Mắc kẹt trong nợ nần và nạn đói

Mới đây, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Borge Brende đã lên tiếng cảnh báo triển vọng ảm đạm cho nền kinh tế toàn cầu, khi nợ toàn cầu tăng cao và việc thiếu hụt lương thực đang đe dọa nhiều quốc gia.

Nợ nần và khô hạn là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Nigeria. Ảnh: Lepoint.fr.

Nợ nần và khô hạn là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu lương thực ở Nigeria. Ảnh: Lepoint.fr.

Phát biểu tại "Hội nghị đặc biệt về hợp tác toàn cầu, tăng trưởng và năng lượng cho phát triển" của WEF tại Riyadh (Ả Rập Saudi), ông Borge Brende nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt với một thập niên tăng trưởng thấp. Tỉ lệ nợ toàn cầu đang gần đạt mức chưa từng thấy kể từ những năm 1820.

Sự lựa chọn khó khăn giữa trả nợ và đầu tư

Đài CNBC dẫn lời ông Brende cho rằng tăng trưởng toàn cầu năm 2024 ước tính khoảng 3,2%. Con số này “không tệ” nhưng không phải là những gì thế giới thường chứng kiến - xu hướng tăng trưởng từng là 4% trong nhiều thập niên.

Chính vì thế, khi được hỏi về khả năng tránh giai đoạn tăng trưởng thấp, ông Brende cho rằng: "Chúng ta không thể tham gia vào cuộc chiến thương mại, chúng ta vẫn phải giao thương với nhau. Thế giới phải giải quyết tình hình nợ toàn cầu. Theo ông, thế giới chưa từng chứng kiến nợ ở quy mô này kể từ thời Chiến tranh Napoléon (1803-1815) và đang nợ 93% GDP toàn cầu (theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF).

“Các chính phủ cần xem xét cách giảm khoản nợ đó và thực hiện các biện pháp tài chính phù hợp mà không rơi vào kịch bản châm ngòi suy thoái kinh tế và cũng không lấy đi cơ hội cho các nền kinh tế đang phát triển” - Chủ tịch WEF lên tiếng.

Trong khi đó, nói về viễn cảnh kinh tế thế giới năm 2024, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) lại cho rằng tăng trưởng toàn cầu chỉ ở mức 2,7%. Và đó là “con số rất tệ”, tuy rằng có thể khả quan hơn vào năm 2025.

Ông Indermit Gill - chuyên gia Kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển tại Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng mức nợ kỷ lục và lãi suất cao đã đẩy nhiều quốc gia vào con đường khủng hoảng. “Mỗi quý khi lãi suất vẫn ở mức cao trôi qua sẽ khiến nhiều nước đang phát triển trở nên khó khăn hơn, cũng như là phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn giữa trả nợ công hoặc đầu tư vào y tế công cộng, giáo dục và cơ sở hạ tầng. 3 năm qua đã xảy ra 18 vụ vỡ nợ ở 10 quốc gia đang phát triển” - ông Gill nói và cho rằng thế giới đang “mắc kẹt” trong nợ nần và nạn đói.

Mất an ninh lương thực đi cùng nạn đói

Trong khi đó, Liên hợp quốc (LHQ) lại liên tục đưa ra cảnh báo rằng rủi ro kinh tế toàn cầu, trong đó có những khoản nợ quốc gia tăng cao, sẽ dẫn đến nạn đói. Đáng chú ý khi báo cáo của LHQ cho rằng, hàng năm có tới hơn 1 tỷ tấn thực phẩm được sản xuất trên toàn cầu đã bị lãng phí, mặc dù khoảng 1/3 nhân loại (khoảng 2,4 tỷ người) đang phải đối mặt nạn đói.

“Tính trung bình, mỗi người bỏ phí 79kg thực phẩm/năm - tương đương 1,3 bữa ăn/ngày của những người trên thế giới bị ảnh hưởng bởi nạn đói” - báo cáo của LHQ nêu và cho biết có tới 828 triệu người bị đói vào năm 2021. Đó là mức tăng gần 46 triệu người kể từ năm 2020 và 150 triệu người kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Trong khi đó, chương trình Môi trường LHQ cho rằng mỗi năm gần 1/5 lượng thực phẩm được sản xuất (tương đương với hơn 1 tỷ tấn) đã bị lãng phí trên toàn cầu.

Tới thời điểm cuối tháng 4/2024, cho dù chưa có con số thống kê chính thức, nhưng việc mất an ninh lương thực vẫn phổ biến ở nhiều châu lục, đặc biệt là ở châu Phi và Trung Mỹ.

Ước tính có khoảng 32% phụ nữ trên toàn thế giới phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng, so với 28% nam giới. Khoảng cách giới trong an ninh lương thực và dinh dưỡng đã ngày càng gia tăng kể từ năm 2020 đến nay.

Do bị suy dinh dưỡng, khoảng 45 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị gầy còm, làm tăng nguy cơ tử vong lên tới 12 lần. Cùng đó, 149 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị chậm tăng trưởng và phát triển thấp còi do thiếu dinh dưỡng mãn tính (theo Tổ chức Y tế thế giới WHO).

“Ảnh hưởng của nạn đói trên khắp thế giới rất sâu sắc và đa dạng. Những em bé trong 1.000 ngày đầu đời có nguy cơ chậm phát triển, chậm tăng trưởng, thậm chí tử vong khi thiếu ăn và chất dinh dưỡng. Phụ nữ mang thai có thể gặp các biến chứng bao gồm sảy thai, sinh non và thai phụ tử vong. Đói có thể làm suy giảm hệ thống miễn dịch, dẫn đến dễ mắc bệnh tật, có khả năng gây tử vong cho người già hoặc những người mắc bệnh mãn tính” - nhóm chuyên gia của Heifer International (tổ chức phi lợi nhuận toàn cầu hoạt động nhằm xóa đói giảm nghèo) cảnh báo.

Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các nước đang phát triển đã chi ra số tiền kỷ lục 443,5 tỷ USD vào năm 2022 để trả nợ công khi lãi suất toàn cầu tăng cao. Năm 2023, số tiền trả nợ trên đã tăng 5% so với năm trước càng tăng thêm khó khăn cho những quốc gia nghèo. Con số do WB công bố, số tiền trả nợ của 24 quốc gia nghèo nhất thế giới có thể tăng tới 39% vào năm 2024. Trong khi đó, theo Viện Tài chính quốc tế (IIF) ước tính nợ toàn cầu hiện ở mức 310.000 tỷ USD, tăng 25% trong 5 năm. Nợ xấu chính phủ đã đạt mức cao kỷ lục trên 554 tỷ USD, trong đó khoảng một nửa là nợ trái phiếu.

THẾ TUẤN

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/mac-ket-trong-no-nan-va-nan-doi-10279590.html