Theo lãnh đạo Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Hội xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề "Xuân đất Bắc" nhằm tạo không gian mang đậm sắc xuân để học sinh vui chơi, giải trí sau thời gian học tập căng thẳng, giúp học sinh giao lưu, học tập nâng cao vốn hiểu biết, trau dồi các kỹ năng sống, có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân.
Thông qua các hoạt động như văn nghệ với các tiết mục nghệ thuật truyền thống đặc sắc ngày tết (trống chèo, làn điệu chèo tứ quý, trích đoạn chèo cổ Việt Nam "Quan Âm Thị Kính...); thi gói bánh chưng; thi bày gian hàng; tham gia Trò chơi dân gian "Rồng Rắn lên mây"; trải nghiệm "Tinh hoa Bắc Bộ"… giúp học sinh có thêm hiểu biết về văn hóa các vùng miền.
Một trong những điểm nhấn của Hội Xuân Ất Tỵ 2025 là Thi trình diễn thời trang với chủ đề: "Trang phục Tết cổ truyền đất Bắc xưa và nay", quy tụ dàn "người mẫu cây nhà lá vườn" gồm các nam thanh nữ tú Trường THCS & THPT Lê Quý Đôn.
Hàng trăm học sinh đã khoác lên mình những bộ trang phục Tết cổ truyền ấn tượng với những họa tiết tinh xảo, kết hợp tinh tế giữa yếu tố thẩm mỹ, giá trị truyền thống và hiện đại, qua đó, góp phần gìn giữ và tôn lên vẻ đẹp của người dân đất Việt.
Một số hình ảnh đẹp trong phần trình diễn "Trang phục Tết cổ truyền đất Bắc xưa và nay" do các học sinh Trường THCS và THPT Lê Quý Đôn thể hiện
Áo Nhật Bình trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong các bức tranh miêu tả về hoàng cung triều Nguyễn, góp phần làm nổi bật sự giàu có và văn hóa phong phú của thời kỳ này.
Sự đối lập giữa xưa và nay trong hai thiết kế này đã khắc họa rõ nét hành trình phát triển của áo dài, từ hoàng cung trang nghiêm đến đời sống hiện đại năng động.
Từ xa xưa, áo dài đã là biểu tượng của văn hóa, con người Việt Nam.
Bộ áo dài phong cách hoa sen được lấy cảm hứng từ vẻ đẹp thanh cao của hoa sen – biểu tượng gắn liền với văn hóa Việt Nam, kết hợp cùng hình ảnh mặt trời, tượng trưng cho sự sống và hy vọng.
Bộ áo dài của người con gái Hà Nội đằm thắm, dịu dàng, vô cùng duyên dáng.
Hà Nội xưa trong Hà Nội nay.
Ra đời từ phong trào “Mùa Đông binh sĩ” do Bác Hồ phát động năm 1946 - chiếc áo trấn thủ là biểu tượng sức mạnh đoàn kết dân tộc trong những năm tháng hào hùng giữ nước của dân tộc.
Bộ trang phục gợi nhớ Tết của thời bao cấp - trang phục chứa đựng biết bao chắt chiu, công phu dành dụm, mong chờ, háo hức, gom góp biết bao yêu thương, lo toan, hy vọng, niềm sung sướng của mọi thành viên trong gia đình khi đón chào năm mới.
Trang phục tết của các dân tộc thiểu số Việt Nam nổi bật với nhiều màu sắc và các họa tiết rất tinh xảo.
Dường như cả vườn xuân đang hội tụ về đây cùng đua nhau khoe sắc.
Trang phục truyền thống tôn thêm vẻ đẹp người phụ nữ Việt.
Trang phục dân tộc là di sản văn hóa quý báu cần trân trọng, gìn giữ và phát huy.
Trang phục múa con đĩ đánh bồng của hội làng Triều Khúc bắt nguồn từ thế kỉ thứ 8, khi vua Phùng Hưng trước thời điểm vây hãm và hạ thành Tống bình (Hà nội ngày nay) đã đóng quân tại làng Triều Khúc. Để kích động tướng sĩ, Ngài đã cho binh lính giả gái, ăn mặc sặc sỡ, đeo trống múa bồng.
Áo chầu - một nét đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc.
Chiếc áo tứ thân tượng trưng cho 5 đạo tốt đẹp của con người: nhân, nghĩa, lễ, trí và tín.
Các bạn học sinh biểu diễn sự khác biệt trong trang phục của địa chủ và nô bộc - không chỉ phản ánh điều kiện kinh tế mà còn tái hiện cấu trúc xã hội phong kiến với sự phân biệt giai cấp rõ rệt.
Bên cạnh những mâm cỗ, lễ lộc truyền thống theo phong tục thì trang phục cũng là một trong những yếu tố quan trọng được quan tâm vào dịp tết đến xuân về.
Màn biểu diễn gợi tục “xin chữ” mỗi dịp Tết xuân về - một nét đẹp văn hóa của nhân dân ta.
Chiếc Áo dài cổ truyền cũng là lựa chọn hàng đầu của nam giới mỗi khi tết đến xuân về.
"Đào hồng khoe sắc đón xuân sang".
Màn trình diễn thời trang nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt của các bạn học sinh...
...và cả sự hưởng ứng nhiệt tình của Ban giám khảo.
Tết cổ truyền là dịp để mỗi người Việt tưởng nhớ và tri ân đến tổ tiên, nguồn cội, cũng là dịp để tôn vinh và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trần Vũ