Mái ấm đặc biệt dành cho các cụ già, người neo đơn
Căn nhà cấp 4 rộng khoảng 70m2 được 3 bạn trẻ thuê lại để làm nơi cho các cụ già, người neo đơn và người vô gia cư đến ở, sinh sống. Căn nhà được dựng lên bởi tình yêu thương, mong muốn các cụ có một mái nhà 'đúng nghĩa' để nghỉ ngơi, ngon giấc sau một ngày dài mưu sinh vất vả.
Ba bạn trẻ gồm Lê Thanh Hải (SN 2000), Lê Minh Sơn (SN 2001) và Nguyễn Vương Anh (SN 2002), đều trú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã cùng nhau thuê một căn nhà cấp 4 rộng 70m2 với một khoảng sân rộng, một phòng khách và hai phòng ngủ để làm mái ấm tình thương cho các cụ già, người neo đơn và người vô gia cư đến ở, ngủ.
Bạn Lê Thanh Hải cho biết, thời gian đầu mới lên Hà Nội, Hải lang thang đường phố Hà Nội nhiều để khám phá và trải nghiệm cuộc sống mới. Trong quá trình đó, Hải gặp ông Thành nằm co ro trên đường trong tiết trời giá rét ở Hà Nội. Thấy thương ông, Hải đã đi mua xôi, bánh rồi tiến đến hỏi chuyện, tâm sự với ông. Quá trình trò chuyện, ông Thành cho biết đồ ăn thì hầu như ngày nào ông cũng được mọi người cho, có nhiều hôm cho mà không ăn hết. Ông chỉ mong muốn có một chỗ để nghỉ ngơi nhưng ông không có tiền vào viện dưỡng lão nên đành ngủ ở vỉa hè.
Từ những câu nói của ông Thành, Hải đã nghĩ đến lập nên một chỗ để đón người vô gia cư, người già neo đơn về ở và từ đó, Hải đã quyết tâm tìm thêm cộng sự để lập nên dự án “Hà Nội chung tay”. Hải đã thuyết phục Minh Sơn, Vương Anh bằng cách đưa hai em đi khắp đường phố Hà Nội để tìm và gặp những con người bất hạnh, kém may mắn. Qua những trải nghiệm thực tế, 3 bạn trẻ quyết tâm thành lập dự án "Hà Nội chung tay", gom góp được chút tiền ít ỏi để tìm thuê một căn nhà sạch sẽ, ấm cúng và an toàn, đón người vô gia cư về ở.
Ngày 25/12/2022, Hà Nội chung tay được thành lập, ba bạn trẻ đã thuê một căn nhà cấp 4 có đầy đủ tiện nghi đón 4 ông bà vô gia cư với những hoàn cảnh khác nhau như: Có cụ thì sống nhờ vào rác của người ta thải ra môi trường, có cụ thì các con bỏ đi biệt tích, có cụ thì do sa cơ lỡ vận nên vô tình trở thành người vô gia cư,… về ở. Từ đó đến nay, đều đặn toàn bộ số tiền thuê nhà, điện nước,… đều do 3 bạn đóng góp.
“Chúng em mới có 1 người đi làm, còn lại là sinh viên nên dự định làm trong 3 tháng với khả năng của bọn em và không kêu gọi tài trợ từ bên ngoài. Nhưng sau 3 tháng, bọn em không biết buông các cụ ra như nào, mọi người sẽ sống ra sao nên chúng em lại quyết định đã đưa các cụ về sống như một gia đình thì mình sẽ nuôi các cụ đến lúc nào chúng em không còn khả năng nữa thì thôi", Hải thông tin.
Theo Hải, hiện nay, chi phí thuê nhà, chăm sóc các cụ khi ốm đau, ăn uống, sinh hoạt vào khoảng 14 triệu và có thể là hơn. Để có số tiền đó, ba anh em sẽ tự bù trừ cho nhau, ai tháng này đi làm được tốt thì bỏ nhiều hơn,… Và căn nhà "Hà Nội chung tay" được dựng lên bởi tình yêu thương, mong muốn các cụ có một mái nhà "đúng nghĩa" để nghỉ ngơi, ngon giấc sau một ngày dài mưu sinh vất vả.
Ông Đặng Thế Quý, đang sinh sống tại căn nhà “Hà Nội chung tay” chia sẻ, để giúp các con, ông đã bán mảnh đất mà ông đang ở và trở thành người vô gia cư bất đắc dĩ. Sau khi bán nhà, ông hay ngủ ở vỉa hè, ghế đá công viên hoặc khi gặp người bảo vệ tốt bụng, họ thương cho ông vào bốt ngủ nhờ thì may mắn. Một lần, ông tình cờ gặp Sơn và Hải, biết được hoàn cảnh của ông, các bạn đã ngỏ lời đưa về sống chung. Từ khi về nhà “Hà Nội chung tay” ông Quý vui hẳn ra và ông luôn cảm ơn các bạn trẻ có lòng thương người, giúp đỡ ông cũng như một số hoàn cảnh khó khăn khác.
Ông Tiến (83 tuổi), thành viên mới chuyển về sinh sống tại căn nhà “Hà Nội chung tay” cho biết, ông sinh con ra nhưng không được nhờ con cái và phải tự thân vận động bằng cách hàng ngày đi nhặt giấy, phế liệu để bán. Trước khi về ở căn nhà này, tối đến ông chỉ biết ngủ tại vỉa hè, nắng hay mưa đều vậy. Ông may mắn được nhóm bạn trẻ đưa về mái ấm “Hà Nội chung tay” để ở, ông biết ơn các bạn trẻ cũng như dự án “Hà Nội chung tay”.
“Chúng em không mơ ước có nhiều tiền, chúng em chỉ mong có công việc ổn định, trang trải cuộc sống tốt để mở một viện dưỡng lão miễn phí dành cho những cụ già nghèo, không nơi nương tựa”, Lê Thanh Hải tâm sự.