Mặn đắng nghề lặn biển thuê...
Lặn biển thuê tại các ngư trường ở miền Nam mang về nguồn thu nhập ổn định cho nhiều gia đình tại thôn Lê Lợi, xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh). Thế nhưng, nghề này lại lắm rủi ro, hiểm họa khôn lường khiến không ít 'kình ngư' phải sống trong cảnh tàn tật suốt đời.
Video: Ông Nguyễn Viết Hành chua chát nói về nghề lặn biển lắm vất vả, nhọc nhằn.
Trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng ở thôn Lê Lợi, ông Nguyễn Viết Hành (SN 1966) khó nhọc lê từng bước chân tập tễnh ngồi vào mâm cơm. Mở đầu câu chuyện, ông cay đắng nhớ lại những nhọc nhằn, hẩm hiu khi gắn bó với nghề lặn.
Năm 1990, sau khi xuất ngũ, ông Hành vào miền Nam lập nghiệp bằng nghề lặn thuê. Ngày ấy, nghề lặn đã tạo nên cơn sốt đối với người dân làng biển Kỳ Xuân. Đồng tiền bát gạo kiếm được từ lặn biển đủ sức hấp dẫn để tạo thành “cơn lốc” cuốn đám trai làng vào các tỉnh phía Nam lặn thuê.
Mỗi ngày ít nhất 6 tiếng đồng hồ, “ê kíp” lặn của ông Hành làm việc dưới đáy biển, công việc chính là bắt sò mai, sò huyết, chang chang cho chủ tàu. Ngư trường khai thác thường cách bờ từ 2 đến 3km, ở độ sâu từ 40m-60m. Cùng làm việc với ông Hành trên tàu còn có 11 thợ lặn khác và 7 thợ kéo dây.
Khi mặt trời lấp ló trên mặt biển cũng là lúc tốp thợ lặn bắt đầu ngày mới. Ngư cụ cho mỗi chuyến lặn là 7kg gồm: chì, bình oxy và 200m dây hơi quấn quanh hông.
Làm việc lâu dưới đáy biển trong môi trường áp suất lớn, lại không có bất cứ thiết bị bảo hiểm nào nên thợ lặn luôn phải đối mặt với bao hiểm nguy rình rập. Nguy hiểm nhất là lúc lên bờ, sự thay đổi áp suất quá đột ngột dễ gây “sốc” đối với cơ thể thợ lặn.
Sau một thời gian dài gắn bó với nghề lặn biển thuê, đến tháng 3/1997, ông Hành đã vĩnh viễn mất đi đôi chân khỏe mạnh. Trong một chuyến lặn biển trở về thuyền, ông Hành bị choáng váng, xây xẩm mặt mày, toàn thân dưới tê buốt rồi ngất xỉu lúc nào không hay. Tỉnh lại trên giường bệnh thì đôi chân của ông đã không còn cảm giác...
“Bác sĩ chẩn đoán đôi chân bị áp suất nước chèn vỡ các mạch máu dẫn đến bại liệt. Với thợ lặn, mất đi đôi chân cũng đồng nghĩa chấm dứt duyên nợ với nghề. Phải mất 3 năm cùng rất nhiều nỗ lực, năm 2000, đôi chân tôi mới bắt đầu tập tễnh những bước đi đầu tiên. Mỗi lần nhớ lại những ngày vùng vẫy dưới biển sâu, tôi lại chạnh lòng khi nhìn đôi chân teo tóp hiện tại. Nghề lặn đã từng mang tới nguồn thu nhập lớn cho cả gia đình, giúp chúng tôi gia cố nhà cửa, chăm lo con cái nhưng thợ lặn phải mang cả tính mạng của mình ra để đặt cược cho một canh bạc lớn giữa biển cả, sóng dữ...", ông Hành chua chát.
Sau khi bệnh tật có phần thuyên giảm, ông Hành thuê ki-ốt đầu thôn để bơm vá, sửa xe đạp kiếm sống, ngày nhiều được vài chục, có khi chẳng có đồng nào. Nguồn sống của cả nhà 5 miệng ăn chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng.
Điều ông Hành luôn trăn trở là hiện nay gia đình thuộc hộ nghèo. Với thu nhập ít ỏi của 2 vợ chồng, không biết rồi đây, tương lai của 3 đứa con còn đang tuổi ăn học (đứa lớn học lớp 10, đứa bé nhất học lớp 7) sẽ ra sao!
33 năm sống với biển cả, ông Bùi Quang Hạnh (SN 1968, trú thôn Lê Lợi) đã từng chứng kiến rất nhiều số phận phải gánh chịu nỗi đau sinh nghề tử nghiệp. Không ít “kình ngư” phải bỏ mạng giữa biển khơi, trong số những người trở về, phải gắn bó với chiếc xe lăn đến hết đời. Thế nhưng, ông không thể ngờ, chính mình cũng là nạn nhân của của nghề lặn biển thuê...
Tai nạn xẩy ra với ông Hạnh vào năm 2015, trong một chuyến lặn biển thuê, biến ông từ một con người cường tráng khỏe mạnh trở thành yếu ớt, phải... tập đi như trẻ lên 3.
Những ngày sau đó là chuỗi thời gian ông Hạnh được vợ con, người thân đưa đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Thế nhưng, vận may vẫn chẳng thể mỉm cười.Theo các bác sỹ, sức ép của áp suất nước biển quá lớn đã làm cho cơ chân của ông bị giãn ra, ép vào tủy và các mạch máu bị tắc không thể lưu thông đi nuôi các tế bào.Trở về quê nhà với tấm thân tàn phế, oái ăm thay, ông còn bị biến chứng sau tai biến, khiến một nửa thân trên bại liệt, đôi tay cũng dần co quắp. 4 năm đầu tiên, ông chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phụ thuộc người nhà.
”Sau rất nhiều nỗ lực chạy chữa cùng với quyết tâm phục hồi chức năng, tập vật lý trị liệu, mỗi ngày vợ con lại dìu tôi tập đi trên sân. 7 năm sau tai nạn đau lòng, đến nay, tôi dần tập tễnh được song chủ yếu vẫn phải phụ thuộc phần lớn vào chiếc xe lăn. Lần lặn định mệnh ấy mãi mãi là ký ức kinh hoàng mà đến hết đời này tôi chẳng thể nào quên”, ông Hạnh trải lòng.
Với chị Nguyễn Thị Liệu (SN 1979, thôn Lê Lợi), cuộc sống khá vất vả khi chị bất đắc dĩ trở thành trụ cột gia đình khi chồng chị - anh Trần Quang Huệ (SN 1971) trở về với đôi chân bại liệt vào năm 2007 do nghề lặn biển thuê.
"Sau gần 10 năm trong nghề, chồng tôi phải đành bỏ cuộc với đôi chân tàn phế. 15 năm qua, một mình tôi vừa phải chạy vạy thuốc thang cho chồng vừa làm lụng nuôi dạy con cái. Mới đây, bác sỹ chẩn đoán chồng tôi có khả năng suy thận khiến tâm lý của cả gia đình thêm đè nặng...”, chị Liệu ngậm ngùi.
Trưởng thôn Lê Lợi Trần Văn Phú cho biết: “Toàn thôn có 342 hộ dân với 1.150 nhân khẩu, trong đó, có hơn 40 người bại liệt do nghề lặn biển thuê. Đến thời điểm hiện tại, nghề lặn “cha truyền con nối” ở Kỳ Xuân mai một đi ít nhiều bởi làn sóng xuất khẩu lao động đã mở thêm cơ hội đổi đời cho không ít người. Tuy nhiên, chi phí đưa con em đi nước ngoài cũng là một thử thách đối với nhiều gia đình. Vì vậy, dẫu những hệ lụy từ nghề lặn đã được báo trước nhưng vẫn không ít người đang phải mưu sinh bằng nghề nguy hiểm này".
Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/nui-hong-song-la/man-dang-nghe-lan-bien-thue/230567.htm