỳ vọng là điểm đến đầu tư hấp dẫn trong dài hạn. Với quy mô kinh tế lớn thứ tư thế giới, khu vực ASEAN có lợi thế dân số trẻ và trình độ học vấn cao.

Theo bà Lim Suet Ling, việc Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa để ngăn dịch Covid-19 lây lan đồng nghĩa các nước trên thế giới cần hướng tới việc đa dạng hóa chuỗi cung ứng và ASEAN có thể nắm bắt cơ hội này để thu hút đầu tư.

Để phục hồi kinh tế khu vực và đạt mục tiêu trở thành một trong những nhà sản xuất lớn nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu, ASEAN đã nhất trí nâng cấp các hiệp định thương mại tự do hiện có và đẩy nhanh việc thực thi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Tại Hội nghị Tương lai châu Á vừa qua, Thủ tướng Campuchia Hun Sen - nước Chủ tịch ASEAN 2022 - đã nhấn mạnh, ASEAN đang tối đa hóa hiệu quả của các hiệp định thương mại trong khi tăng cường kết nối.

Hiện tại, các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài đang tiếp tục được đổ vào nhiều quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt trong lĩnh vực điện và điện tử.

Tuy nhiên, bà Lim Suet Ling cho rằng, để nâng cao vị thế là một điểm đến đầu tư hàng đầu, các nước thành viên ASEAN cần có thêm nhiều “kỳ lân” (các công ty khởi nghiệp được định giá từ 1 tỷ USD trở lên) trong lĩnh vực công nghệ.

Các chuyên gia nhận định, các nước ASEAN cần có chiến lược riêng, hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp nội địa, qua đó thâm nhập sâu vào chuỗi công nghiệp phụ trợ. Đây mới là hướng đi bền vững nếu muốn dòng vốn FDI chất lượng cao tiếp tục duy trì.

Ông Louis Zacharilla, Đồng sáng lập Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) cho hay, chạy đua sở hữu một hạ tầng thông minh từ chính quyền điện tử, chuyển đổi số trong sản xuất với các nhà máy thông minh sẽ là điều các nền kinh tế ASEAN phải làm nếu muốn hút được dòng vốn FDI công nghệ cao.

Về phía Việt Nam, ông Louis Zacharilla đánh giá, doanh nghiệp nội địa cần phát triển mảng dịch vụ khu công nghiệp để bán cho khách thuê, thay vì chỉ thu được tiền thuê đất của các công ty nước ngoài.

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/mac-bat-on-toan-cau-fdi-van-nuom-nuop-vao-asean-quoc-gia-nao-dang-toa-sang-194008.html