'Mai Vàng tri ân' trao tặng quà 3 nhà trí thức, nhiếp ảnh tại TP HCM
Những cống hiến của Nhà điêu khắc - GSTS Nguyễn Xuân Tiên, PGS - TS Trần Yến Chi và nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn đối với sự nghiệp văn học, nghệ thuật nước nhà có sức lan tỏa rất lớn, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Sáng 1-12, chương trình Mai Vàng tri ân do Báo Người Lao Động tổ chức với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã tổ chức trao tặng quà cho GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, PGS - TS Trần Yến Chi và nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh - Báo Người Lao Động.
Ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, đã đánh giá cao thành tựu của GS-TS Nguyễn Xuân Tiên, PGS - TS Trần Yến Chi và nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn về những đóng góp của các nhà nghiên cứu văn hóa, nhiếp ảnh đối với nền văn học nghệ thuật nước nhà.
Nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên: Không ngừng cống hiến cho sự nghiệp đào tạo
Đối với văn nghệ sĩ thuộc 9 hội chuyên ngành Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM, đều biết đến Nhà điêu khắc - GS-TS Nguyễn Xuân Tiên. Ông hiện là chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, thành viên của Hội đồng Lý luận Phê bình Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM.
Ông sinh ngày 26- 6-1958 tại xã Tiêu Động, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Từ tháng 7-1976 ông tham gia bộ đội, là A trưởng. Từ tháng 10-1976 đến tháng 5-1979, ông là học sinh Trường CNKT Bút Sơn - Hà Nam, sau 3 năm ông vào làm việc tại Phân xưởng Cơ khí Nhà máy xi măng Hà Tiên - Thủ Đức.
Đến tháng 9-1981 ông trở thành sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Sau đó ông công tác tại Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM, trở thành chỉ huy trưởng thi công công trình Tượng đài nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Vĩnh Long.
Từ tháng 8-1988 đến tháng 9-1989, ông tham gia xây dựng xưởng Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Sau đó trở thành kỹ thuật giám sát thi công xây dựng thuộc Ban quản lý xây dựng cơ bản và là giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Đến tháng 9-2004 ông được bầu làm Phó trưởng Khoa Sau đại học, sau đó ông trở thành Trưởng khoa Sau đại học, giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM và được bổ nhiệm Phó hiệu trưởng, giảng viên Khoa Sau đại học, giảng viên Khoa Điêu khắc Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM năm 2012.
Từ tháng 8-2019 đến nay dù đã nghỉ hưu, ông vẫn tiếp tục làm giảng viên thỉnh giảng Khoa Sau đại học, Trường Đại học Mỹ thuật TP HCM. Năm 2019 ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Giáo sư cơ sở Trường Đại học Kiến trúc TP HCM. Trong hai năm liền (2020, 2021) ông được tín nhiệm bầu giữ chức Ủy viên Hội đồng Giáo sư liên ngành Văn hóa - Nghệ thuật - Thể dục thể thao TP HCM.
Ông được cấp bằng Tiến sĩ ngày 22-1 -2009, ngành: Nghệ thuật, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật và được công nhận chức danh Giáo sư ngày 9-3-2018, chuyên ngành: Nghệ thuật
Trong sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu, ông đã nghiên cứu chủ yếu các chuyên ngành: Mỹ thuật học; Điêu khắc hoành tráng; Điêu khắc môi trường đô thị; Trại sáng tác điêu khắc; Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông đã viết các giáo trình và in sách: "Mỹ thuật học" (dùng cho học viên sau đại học 2017); Công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Trại sáng tác điêu khắc - Thực trạng và giải pháp"…
Ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010; danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 2017; Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2013; Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn hóa, Thể thao và Du lịch" năm 2008; Bằng khen năm 2008, 2013, 2015, 2016; Danh hiệu giáo viên dạy giỏi - chiến sĩ thi đua cấp Bộ năm 2003, 2008, 2011, 2014, 2017; Ông đã được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Mỹ thuật Việt Nam" năm 2010; Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tặng kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam" năm 2011. Gần đây ông được UBND các tỉnh, thành phố tặng bằng khen đã có những đóng góp tích cực cho công tác Văn hóa - nghệ thuật tại các địa phương.
GS TS Nguyễn Xuân Tiên chia sẻ, từ khi tham gia giảng dạy đại học năm 1990 và cao học năm 2008, nghiên cứu sinh năm 2012 đến nay, tôi luôn luôn mong muốn truyền đạt những kiến thức chuyên ngành mà mình đã thu nhận được ở trong và ngoài nước cho sinh viên, học viên với quan điểm "lấy người học làm trung tâm".
"Phần thưởng của chương trình "Mai Vàng tri ân" là động lực để tôi tiếp tục không ngừng cống hiến cho sự nghiệp đào tạo" - GS TS Nguyễn Xuân Tiên tâm huyết.
PGS TS Trần Yến Chi: Tôi trả ơn TP HCM đã cưu mang, hun đúc
Xuất hiện với tà áo dài thướt tha, nụ cười khả ái. PGS TS Trần Yến Chi gợi nhớ ngay đến hình tượng nhân vật Nam Phương hoàng hậu mà bà đã từng thể hiện thành công trong bộ phim "Ngọn nến hoàng cung" do Hãng phim TFS sản xuất thập niên 90.
"Tôi có mặt tại Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh tại Báo Người Lao Động sáng hôm nay với một tâm trạng rất vui, bởi tôi không nghĩ những đóng góp nhỏ bé của mình được ghi nhận và trao phần thưởng của chương trình "Mai Vàng tri ân". Đối với tôi những công trình nghiên cứu và công tác đào tạo là sự đền ơn của bản thân đối với TP HCM, nơi tôi đã công tác hơn 30 năm qua. Từ môi trường rèn luyện này đã hun đúc cho tôi nhiều nghị lực để công tác tốt trong môi trường giáo dục và nghiên cứu" - PGS TS Trần Yến Chi bày tỏ.
Cách đây không lâu, PGS TS Trần Yến Chi đã xuất hiện trở lại trên sân khấu, với vai diễn Huyền Trân công chúa trong vở kịch thơ cùng tên cùng diễn với ca sĩ Hồng Vân và các diễn viên trẻ Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề, PGS TS Trần Yến Chi đã trải qua nhiều khó khăn, vất vả để khẳng định tên tuổi. bà cho rằng chính những trải nghiệm đáng quý đã cho bà có thêm nhiều bài học kinh nghiệm để vững vàng trên bục giảng.
Hành trang nghệ thuật của bà trong vai trò diễn viên có nhiều vai ấn tượng trong các bộ phim như: "Ngày về", "Những nẻo đường phù xa", "Tôi vào đời"... đặc biệt là vai Nam Phương Hoàng hậu trong phim "Ngọn nến Hoàng cung" của đạo diễn Quốc Hưng, hãng phim TFS sản xuất. Vai Khuyết trong vở "Bão không mùa" là một dấu ấn đẹp đối với sự nghiệp sân khấu của bà khi tham gia diễn kịch trên sân khấu Nhà hát kịch TP HCM.
Sinh tại Hà Nội, sau khi tốt nghiệp phổ thông, bà thi vào Đại học Bách Khoa, sau đó bà quyết định tiếp nối con đường nghệ thuật của bố - Nhà biên kịch Trần Kim Thành, bà thi vào Trường Đại học Điện ảnh Hà Nội đỗ đầu khóa 1, hệ đại học, sau khi tốt nghiệp năm 1990 bà được giữ lại làm giảng viên khoa kỹ thuật biểu diễn.
Vừa qua, PGS TS Trần Yến Chi đã hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ, mang tên: "Sân khấu TP HCM – Hà Nội với những nét đặc thù" và gần đây bà tổ chức Hội thảo khoa học.
"Tôi cảm ơn sự quan tâm của Báo Người Lao Động dành cho cá nhân tôi và các văn nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu, trí thức đã và đang miệt mài cống hiến trong lãnh vực của mình. Bản thân tôi luôn đồng hành với các bạn trẻ, góp phần tạo điều kiện, cơ hội để các đạo diễn, tác giả, diễn viên sân khấu làm nghề một cách nghiêm túc. Thành quả của các bạn trẻ chính là niềm hạnh phúc của tôi" - PGS TS Trần Yến Chi bộc bạch.
Nhà nhiếp ảnh Giản Thanh Sơn: "Mai Vàng tri ân" mang ý nghĩa nhân văn cao đẹp
Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn sinh năm 1957 tại Cần Giuộc, Long An. Ông là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hội viên Hội Luật gia Việt Nam, cử nhân Văn khoa, Tiến sĩ danh dự của World Records University (WRU).
Ông đã có 5 lần xác lập kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh - báo chí, đồng thời được Liên minh Kỷ lục thế giới tại Ấn Độ, Mỹ và Anh vinh danh vì sự cống hiến cho quốc gia và cộng đồng. Ông từng tác nghiệp tại 89 quốc gia. Một số bộ sách ảnh tiêu biểu của ông: "Chân dung chính khách", "Vị thế Việt Nam", "Không ảnh Sài Gòn", "Việt Nam nhìn từ trên cao"...
"Tôi "bén duyên" với nghề báo vào cuối năm 1975. Tôi có thời gian công tác tại Báo Người Lao Động, nên khi được nhận phần quà ý nghĩa của "Mai Vàng tri ân", tôi hạnh phúc lắm. Cảm ơn sự quan tâm và mong rằng chương trình sẽ mãi lan tỏa giá trị cao quý, tri ân sự đóng góp, cống hiến không ngừng của đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, giới trí thức của cả nước" - Nhà nhiếp ảnh Giãn Thanh Sơn nói.
Điều đặc biệt trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Nhà nhiếp ảnh Giãn Thanh Sơn là ông từng là phóng viên tháp tùng và chuyên trách của 2 nhiệm kỳ Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (2006 - 2011), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (2011 - 2016) và làm việc tại phủ Chủ tịch.
Có gần 50 năm làm báo, ông đã có mặt tại các kỳ họp thượng đỉnh tại Liên Hợp Quốc, hội nghị quốc tế tại Peru, Nhật Bản, Singapore, Nga, Mỹ, Ai Cập, Trung Quốc, Indonesia, Philippines,... và được xác lập 5 kỷ lục quốc gia và châu Á về nhiếp ảnh - báo chí.
Năm 2003, Giản Thanh Sơn trình làng Bộ ảnh "Chân dung chính khách". Cứ ngỡ rằng, ảnh về chân dung chính khách chắc sẽ "khô" lắm. Nhưng suy nghĩ đó đã biến mất, bởi ông đã khéo léo "mềm hóa" hình ảnh bằng việc chọn được những góc độ tốt nhất, chớp được những khoảnh khắc xuất thần nhất của các chính khách trong những nghi lễ Nhà nước, quốc tế mà Giản Thanh Sơn có may mắn được tháp tùng.
Năm 2017, Giản Thanh Sơn ra mắt sách ảnh "Vị thế Việt Nam" - một câu chuyện dài bằng hình ảnh về 25 chuyến thăm quốc tế và 9 lần tham dự các diễn đàn đa phương, hội nghị LHQ và quốc tế trên cương vị người đứng đầu Nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
"Vị thế Việt Nam" đã phác họa một giai đoạn ngoại giao "thúc đẩy quá trình hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng và toàn diện của nước ta; đẩy mạnh và làm sâu sắc thêm quan hệ giữa nước ta với các nước láng giềng, khu vực và xác lập quan hệ đối tác chiến lược với một số nước lớn, củng cố và tăng cường mối quan hệ với bạn bè truyền thống và mở ra quan hệ với các đối tác tiềm năng" (Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao).
"Hiện tôi vẫn còn nhiều hoài bão đang ấp ủ. Phần thưởng "Mai vàng tri ân" đã cho tôi thêm động lực, để tiếp tục dấn thân theo đuổi các dự án sáng tác. Là một nhà nhiếp ảnh phải luôn có tâm hồn nghệ sĩ, biết rung động trước cuộc sống, cái đẹp… Tôi tin rằng, "Mai Vàng tri ân" của Báo Người Lao Động đã mang dấu ấn nhân văn cao đẹp, là chất liệu để các văn nghệ sĩ, trong đó có tôi tiếp tục thêu dệt những ý tưởng mới lạ, hữu ích cho nền văn hóa nghệ thuật Nước nhà" - Nhà nhiếp ảnh Giãn Thanh Sơn phấn khởi.