Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2025 đầy đủ gồm những gì?

Dịp rằm tháng Giêng, các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng tươm tất để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên; lễ vật cúng rằm tháng Giêng gồm những gì?

Rằm tháng Giêng (hay còn gọi là Tết Nguyên tiêu) là một trong những ngày lễ quan trọng trong văn hóa Việt Nam, diễn ra vào ngày 15 tháng 1 Âm lịch.

Người xưa có quan niệm "cúng cả năm không bằng ngày rằm tháng Giêng". Vào ngày này, người dân thường đi chùa cầu an, cầu may hoặc dâng sao giải hạn. Các gia đình thường chuẩn bị mâm cỗ cúng dâng ông bà tổ tiên.

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng gồm những gì?

Lễ cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải có mâm cao cỗ đầy; tùy thuộc vào điều kiện và phong tục từng gia đình mà có thể điều chỉnh. Ý nghĩa chung vẫn là thể hiện tinh thần "uống nước nhớ nguồn" và lòng thành kính, tri ân Phật, thánh và tổ tiên.

Dưới đây là những lễ vật phổ biến thường được bày biện trong lễ cúng:

- Trái cây: Nhiều gia đình bày mâm ngũ quả, biểu tượng cho sự sung túc, đầy đủ, cân bằng, hài hòa trong cuộc sống. Thông thường mâm ngũ quả gồm chuối, bưởi, đào, quýt, và dưa hấu.

- Hoa tươi: Hoa huệ, hoa cúc vàng hoặc hoa lay ơn thường được chọn để dâng lên bàn thờ, tượng trưng cho lòng thành và sự thanh khiết.

- Hương, đèn nến: Hương thơm và đèn nến mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên, người thân đã khuất.

- Trầu cau: Bộ trầu cau gồm 3 đến 5 lá trầu, 1 miếng cau bổ, tượng trưng cho tấm lòng son sắt và sự hòa hợp.

- Rượu, nước, trà: Lễ vật này tượng trưng cho sự thanh sạch và trong sáng, thường được sắp xếp trên bàn thờ.

- Mâm cỗ gồm nhiều món ăn.

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng tươm tất để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. (Ảnh: Lan Nguyen)

Mâm lễ cúng rằm tháng Giêng tươm tất để bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên. (Ảnh: Lan Nguyen)

Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng có thể là cỗ chay hoặc mặn, hoặc cả hai - gồm cỗ mặn cúng gia tiên và cỗ chay để cúng thần linh.

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng

Một mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng thường gồm những món sau:

- Gà luộc là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ cúng. Thường thì người ta sẽ chọn con gà trống tơ, luộc chín và bày lên đĩa với toàn bộ hình dáng nguyên vẹn, biểu trưng cho sự trọn vẹn, đủ đầy. Gà luộc còn thường được kèm với lá chanh thái sợi nhỏ và chấm muối tiêu.

- Xôi thường được chọn là xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh có màu sắc đẹp và ý nghĩa may mắn. Màu đỏ của xôi gấc tượng trưng cho sự cát tường, trong khi xôi đỗ xanh là biểu hiện của sự đầy đặn và yên bình.

- Giò lụa và giò thủ là hai loại giò phổ biến trong mâm cỗ cúng, tượng trưng cho tài lộc và sự an khang. Những khoanh giò tròn đầy được bày trên đĩa không chỉ đẹp mà còn thể hiện sự sung túc, dồi dào.

- Nem rán (chả giò) là món ăn thể hiện sự phong phú, đa dạng trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Nem rán thơm ngon với lớp vỏ giòn rụm, nhân thịt và rau củ đậm đà, làm tăng thêm hương vị hấp dẫn cho mâm cỗ.

- Thịt kho tàu với hương vị đậm đà, miếng thịt mềm nhừ cùng trứng luộc biểu trưng cho sự giàu sang, phát đạt. Món ăn này không chỉ thơm ngon mà còn thể hiện lòng thành kính sâu sắc đến tổ tiên.

- Canh mọc với những viên thịt nhỏ hấp dẫn hoặc canh bóng thả thơm lừng không chỉ làm mâm cỗ thêm phần phong phú mà còn mang ý nghĩa cho sự đậm đà, gắn kết của gia đình.

- Rau củ luộc với màu sắc tươi tắn, thường là các loại rau theo mùa như bầu, bí, cà rốt, su hào... tượng trưng cho sự khỏe mạnh, tươi mới, là lời chúc về sức khỏe và sinh khí.

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng với các món được chuẩn bị cầu kỳ. (Ảnh: Loan Trần)

Mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng với các món được chuẩn bị cầu kỳ. (Ảnh: Loan Trần)

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng

Việc dâng mâm cỗ chay vào ngày rằm tháng Giêng được xem là hướng con người đến những điều thiện lành, từ bi. Mâm cỗ thường bao gồm các món cơ bản như:

- Xôi gấc hoặc xôi đỗ xanh: Xôi là một trong những món không thể thiếu, tượng trưng cho sự no ấm, đoàn viên. Màu đỏ của xôi gấc có ý nghĩa cầu may mắn, phúc lộc.

- Nem chay (chả giò chay): Được làm từ các loại rau củ như mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt, đậu phụ...

- Đậu hũ chiên sả: Đậu hũ được cắt miếng, ướp với sả băm nhỏ, sau đó chiên vàng. Món ăn này đơn giản, dễ thực hiện nhưng rất thơm ngon.

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng. (Ảnh: Tô Hằng Quyên)

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng. (Ảnh: Tô Hằng Quyên)

- Canh nấm chay: Canh nấm kết hợp từ nhiều loại nấm như nấm hương, nấm kim châm, đậu hũ non... tạo ra hương vị thanh mát, ngọt tự nhiên.

- Rau củ luộc hoặc xào chay: Các loại rau củ tươi ngon như bông cải, cà rốt, đậu que... không chỉ đẹp mắt mà còn giàu dinh dưỡng.

- Chè trôi nước chay: Món chè ngọt ngào có ý nghĩa cầu mong sự đoàn viên, viên mãn trong gia đình.

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/mam-co-cung-ram-thang-gieng-2025-day-du-gom-nhung-gi-ar924573.html