Malaysia xuất khẩu sầu riêng tươi sang Trung Quốc, Việt Nam có mất thị phần?

Malaysia chính thức được xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, cuộc đua cạnh tranh thị phần xuất khẩu loại quả này ngày càng quyết liệt.

Ngày 19-6 vừa qua, sau sầu riêng đông lạnh, "cha đẻ" của đệ nhất sầu riêng Musang King- Malaysia chính thức được xuất khẩu trái sầu riêng tươi sang Trung Quốc.

Điều này khiến cho cuộc đua xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường tỉ dân trở nên đầy tính cạnh tranh. Nhất là khi Malaysia là một trong những nước sản xuất sầu riêng lớn nhất thế giới và có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao.

Vào hồi cuối tháng 12-2023, nói trên tờ The Star, Thư ký Hiệp hội Du lịch sinh thái và nông nghiệp Pahang, Vance Chiang cho biết, "sầu riêng Malaysia có thể bán ở Trung Quốc trong vòng 48 giờ kể từ thời điểm được thu hoạch nhờ xuất khẩu bằng đường hàng không. Điều này để đảm bảo cho trái cây nước này giữ được độ tươi ngon hơn".

Thời điểm đó, ông Vance Chiang nêu, một khi thỏa thuận xuất khẩu giữa Malaysia và Trung Quốc hoàn tất, họ sẽ lên kế hoạch cho toàn bộ quá trình xuất khẩu để chuẩn bị cho vụ sầu riêng tiếp theo diễn ra từ tháng 4 đến tháng 5 hàng năm.

Nhiều đơn vị cho rằng việc gia nhập thị trường xuất khẩu của sầu riêng Malaysia sẽ khiến cho thị phần của 3 nước Thái Lan, Việt Nam và Philiphines trở nên chật chội hơn ở thị trường Trung Quốc.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhìn nhận, đến nay Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất thế giới, dung lượng thị trường đối với loại quả này vẫn còn rất nhiều. Việc có thêm đối thủ mới như Malaysia sẽ giúp lựa chọn tiêu dùng tại nước này trở nên đa dạng hơn.

Cũng theo ông Nguyên, Malaysia khi xuất khẩu trái sầu riêng vào Trung Quốc sẽ nhắm vào phân khúc cao cấp. Bởi nước này vốn có lợi thế về các giống sầu riêng chất lượng cao, tiêu biểu là sầu riêng Musang King. Đây là loại sầu riêng được đánh giá là ngon nhất thế giới, giá bán cũng cao hơn các loại sầu riêng khác.

Trong khi đó trái sầu riêng Việt khi xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thường ở phân khúc bình dân, phục vụ được nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng Trung Quốc.

 Sầu riêng Việt Nam có thể cho trái quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu. Ảnh: THU HÀ

Sầu riêng Việt Nam có thể cho trái quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu. Ảnh: THU HÀ

Cũng theo ông Nguyên, ở thời điểm hiện tại trái sầu riêng Việt vẫn có nhiều lợi thế về thời vụ thu hoạch quanh năm, mùa nào cũng có hàng để xuất khẩu. Trong khi sầu riêng của Malaysia, Thái Lan và Philippines chỉ kéo dài vài tháng giữa năm.

Chưa kể, chi phí vận chuyển từ vùng trồng nước ta sang Trung Quốc cũng gần nhất, chỉ mất khoảng 1,5 ngày. Vấn đề logistics có nhiều lợi thế, từ đó giá sầu riêng bán tại Trung Quốc cũng cạnh tranh hơn.

Dù vậy, theo ông Nguyên, hiện nay các nước đang tập trung vào kiểm soát chất lượng, và bảo vệ thương hiệu. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng Việt Nam cần chú ý để tăng sức cạnh tranh tại thị trường tỉ dân này.

Theo Hiệp hội Rau Quả Việt Nam, dữ liệu sơ bộ từ Hải quan Việt Nam thì sầu riêng, thanh long, chuối và nhãn là những loại trái cây đóng góp lớn cho tăng trưởng xuất khẩu rau quả. Ước tính nửa đầu năm, rau quả Việt xuất khẩu đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Trung Quốc, 5 tháng nước này đã mua 1,7 tỷ USD nông sản Việt, tăng 33% so với cùng kỳ 2023.

THU HÀ

Nguồn PLO: https://plo.vn/malaysia-xuat-khau-sau-rieng-tuoi-sang-trung-quoc-viet-nam-co-mat-thi-phan-post797118.html